Chị Hương Trà, chủ tiệm may trên đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm - thành phố Hòa Bình, một trong những người mang mùa xuân đến sớm từ những bộ trang phục áo dài truyền thống.
Mới là những ngày đầu tháng chạp nhưng cửa hàng quần áo thời trang của chị Hoàn, thị trấn Bo (Kim Bôi) đã "nêm chặt” bởi những kiện hàng mới. Dồi dào về số lượng, phong phú về kiểu dáng, đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng… Chỗ quen biết, chị Hoàn mau miệng chia sẻ: Mấy năm nay bán quần áo Tết thích lắm. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng tích cực sắm đồ để diện Tết. Bởi vậy các cửa hàng đều phải gom hàng sớm để phục vụ "thượng đế”.
Ghé thăm cửa hàng may mặc của chị Hương Trà trên đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm - TP Hòa Bình tôi cũng thấy ngợp sắc xuân với sắc màu họa tiết từ những chiếc váy, áo đã hoàn thiện và những súc vải lớn nhỏ được chất thành đống. Chị Trà luôn tay đo, cắt để hoàn thiện những bộ váy, áo dài, kịp trả khách mặc Tết. Vừa làm việc, chị vừa vui vẻ trò chuyện: Làm nghề may lúc nào cũng bận nhưng dịp Tết thì phải làm việc hết công suất. Tết mình nhận nhiều đơn hàng may áo dài truyền thống: bộ đôi mẹ con hoặc áo dài cả gia đình… nên công việc tốn nhiều thời gian hơn. Mệt, nhưng vui lắm khi mỗi khi ngắm nhìn sản phẩm của mình hoàn thành mang đượm sắc xuân. Ngước nhìn dàn móc treo những bộ áo đã hoàn thiện, chị Trà giới thiệu: Xu hướng diện Tết năm nay ở thành phố Hòa Bình vẫn nghiêng về áo dài. Người đứng tuổi may áo dài truyền thống còn lớp trẻ thì chuộng dáng áo cách tân, tay lỡ, vạt ngắn. Chất liệu may áo dài cũng đa dạng hơn, không chỉ bằng tơ tằm, lụa, gấm như truyền thống mà còn được phá cách bằng nhiều chất liệu khác như đũi, cốt-tông, ren, 3D... áo dài được kết hợp với quần lụa, váy xòe hoặc quần kaki. Với kiểu dáng cách tân như hiện nay, trẻ con mặc áo dài truyền thống nhiều hơn người lớn. Nhìn những cô bé, cậu bé lẫm chẫm trong trang phục áo dài truyền thống với sắc màu, kiểu dáng, họa tiết rực rỡ - chỉ ngắm thôi cũng đã thấy cả mùa xuân ngập tràn.
Đẹp, độc, lạ mắt nhưng không lạ về phom dáng, kiểu cách, bởi Tết này xu hướng diện trang phục truyền thống vẫn tiếp tục lên ngôi. Điều này rõ nét hơn ở những bản làng của đồng bào Mường, Tày, Thái, Dao… trên địa bàn tỉnh. Có thể những ngày thường vì yêu cầu công việc cần gọn gàng, năng động, các chị em không thể diện những bộ trang phục yểu điệu, thướt tha, vì vậy, tất cả được chuẩn bị, gìn giữ để "bung ra” trong những ngày lễ, Tết.
Mặc đẹp để đi chúc Tết, đi trảy hội xuân hoặc chí ít cũng để thấy diện mạo của mình năm mới khác năm cũ, hôm nay khác ngày hôm qua… đó là lý do mà trang phục truyền thống của mỗi dân tộc, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam được nhiều người ưu tiên chọn mặc trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Tết truyền thống trong nhịp sống hiện đại thực sự không còn đậm đà với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… nhưng với sự lên ngôi của trang phục truyền thống hôm nay có thể nhận diện rõ sắc xuân trong những tà áo đẹp!.
Lam Nguyệt
(HBĐT) - Xưa kia, trong mỗi bản làng của vùng Mường Bi rộng lớn đều có những "cây hát” (người hát hay, đối đáp thông minh) nổi tiếng. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn, bà con không còn được chứng kiến các "cây hát” thức trắng đêm để hát đối. Những buổi đi chặt củi ở rừng hát say sưa đến quên lối về cũng chỉ còn là những ký ức thi thoảng lại chấp chới trong tâm khảm của những người con ở vùng mường Bi rộng lớn.