Từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than/năm và đến năm 2025 là 60-70 triệu tấn để đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất điện nhưng thị trường than thế giới tiềm ẩn rất nhiều rủi ro

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng - Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), khẳng định: TKV cho rằng việc nhập gần 10.000 tấn than vừa qua chỉ là phép thử để xây dựng cách thức và giá thành cho việc nhập hàng chục triệu tấn than/năm là không sát thực tế. Không thể đặt vấn đề an ninh năng lượng quốc gia cho một phép thử quá chênh vênh.

Nhiệt điện than vào thế bí

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất các nguồn điện dự kiến tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020 là 28.600 MW, trong đó nhiệt điện than khoảng
16.800 MW (chiếm trên 50%), nhiệt điện khí khoảng 4.943 MW, thủy điện khoảng 2.191 MW, điện hạt nhân 1.000 MW... Đáng lo ngại của mục tiêu sản xuất điện này là từ năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than/năm và đến năm 2025 là 60-70 triệu tấn để đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất điện.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than/năm từ  năm 2015 để  phục vụ các nhà máy nhiệt điện chạy than Trong ảnh: Hoạt động điều độ tại một nhà máy nhiệt điện chạy than

Bên cạnh vấn đề thiếu than cho sản xuất điện, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than cũng đang bị tắc. Trong 13 dự án nhiệt điện “cũ” của quy hoạch điện VI mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuyển trả Chính phủ từ năm 2008, đến nay chỉ có một dự án có thể đi vào hoạt động đúng năm 2015, số còn lại đều chậm tiến độ và sẽ phải vận hành từ năm 2016 - 2024. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, ông Vũ Viết Ngãi, cho biết việc các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ là do sức hấp dẫn nhà đầu tư rất thấp và thiếu vốn.

Trước tình cảnh không “vui vẻ” của ngành điện, Phó Tổng Giám đốc TKV, ông Vũ Mạnh Hùng, lại thấy là “may” vì nếu các nhà máy này đi vào vận hành đúng tiến độ thì ngay từ năm 2015, Việt Nam cần tới 40 triệu tấn than cho phát điện mà không biết đào đâu ra. Ông Hùng nhận xét: “Các dự án điện mới chỉ nhìn cái ngọn mà chưa quan tâm đến cái gốc. Gốc ở đây là lấy cái gì để chạy ra điện?”.
 
Theo ông Hùng, trong khi giải pháp nhập khẩu than để bảo đảm an ninh năng lượng đang bí thì việc khai thác trữ lượng than còn lại ở trong nước (khoảng 2 tỉ tấn dưới âm 300 m so với mặt nước biển ở khu vực Đông Bắc) cũng vô cùng nan giải. Ông Hùng khẳng định: “Ngành than sẽ đi “đứt” vì Luật Khoáng sản mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 quy định khi xây dựng mỏ phải có ít nhất 30% vốn chủ sở hữu”. Ông Hùng lý giải suất đầu tư khai thác than hiện nay vào khoảng 200 USD/tấn và để đầu tư một mỏ 3,5 triệu tấn cần khoảng 700 triệu USD, tương đương 14.000 tỉ đồng. “Số tiền TKV phải bỏ ra theo Luật Khoáng sản gần 5.000 tỉ đồng cho một mỏ than là bất khả thi” – ông Hùng lo lắng.

Nhập khẩu: Không dễ chen chân

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, việc tìm chủ hàng để nhập khẩu 10.000 tấn than với 10 triệu tấn là rất khác nhau; vận chuyển 10.000 tấn so với 10 triệu tấn than lại càng khó. Để vận chuyển số lượng than lớn khi nhập khẩu, Việt Nam phải đi thuê tàu nước ngoài khiến giá thành sẽ đội lên cao. Việt Nam hiện chỉ có 3 cảng than nước sâu (Bắc, Trung, Nam) dẫn đến phải chuyển tải từ xa, sẽ càng cộng thêm chi phí. Còn để đầu tư đội tàu, cảng biển, hệ thống bốc dỡ hàng chục triệu tấn than mỗi năm thì số tiền bỏ ra rất lớn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, một vấn đề hết sức quan trọng khác là Nhật Bản hay các nước phát triển đang sẵn sàng bỏ tiền mua than với giá đắt vì hiệu suất sử dụng của họ rất cao do các nhà máy có công nghệ hiện đại. Còn Việt Nam, nếu mua giá cao thì các hộ tiêu thụ than sẽ lỗ lớn.

Khắc họa thêm khó khăn về nhập khẩu than, TS Nguyễn Thành Sơn cho biết khi Nhật Bản muốn mua than của Úc với số lượng hàng chục triệu tấn/năm, họ phải đầu tư từ khâu thăm dò đến khai thác than ở Úc từ hàng chục năm nay. Tương tự, ở Indonesia, Nhật Bản đã đầu tư để mua được than của nước này với số lượng lớn từ nhiều năm nay... Đáng ngại hơn nữa là Trung Quốc đang dần trở thành nhà mua than số 1 thế giới. Dự báo đến năm 2020 - 2025, Trung Quốc có thể phải nhập khẩu tới 1,6 tỉ tấn than/năm. Mới đây, nước này dự định tung ra 3 tỉ USD để nhảy vào thị trường than của Úc… “Khó có cửa cho Việt Nam chen chân nhập khẩu than ở các nước trong khu vực. Còn ở Mỹ, Nam Phi, vùng Viễn Đông của Nga thì quá xa, chi phí vận chuyển rất lớn” – ông Sơn cảnh báo.

Phó Tổng Giám đốc TKV Vũ Mạnh Hùng cũng thừa nhận: “Nhập khẩu than với số lượng lớn là rất khó khăn, nhất là trong tương lai, các nước sẽ hạn chế dần xuất khẩu khoáng sản thô”.

                                                                                Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục