(HBĐT) - Ngày 2/2 (mùng 6 âm lịch), tại sân vận động xã Dũng Phong (Cao Phong) đã diễn ra lễ khai mùa Mường Thàng. Đây là năm thứ 5, xã Dũng Phong khôi phục lại lễ hội. Lễ hội năm nay thu hút khoảng 1,5 vạn người dân trong và ngoài huyện tham gia, đông nhất từ trước tới nay.

 

Lễ hội năm nay gồm 2 phần. Phần lễ bắt đầu bằng nghi thức rước Thành hoàng làng và rước nước từ miếu cả Mường Thàng ở xóm Đỏng Ngoài, xã Dũng Phong về sân vận động xã. Đi đầu đám rước là ông mo, tiếp theo là 5 cụ cao niên, 2 người vác nước, 2 thiếu nhi, 250 tay chiêng. Phần hội diễn ra sôi nổi với các tiết mục văn nghệ, phần thi ẩm thực đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 8 xóm chia thành 8 đội thi làm và trưng bày ẩm thực dân tộc. Có đội như xóm Nà Bái trưng bày 54 món ăn đặc trưng của dân tộc Mường như cá đồ, rau đồ, cơm lam… Phần thi thể thao hấp dẫn với các môn bóng chuyền, bóng đá.  

Lễ hội đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân bước vào một năm lao động sản xuất mới đạt nhiều kết quả. Phần rước nước từ giếng làng tượng trưng cho sự mát mẻ, sinh sôi nảy nở, thể hiện ước mong mùa màng bội thu, cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

 

Phần trình tấu chiêng đậm bản sắc văn hóa tại lễ hội khai mùa Mường Thàng.

 

* Ngày 1/2 (mùng 6 âm lịch) đã diễn ra lễ hội Xuống Đồng, xã Xuân Phong (Cao Phong). Lễ hội thu hút trên 3.000 người trong và ngoài xã tham dự.  

Theo phong tục lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng nghi lễ rước Phật từ nhà ông Khãi ra chùa Rú, thuộc xóm Rú 6, xã Xuân Phong. Đám rước đi đầu là ông mo, tiếp theo là dàn cồng chiêng, cò ke, ống sáo và các nam thanh, nữ tú. Phần hội sôi động với các trò chơi đánh đu, bắn nỏ, bóng chuyền. Điểm mới của lễ hội năm nay là xã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ vào buổi tối với các tiết mục văn nghệ đậm chất văn hóa truyền thống như: hát thường rang, bọ mẹng, hát đối...  

 Lễ hội xuống đồng được xã Xuân Phong tổ chức hằng năm thể hiện ước mong về một năm sản xuất thành công, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui.

 

                                                                                     C.L

 

 

 

 

Các tin khác


Khúc hát chèo ngày xuân

(HBĐT) - Trong không khí vui xuân đón Tết rộn ràng, theo âm thanh réo rắt, bổng trầm của làn điệu chèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Lê Thị Thu Hoàn ở tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn). Trên khoảng sân rộng trước hiên nhà, dưới ánh nắng xuân chan hòa một nhóm chị em trong phang phục áo váy sắc màu đang uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa, lời ca. Dàn nhạc có đủ bộ gõ, trống cơm, đàn tam, đàn tứ, đàn nhị, phách, nhạc công đều là các ông, bà cao tuổi nhưng vẫn say sưa với nhịp phách, tiếng đàn. Đó là một buổi tập dượt của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo 30/4 của huyện để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn mừng xuân mới.

Du dương thường rang, câu ví

(HBĐT) - Khi em hát lên, cả núi rừng như mơ màng, say tiếng hát, anh quên cả thời gian, quên cả bó củi đang đốn dở. Thương mến nhau vì câu hát, ta nên bạn tâm giao, thành đôi tri kỷ... Là người con đất Mường, từ lúc thơ bé, tôi đã được chìm đắm trong những câu hát ví (hát đối), hát thường rang. Với tôi, những câu hát vừa ngọt ngào, vừa thể hiện sự đối đáp thông minh, khéo léo là một di sản thật đáng tự hào. Những ngày đầu xuân, trong chuyến tìm về mảnh đất Mường Động giàu truyền thống, một lần nữa, tôi lại được lắng đọng trong những câu hát, mẩu chuyện và những giai thoại vui…

Chương trình nghệ thuật "Mùa xuân Hòa Bình" năm 2017

(HBĐT) - Tối 27/1 (30 Tết), tại tiền sảnh nhà văn hóa tỉnh, Sở VH – TT&DL đã phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tổ chức chương trình văn nghệ “Mùa xuân Hòa Bình”. Tham dự chương trình có lãnh đạo Sở VH – TT&DL, Sở TT&TT, UBND tình phố Hòa Bình và đông đảo người dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Tiếng vọng từ Mường Lọt

(HBĐT) - Trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khi cao trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ khắp cả nước, ở chiến khu Mường Khói lúc bấy giờ, những người con đất Mường một lòng đi theo cách mạng. Lớp học “Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu” ra đời, đặt tại xóm Lọt, xã Hoài ân (nay thuộc xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) là một minh chứng đầy đủ cho một thời đào măng nuôi cách mạng ở nơi núi rừng heo hút này.

Thầy mo - “người đặc biệt” trong ngày Tết của người Mường

(HBĐT) - Đối với thầy mo ở các bản mường, những ngày thường trong năm đã bận rộn, Tết về, họ càng bận rộn hơn. Nếu như Tết của người Kinh không thể thiếu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, thì với người Mường, Tết không thể trọn vẹn nếu không có thầy mo.

Âm vang màn trình tấu Chiêng Mường lớn nhất lần thứ hai

(HBĐT) - Chiêng là loại hình văn hóa đặc sắc đầy sức hấp dẫn trong văn hóa dân gian và đời sống tinh thần của người Mường Hòa Bình. Văn hóa chiêng đã được sáng tạo và lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Mường. Những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của chiêng Mường được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo thống kê, dân tộc Mường có 37 lễ hội lớn thì có tới 26 lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân và du khách trong, ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục