(HBĐT) - Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nào ở Mường Chiềng cũng có từ 1-2 khung dệt. Từ những tấm thổ cẩm, người phụ nữ Tày đã khéo léo may thành vỏ chăn, vỏ gối… trang trọng và lịch sự. Bên cạnh nhu cầu sử dụng trong gia đình, sản phẩm dệt thổ cẩm còn được dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, để trao đổi, mua bán theo phương thức vật đổi vật...
Bằng những kinh nghiệm của mình, các nghệ nhân xã Mường Chiềng (Đà Bắc) giữ gìn, phát huy những tinh hoa nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày cho các thế hệ sau.
Họa tiết trên trang phục của người dân tộc Tày cũng có đôi chút khác biệt so với những hoa văn thổ cẩm của người Thái. Chị Hà Thị Huyên, xóm Chiềng, xã Mường Chiềng cho biết: "Nếu họa tiết thổ cẩm của người Thái sử dụng những gam màu như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây… nổi bật, đối xứng với nhau, phản ánh ý niệm âm - dương hài hòa thì bố cục họa tiết thổ cẩm của người Tày lại xuất hiện nhiều ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành những đường diềm trang trí. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa cây cỏ, hoa trái, thể hiện tình yêu thiên nhiên và con người trong tín ngưỡng văn hóa cổ của người Tày”.
Nghề dệt thổ cẩm mang giá trị thuần khiết, là kết tinh văn hóa của người dân tộc Tày. Tuy nhiên để lưu giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời này, xã Mường Chiềng cũng như nhiều nơi khác luôn gặp phải những khó khăn. Ngồi bên khung cửi, chị Huyên tâm sự: "Hiện nay, xã Mường Chiềng nói riêng và huyện Đà Bắc nói chung, nghề dệt thủ công truyền thống hầu như không được duy trì. Các nghệ nhân giữ được nghề còn rất ít, phần lớn đều đã cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình truyền dạy nghề cho con cháu. Bên cạnh đó, đa số thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc Tày chưa nhận thức rõ được tầm vóc, giá trị văn hóa truyền thống của nghề dệt thủ công truyền thống nên hầu như không biết và không quan tâm đến nghề dệt. Số lượng người theo học và thực hành nghề không nhiều; số lượng khung cửi còn rất hạn chế…
Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với lòng đam mê, nhiều thợ dệt có tâm huyết nơi đây đang cố gắng gìn giữ, tìm lại chỗ đứng cho nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Ngoài việc tích cực tuyên truyền cho thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng sản phẩm dệt. Hàng ngày, tranh thủ những lúc nông nhàn, các bà, các chị có nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt lại tới các thôn, xóm vận động chị em học và truyền nghề. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người sử dụng, hiện các sản phẩm dệt phong phú hơn rất nhiều. Ngoài những sản phẩm truyền thống còn có những sản phẩm mới được nhiều người ưa chuộng như: túi xách, mũ, túi đựng điện thoại... với nhiều màu sắc, hoa văn. Như vậy, người thợ dệt đã biết kết hợp giữa nét văn hóa xưa và những giá trị hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, màu sắc phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của người dùng.
Đồng chí Xa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: "Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của người dân tộc Tày mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tại địa phương. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế cần có những chính sách đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày”.
Hoàng Anh