Đi theo tour khám phá vùng lòng hồ sông Đà, không khó để nhận ra sự thay đổi của những bản, xóm ven hồ theo hướng khai thác du lịch xanh, bền vững. Những căn nhà sàn sạch sẽ tinh tươm, gối đệm, đèn đều được thiết kế đậm sắc màu văn hóa dân tộc, những nụ cười chất phác thân thiện của người dân, dịch vụ và vệ sinh đều tiếp cận hướng hiện đại, văn minh… Ít ai biết được những người góp phần làm nên những thay đổi này lại là hai cô gái còn rất trẻ, Đinh Thị Hảo và Lò Thị Trang.



Đinh Thị Hảo (bìa trái) cùng đoàn khảo sát du lịch tại Đà Bắc.

Mười năm gắn bó với du lịch cộng đồng

Gặp Đinh Thị Hảo cùng đi trong đoàn khảo sát du lịch, ít ai biết được cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1991, quê Hà Nam này lại là một nữ giám đốc công ty du lịch đã có mười năm gắn bó với du lịch cộng đồng khắp các xóm, bản du lịch lòng hồ sông Đà. Vóc dáng chắc nịch, rắn rỏi như một cô thôn nữ, Hảo đã đi mòn cả chân ở vùng núi ven hồ này cả chục năm. Cô trèo núi leo dốc, tìm hiểu, thuyết phục từng hộ dân tham gia dự án du lịch cộng đồng trên lòng hồ sông Đà. Tìm được nhà có điều kiện phù hợp với hoạt động du lịch cộng đồng rồi, thuyết phục chủ nhà tham gia rồi, còn phải thuyết phục họ trang bị thêm vật dụng, thiết bị, thậm chí sửa lại nhà và khu phụ cho đạt tiêu chuẩn khai thác du lịch homestay. Đạt tiêu chuẩn về nhà cửa, trang thiết bị, vật dụng… rồi, còn phải hướng dẫn, huấn luyện cho các lao động trong gia đình về các nghiệp vụ bếp, buồng phòng, vệ sinh… Cả một chặng đường gian nan rất nhiều việc phải làm.



Ngôi nhà sàn homestay ở xóm Ké (Hiền Lương, Đà Bắc).

Gần mười năm ròng gắn bó với du lịch Hòa Bình, Công ty cổ phần du lịch Đà Bắc của Đinh Thị Hảo đã rất quen thuộc không chỉ với các chuyên gia, cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình mà cả với bà con dân tộc Dao, Thái, Mường của nhiều xóm, bản các huyện Tân Lập, Đà Bắc… trong việc "trao cần câu” và cả giúp người dân "đào ao thả cá”: làm du lịch homestay.

Với những người chưa từng đặt chân đến các xóm, bản hiện đang làm du lịch ở vùng lòng hồ sông Đà, hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những ngôi nhà sàn khang trang sạch sẽ, chăn đệm dành cho khách trắng tinh, khoang ngủ có màn buông, rèm kéo nếu khách cần, mỗi đầu đệm ngủ của khách tại nhà sàn chung đều có sẵn ổ cắm, đèn ngủ. Các chi tiết trang trí trong nhà đều tuân thủ hướng quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi với thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Khu phụ có đầy đủ khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng, gương lớn, bồn rửa…, thậm chí cả máy sấy tóc và ổ điện tại chỗ - những thứ vốn không phải phố biến lắm đối với những xóm, bản vùng cao như vậy.

