Cán bộ Chi cục Thuế huyện Lương Sơn kiểm tra việc thực hiện các chính sách về thu, nộp thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Theo nhận định chung, thu NSNN 6 tháng đầu năm 2024 khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cả khoản thu từ thuế, phí và thu tiền sử dụng đất (SDĐ) đều tăng và cơ bản đạt được kế hoạch thu. Cụ thể, thu thuế, phí thực hiện 1.694 tỷ đồng, đạt 48,4% dự toán HĐND tỉnh và bằng 103,3% so với cùng kỳ. Thu tiền SDĐ thực hiện khoảng 1.346 tỷ đồng, đạt 67,3% dự toán HĐND tỉnh và tăng 11 lần so với cùng kỳ (khối tỉnh thu 1.118/1.300 tỷ đồng, đạt 86% dự toán HĐND tỉnh; khối huyện thu 228/700 tỷ đồng, đạt 32,5% dự toán HĐND tỉnh).
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Báo cáo nhanh đến giữa tháng 7, thu nội địa của tỉnh khoảng 3.294 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó, thu tiền SDĐ khoảng 1.347 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán HĐND tỉnh; thu thuế, phí (trừ tiền SDĐ) thực hiện 1.746 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán HĐND tỉnh. Số thu năm nay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ nguồn thu tiền SDĐ các dự án chuyển từ năm 2023 sang (khoảng 159 tỷ đồng) và các dự án mới phát sinh năm 2024 (khoảng 1.150 tỷ đồng). Còn lại các khoản thuế, phí thu đạt theo kế hoạch. Riêng thu từ Công ty Thuỷ điện Hoà Bình mới đạt 222 tỷ đồng, đạt khoảng 22,4% dự toán HĐND tỉnh và bằng 51,2% so với cùng kỳ.
Cũng theo phân tích của ngành Thuế, mặc dù thu ngân sách có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn các năm trước, tuy nhiên hiện nay tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức, vì thu tiền đấu giá quyền SDĐ tiếp tục đạt thấp, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Trong đó, thu tiền SDĐ đạt thấp nhất là huyện Cao Phong, được giao 20 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm này mới thu được 86 triệu đồng, đạt 0,4% kế hoạch; huyện Mai Châu được giao 10 tỷ đồng, thực hiện 144 triệu đồng, đạt 1,4% kế hoạch; huyện Kim Bôi được giao 50 tỷ đồng, thực hiện hơn 1,1 tỷ đồng, đạt 2,3% kế hoạch. Theo lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, 6 tháng đầu năm, UBND các huyện, thành phố đã đôn đốc triển khai các thủ tục và thực hiện đấu giá quyền SDĐ, tuy nhiên, hầu hết các dự án đấu giá đều không có hồ sơ đăng ký mua mặc dù đã đấu giá nhiều lần. Vì vậy, việc thu tiền SDĐ đối với các huyện, thành phố gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, tổng số tiền nợ đọng thuế của các doanh nghiệp khá lớn, chiếm khoảng 71% dự toán HĐND tỉnh. Đây là áp lực rất lớn trong những tháng cuối năm để đảm bảo thu ngân sách theo kế hoạch. Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 30/6, tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 3.893 tỷ đồng, riêng tiền SDĐ khoảng 2.115 tỷ đồng, chiếm 54% tổng số thuế nợ. Trong đó, nợ khó thu 42 tỷ đồng; nợ đang chờ xử lý 212 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 3.638 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết thêm: Ngành đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Tính đến nay, ngành Thuế đã hoàn thành 128/382 cuộc thanh tra, kiểm tra; truy thu, phạt chậm nộp 244 tỷ đồng. Số tiền nộp NSNN sau thanh tra, kiểm tra là 11 tỷ đồng. Bằng các biện pháp quản lý, đôn đốc và cưỡng chế thuế đã thu được 250 tỷ đồng nợ tại thời điểm cuối năm 2023. Cục Thuế tỉnh cũng đã ban hành 1.393 quyết định cưỡng chế thuế đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế.
Để đạt kết hoạch thu ngân sách năm 2024, từ nay đến cuối năm, tỉnh phải thực hiện thu 2.523 tỷ đồng, trong đó thu nội địa khoảng 2.460 tỷ đồng. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chíNguyễn Thị Hương Nga cho biết: Đây là một áp lực không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản trầm lắng. Cùng với đó, ngành cũng phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ các doanh nghiệp. Đối với tỉnh Hoà Bình sẽ ảnh hưởng ngân sách tỉnh khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2024. Điều này càng tạo áp lực cho thu ngân sách tỉnh những tháng cuối năm.
Với mục tiêu hoàn thành thu NSNN năm 2024, theo đồng chí Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, trong những tháng tới, ngành Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh tăng cường giải pháp rà soát các nguồn thu, chống thất thu, đặc biệt là rà soát các lĩnh vực còn khả năng thu như bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có khả năng thất thu như khai thác khoáng sản, kinh doanh thương mại điện tử. Đặc biệt, ngành tập trung công tác đôn đốc nợ.
Các ngành và địa phương cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách. Đồng chí Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình cho biết: 6 tháng đầu năm, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện của tập đoàn nên thuỷ điện Hoà Bình khai thác thấp hơn so với mọi năm. Bắt đầu từ tháng 6, mùa mưa đến sớm, mực nước hồ về nhiều, từ nay đến cuối năm thuỷ điện Hoà Bình sẽ khai thác tối đa. Theo ước tính của công ty, thuỷ điện Hoà Bình sẽ đạt sản lượng khoảng 8,5 tỷ kWh, tương đương khoảng 90% kế hoạch HĐND tỉnh.
Đối với huyện Lương Sơn, nhiệm vụ thu NSNN được tỉnh giao 471 tỷ đồng, HĐND huyện giao 1.160 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, UBND huyện xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để xử lý nợ thuế, hiện tổng số nợ thuế trên địa bàn hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng danh mục thu cho cả giai đoạn và kế hoạch thu chi tiết cho từng năm, hiện tập trung vào 3 danh mục thu chính là 2 dự án nhà ở Cầu Sơn, Đồng Bưng và dự án Đồng Bài. Huyện đang tập trung cao nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án này. Qua đó thu được nguồn ngân sách theo kế hoạch.
Xác định nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm còn rất nặng nề, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, có phương án tính toán thu bù khoản thu giảm trừ thuế của năm 2024. Rà soát, tính toán các khoản thu từ thuê tiền SDĐ hàng năm để bù nguồn thu. Đồng thời rà soát tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn, với dự án nào chưa thu đủ cần đôn đốc thu đúng, thu đủ theo quy định.
Phương Linh
Gia đình ông Bùi Văn Theng ở xóm Đon, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc có hơn 3.000m2 đất vườn. Đây là diện tích gia đình trông vào để có thu nhập hàng năm. Từ nhiều năm trước, gia đình ông trồng mía tím và mía trắng. Đây là cây trồng truyền thống ở xã Mỹ Hòa. Việc đầu tư trồng mía ngoài công lao động của gia đình thì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài cửa hàng. Không có vốn đầu tư thì tiền mua phải tính lãi cao, đến cuối năm bán mía trả. Mía được tiêu thụ qua các tiểu thương về Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Năm ít có mía bán thì giá cao. Năm nhiều người lao vào trồng giá lại rẻ. Có năm không bán được phải chặt bỏ hoặc bán rẻ. Những lúc như thế chỉ ôm cây mía khóc ròng cho một năm trời lao động vất vả.