Đường giao thông xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.
Huyện đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, trong đó giao thông đô thị và các tuyến đường huyện, đường xã làm tiền đề cho phát triển bền vững KT-XH. Tập trung bố trí ngân sách nhà nước đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, quy mô lớn như công trình tuyến đường 438 với tổng chiều dài 7km; tuyến đường 438B xã Khoan Dụ - An Bình tổng chiều dài 24km; tuyến đường Ba Sao - Bái Đính tổng chiều dài 11,2km tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng trên địa bàn huyện. Trong 3 năm (2021 - 2023), huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 124 công trình với tổng kinh phí 364,757 tỷ đồng.
Đối với hạ tầng cung cấp điện, giai đoạn 2021 - 2023 đã đầu tư 4 công trình với mức đầu tư 43,5 tỷ đồng xây mới các trạm biến áp, cải tạo thay dây, cột sứ nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trên địa bàn huyện hiện có 73 công trình hồ chứa phục vụ tưới chủ động cho 5.563ha sản xuất nông nghiệp. Trong 3 năm qua thực hiện sửa chữa, đầu tư nâng cấp 17 công trình với tổng số vốn 44.230 triệu đồng.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại là yếu tố quan trọng góp phần phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện trên địa bàn huyện có 11 chợ (1 chợ trung tâm, 1 chợ tạm và 9 chợ loại 3) tại các xã, thị trấn. Các chợ được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hoá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Hạ tầng bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển đồng bộ từ huyện đến xã. Tỷ lệ sử dụng internet duy trì khoảng 50%. Toàn huyện có 13 điểm phục vụ bưu chính; 10/10 xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng hàng năm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn huyện có 28/33 trường chuẩn quốc gia, đạt 84,8%.
Về hạ tầng y tế, trên địa bàn huyện có 1 trung tâm y tế và 10 trạm y tế được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng nâng cao, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế đa dạng, chất lượng cao hơn ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, không ngừng nâng cao thương hiệu và sức hút của du lịch huyện Lạc Thủy.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại. Rà soát các công trình, dự án xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện triển khai đúng tiến độ. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, cải tạo, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, vận dụng tốt cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình, dự án nguốn vốn ngân sách nhà nước. Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, chi phí, đơn giản hoá thủ tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Đinh Thắng