Chưa hết, mỗi ngôi nhà sàn homestay đều có bình nước lá ấm nóng mời đón khách khi khách vừa trải qua một chặng đường xa xôi vất vả đến đây. Các chủ nhà tự tay phục vụ ăn sáng, các bữa trưa và tối cho khách, với những món ăn đậm chất dân tộc được chế biến rất ngon như măng rừng luộc, rau rừng trộn gỏi, gà luộc, lợn nướng, canh cá nấu lá rừng… Thậm chí, ở xóm Ké (Đà Bắc), người dân còn phục vụ bữa sáng theo kiểu buffet với những món ăn rất dân dã như ngô, khoai luộc, cháo thịt lợn băm, xôi ngũ sắc, bánh cuốn…

Khách du lịch bắt đầu biết và đến với những xóm, bản này nhiều hơn, cũng thông qua Công ty cổ phần du lịch Đà Bắc của Đinh Thị Hảo hỗ trợ tìm kiếm, quảng bá và kết nối thị trường. Xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc) lúc nào cũng kín khách Mỹ, khách Australia. Xóm Ké, Ngòi Hoa, Mó Hém… đều đón những đoàn khách trong và ngoài nước, chưa nhiều nhưng đều đặn. Người dân trước đây chỉ có thu nhập từ làm nông, thu nhập không ổn định, nay đã có thêm nguồn sống từ các dịch vụ, khai thác phục vụ du lịch như đội văn nghệ, nuôi tôm, cá cho khách trải nghiệm và phục vụ ăn uống, chở khách, hướng dẫn viên…

Chính vì thế, với Đinh Thị Hảo, mỗi lần đến với các xóm, bản xa xôi ở vùng lòng hồ, người dân ở đây đón Đinh Thị Hảo như người trong gia đình, lúc nào cũng hồ hởi, ấm áp, thân quen.

Bông hoa của Lakeview Homestay

Lakeview homestay là căn nhà sàn đẹp nhất ở xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc), với tầm nhìn ôm trọn một góc hồ, trông xuống những bè nuôi cá song, cá tầm, tôm của các hộ dân, cùng với một bãi cỏ rộng xanh mướt mát thả mấy chú bò thong dong.



Cảnh hồ Hòa Bình nhìn từ nhà sàn của Trang.

Xinh xắn, nói năng khéo léo, nhanh nhẹn và hiện đại, đó là những ấn tượng đầu tiên của những ai mới gặp Lò Thị Trang, sinh năm 1994 ở xóm Đá Bia. Nhưng ít ai biết được cô gái trẻ này chính là chủ của căn nhà sàn Lakeview homestay đẹp nhất đó. Lò Thị Trang cũng được dân du lịch truyền tụng nhau rằng, cô là chủ nhà xinh nhất và cũng đáo để nhất ở Đá Bia.



Cô chủ Lò Thị Trang bên ngôi nhà sàn homestay của mình.

Lò Thị Trang và mẹ là bà Đinh Thị Yệu là những thành viên tích cực từ rất sớm của dự án du lịch cộng đồng. Trang có một thời gian dài làm điều phối viên cho dự án. Được "thẩm thấu” những ý tưởng và xu hướng sống tích cực từ dự án, Trang đã thuyết phục gia đình đầu tư để sửa sang ngôi nhà sàn thành nơi kinh doanh du lịch homestay theo hướng sống xanh, gần gũi với thiên nhiên. Lakeview homestay ra đời, ở vị trí ngay phía trên của bến thuyền, trông ra vịnh và dãy núi bên hồ, tầm nhìn ôm trọn phong cảnh tuyệt đẹp của một vùng hồ sông Đà.

Không chỉ có vị trí đẹp, Lakeview homestay còn được xây dựng và trang trí theo đúng tiêu chí gần gũi với thiên nhiên, tái chế đồ dùng. Khách ngồi bên hàng hiên hoặc sân nhà có thể ngồi bàn cà phê được ghép bằng ống tre, trang trí bằng những chậu hoa nhỏ xinh cắt từ chai nhựa cũ, vừa thưởng thức ly cà phê nóng hổi thơm lừng, vừa ngắm cảnh hồ lãng mạn. Bàn ăn, ghế cũng làm từ tre, nứa, mâm cơm chỉ có bát ăn cơm, đũa và bát đựng canh, còn lại toàn bộ các món ăn được trải trên lá chuối. Hơn thế nữa, khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm cũng được trang trí rất khéo léo bằng những miếng đáy chai nhựa ốp vào tường, lạ mắt và độc đáo.

