(HBĐT) - Năm 2016 diễn ra một số sự kiện quan trọng của tỉnh, tại đó, những ca khúc như Lời thương, Hòa Bình tay trong tay, Lời ru đất Mường, Hoa văn đất Mường… đã được sử dụng nhiều lần và được khán giá đánh giá cao. Đặc biệt, đáng quý khi đây đều là những ca khúc mang đậm âm hưởng, chất liệu dân ca Mường. Chất liệu dân ca Mường không chỉ góp phần giúp những sáng tác mới đạt giải cao trong các kỳ liên hoan âm nhạc mà còn giúp tác phẩm có sức sống mãnh liệt trong cuộc sống đời thường, được nhân dân yêu mến.
Ca khúc “Hòa Bình tay trong tay” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng được biểu diễn tại khai mạc Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, năm 2016.
Theo những tài liệu ghi chép lại, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, những ca khúc sáng tác của các nhạc sỹ Hòa Bình đã thấm đẫm chất liệu dân ca Mường. Theo thời gian, từ đó đến nay đã hình thành 3 thế hệ nhạc sỹ của Hòa Bình, đồng thời cũng định hình những phong cách rất riêng trong việc sử dụng chất liệu dân ca Mường trong sáng tác ca khúc mới. Thế hệ đầu tiên là các tác giả: Trọng Hùng, Bùi Thiện, Hà Vũ Khúc, Khà Tiến, Mai Đức Vượng, Nguyễn Hữu, Huy San, Lê Tuế. Thế hệ tiếp theo là các nhạc sỹ: Bùi Chỉ, Huy Tâm, Trần Hoàng, Hoàng Long, Sĩ Thắng, Quách Vin, Đức Triệu và hiện nay là các nhạc sỹ được đào tạo bài bản, chuyên ngành như Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Đình Chiến, Đinh Tùng Bách, Trần Ngọc Dũng.
Trao đổi với chúng tôi, nhạc sỹ Huy Tâm - UV BCH chi hội nhạc sỹ tỉnh cho biết: Đặc trưng của dân ca Mường thiên về tự sự kể lể, lấy ngôn ngữ văn học dân gian làm chủ đạo phát triển phần âm điệu và phân nhóm thể loại trong dân ca Mường như: thường rang, bọ mẹng, hát ví đúm, mo, mỡi, hát ru, đồng dao… Nhiều luyến láy là một trong những đặc trưng của dân ca Mường. Sự luyến láy tạo ra âm điệu riêng để cùng chung một làn điệu mà mỗi vùng, thậm chí mỗi Mường lại có sự độc đáo khác nhau. âm vực của dân ca Mường không rộng, thường là trong một quãng 8 của nhạc lý cơ bản hoặc quãng kép I (từ quãng 9 đến quãng 15 là cùng). Tiết tấu và âm giai không định hình, phụ thuộc vào sự diễn tấu ngẫu hứng của nghệ nhân.
Khi nói về làn điệu dân ca người ta ít đề cập đến cao trào nhưng về sáng tác âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng thì tạo cao trào cho một tác phẩm là rất cần thiết. Cho nên khi sáng tác ca khúc mới sử dụng chất liệu dân ca, đặc biệt là dân ca Mường, các nhạc sỹ rất quan tâm đến đặc điểm này, đó là cao trào ẩn trong dân ca. Có nghĩa là không thấy cao trào (phần lắng đọng nhất trong cảm xúc), nó cứ miên man trong làn điệu kể cả phân câu phân đoạn cùng khó tìm. Lưu ý là khi tạo cao trào cho ca khúc sao cho phải nhuần nhuyễn, không xa rời bản chất, phong cách của dân ca Mường. Đó mới chính là phát huy nội lực, thực chất giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương, tạo sự phong phú trong đời sống âm nhạc.
Như đã nói ở trên, mỗi thế hệ nhạc sỹ đều có những cách sử dụng chất liệu dân ca Mường rất riêng. Ví dụ thế hệ các nhạc sỹ những năm 1960 cho đến khoảng trước năm 2010 thường sử dụng chất liệu dân ca Mường vào các sáng tác bằng cách giữ nguyên bản bài dân ca như một đoạn đầu sau đó viết phần phát triển; sử dụng điệp từ, những từ đệm, kể cả những hư từ có âm điệu được nhắc đi nhắc lại tạo ấn tượng, lấy đà cho cây, đoạn trong ca khúc; chú ý sử dụng sự luyến láy của dân ca Mường; lựa chọn những bài dân ca có tính tiết tấu và giai điệu rõ nét hơn để cải biên….Tiêu biểu cho cách làm này là nhạc sỹ Bùi Chỉ với ca khúc “Cơm Mường Vó, lúa Mường Vang” (HCV Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc); nhạc sỹ Quách Vin với ca khúc “Hoa văn đất Mường”, nhạc sỹ Đức Triệu với ca khúc “Hái bông trăng”, nhạc sỹ Huy Tâm với ca khúc “Lời thương” (giải A Hội nhạc sỹ Việt Nam), ca khúc “Đập bông”…
Tuy nhiên, những năm gần đây, thế hệ các nhạc sỹ như Nguyễn Văn Hạnh, Bùi Đình Chiến, Đinh Tùng Bách, Trần Ngọc Dũng…được đào tạo chuyên môn sáng tác bài bản tại các học viện đã có nhiều sáng tạo trong cách sử dụng chất liệu dân ca Mường cho sáng tác. Họ không “bằng lòng” với kiểu sáng tác cổ điển mà đã mạnh dạn đưa hơi thở của cuộc sống hiện đại, đó là nhạc nhẹ vào các tác phẩm có sử dụng chất liệu dân ca Mường. Cách làm này ở một số ca khúc cho thấy hiệu quả, hiệu ứng tốt và được khán giả tiếp nhận. Tiêu biểu như ca khúc “Hòa Bình tay trong tay” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng. Gần đây, nhạc sỹ Nguyễn Cường trong chuyến đi thực tế, sáng tác tại Hòa Bình đã có ca khúc “Đi gặp sông Đà” vừa mang âm hưởng dân ca Mường, vừa sử dụng chất liệu dân ca cũng được khán giả đánh giá cao.
Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng chất liệu dân ca Mường, nhạc sỹ Huy Tâm khẳng định: Các tác phẩm mang âm hưởng, chất liệu dân ca Mường thường là dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người và được người dân đón nhận, lưu giữ. Dù là sử dụng để sáng tác theo cách cổ điển hay phong cách hiện đại thì dân ca Mường đều có những chỗ đứng nhất định trong ca khúc sáng tác mới. Đây cũng là một cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường một cách thực tế, thiết thực và hiệu quả nhất.
Dương Liễu
(HBĐT) - Ngày 10/3, Báo Hòa Bình đã phối hợp với Câu lạc bộ ảnh báo chí thuộc Hội nhà báo Việt Nam tổ chức buổi trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp trong chụp ảnh báo chí với phóng viên Báo Hòa Bình.
(HBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến cuối năm 2016, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) đạt 10 tiêu chí. Còn 9 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường. Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa là tiêu chí khó thực hiện nhất. Xã để lại phấn đấu thực hiện xong vào cuối năm 2020.
(HBĐT) - Vượt gần 100 km đường đèo, dốc từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi có mặt tại thung lũng được bao bọc bởi núi đá, sông nước với vẻ đẹp hoang sơ mà trữ tình đến say lòng người - đó là xã Đồng Nghê, “chấm” cuối cùng trên bản đồ huyện vùng cao Đà Bắc. Có thể thong rong một chiếc xe máy, xe đạp, bạn vừa đi, vừa tận hưởng cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây mới thấy được những ưu đãi của thiên nhiên dành cho xã Đồng Nghê.
(HBĐT) - Ngày 7/3, tại sân vận động xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông huyện Mai Châu năm 2017. Dự lễ hội có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La và đông đảo nhân dân trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò.
(HBĐT) - Trong số 6 dân tộc chính trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mường chiếm 63,3%. Nếu so với dân tộc Mường trong cả nước thì dân số người Mường ở Hòa Bình chiếm gần 50%. Nói đến dân tộc Mường người ta nhắc ngay đến Hòa Bình được nhìn nhận là “thủ phủ” của dân tộc Mường gồm 4 Mường lớn: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động.
(HBĐT) - Đầu năm, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức các lễ hội vui xuân, lễ tạ thần linh và cầu cho một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ hội Xên Mường huyện Mai Châu là lễ hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng về một cuộc sống bình yên, no ấm. Ngày nay, lễ hội Xên Mường không chỉ của riêng người Thái mà đã trở thành ngày hội chung của nhiều dân tộc trên địa bàn, các tỉnh lân cận và du khách gần xa cùng nhau dự lễ hội, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống và những món ăn truyền thống của dân tộc Thái...