Lò Thị Trang cho biết, ở Lakeview homestay, cô và đội ngũ nhân viên cố gắng hết mức để tuân theo tiêu chí "sống xanh”, tái chế tất cả những thứ có thể tái chế, phân loại rác thải, tận dụng những nguồn cung cấp sẵn có ở địa phương, như thực phẩm, lao động….

Cũng giống như nhiều xóm, bản khác ở vùng lòng hồ sông Đà sau khi tham gia dự án du lịch cộng đồng, xóm Đá Bia sau khi được hướng dẫn, nói chuyện và trải nghiệm thực tế từ những gia đình làm du lịch cộng đồng như Lakeview homestay của Trang, người dân đã thay đổi quan niệm về cách sống, cách giữ vệ sinh. Các đường ngõ trong xóm luôn được giữ sạch sẽ, gọn gàng, dọc đường là những dãy hoa, vườn hoa đủ màu sắc lúc nào cũng rực rỡ. Người dân thân thiện, chào hỏi khách du lịch gần gũi như người quen. Nhiều gia đình học cách phân loại rác thải, giữ cho nhà cửa phong quang, tách riêng khu nuôi động vật. Đá Bia đã trở thành điểm du lịch cộng đồng được trao giải Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2016.

Từ những bản, xóm nghèo, quanh năm chỉ trông vào nuôi cá, trồng rau, trồng rừng, thu nhập bấp bênh, nay nhiều nơi đã bắt đầu được du khách biết và tìm đến. Thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của những cô gái còn rất trẻ và giữ mãi một tình yêu với những xóm, bản trên núi này.



                                       Theo Nhandan

Các tin khác


Đón Tết cổ truyền theo cách của người Công giáo

(HBĐT) -  Tết cổ truyền đối với người Công giáo thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Tết là dịp để gia đình sum vầy, con cháu phương xa hội ngộ. Tết Nguyên đán còn là thời khắc thiêng liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui. Người Công giáo thể hiện chữ "hiếu” qua việc kính nhớ và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

Xuân bình yên nơi cửa Phật

(HBĐT) - Đối với Phật tử, mùa xuân là lúc thích hợp để hành hương, chiêm bái các chùa chiền tự viện khắp trên ba miền đất nước. Còn đối với tín ngưỡng dân gian, ngày xuân không thể thiếu việc đến chùa để xin phước lộc, cầu bình an. Trong sắc xuân rực rỡ, nắng xuân ấm áp, cửa chùa bình yên, thoảng hương trầm tịnh mặc luôn rộng mở đón Phật tử, người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu bình an.

Xem tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” nhân năm Canh Tý

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam như Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội) thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) là khá phổ biến từng được in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước mỗi dịp đón Tết, vui Xuân. Sở dĩ như vậy bởi dòng tranh này phong phú, đa dạng về nội dung, điêu luyện về cách thức biểu đạt. Bên cạnh nhiều bức tranh hạnh phúc: đàn lợn, đàn gà, trâu, cá,… còn có những bức tranh có hàm ý hai mặt vừa trào phúng, vui nhộn vừa có tính châm biếm hài hước, đả kích, triết lý sâu sắc về mối quan hệ nhân - quả, thiện - ác như tranh "Đánh ghen”, "Hứng dừa”,... trong đó "Đám cưới chuột” là một điển hình.

Độc đáo các nghề truyền thống của dân tộc Mông

(HBĐT) - Nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà cong vùng cao nơi đây.

Một chuyện Tết xưa

(HBĐT) - Ngày ấy, cách nay hơn 30 năm, cứ gọi chung là thời bao cấp, trên các phố của Hà Nội và một số thành phố, thị xã miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình… hay gặp tấm biển, thường là làm bằng bìa cactong: Nhận làm quy-gai-xốp! 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục