(HBĐT) -   Núi non điệp trùng, lòng hồ sông Đà mênh mông cùng với những cánh đồng trù phú tốt tươi đã ban tặng xứ Mường Hòa Bình mến khách lượng sản vật phong phú, là nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon, bản sắc, tạo nên nền văn hóa ẩm thực xứ Mường hấp dẫn, níu chân du khách.



Du khách và người dân trên địa bàn tỉnh thích thú chiêm ngưỡng mâm cỗ lá truyền thống của người Mường ở Hòa Bình lớn nhất Việt Nam tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. 

Độc đáo cách chế biến

Mỗi địa danh, địa phương trên mảnh đất Mường Hòa Bình đều có những sản phẩm, ẩm thực đặc trưng riêng. Vùng trung du đồi thấp Lương Sơn có thịt trâu lá lồm; vùng núi đá vôi Kim Bôi, Lạc Sơn có gà thả đồi; mênh mông lòng hồ sông Đà nổi tiếng với nhiều loại cá ngon và vùng núi cao Mai Châu phong phú các loại rau lá rừng… Điểm đặc biệt là vẫn với những thực phẩm tưởng như rất đỗi thân quen ấy, nhờ cách chế biến khéo léo đã tạo nên những món ăn đậm chất Hòa Bình.

Cũng giống như các tỉnh vùng Tây Bắc khác, điểm đặc trưng đầu tiên của ẩm thực xứ Mường chính là việc bữa ăn không thể thiếu cơm nếp. Nhưng độc đáo hơn cả ngoài cách chế biến thông thường là đồ chín gạo nếp thành xôi thì bà con xứ Mường lại chọn thứ gạo nếp nương thơm dẻo, bỏ vào ống nứa, nướng chín ống cơm trên than hồng.

 Chị Bùi Thị Thủy, xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi – người đã có "thâm niên” gần chục năm nay bán cơm lam ở cổng Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi cho biết: Ngày nay, cách làm cơm lam đã có đôi chút khác so với trước, chúng tôi không làm cơm lam để "cho qua bữa” nữa mà cơm lam đã trở thành một sản phẩm du lịch để người ta ăn "chơi”. Ống cơm lam của người Hoà Bình thường nhỏ hơn và có mùi vị khác với cơm lam của các dân tộc khác…Tuy cơm lam Hoà Bình không có hạt lạc, đậu trong đó nhưng nhờ chọn lựa được gạo nếp ngon, cộng thêm với ống nứa tươi bánh tẻ sẽ tạo nên "troóng” cơm lam thơm dẻo gạo nếp nương, phảng phất hương nứa của núi rừng.

 Cũng từ nguyên liệu là gạo nếp, bà con dân tộc Mông xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) lại có cách chế biến độc đáo là đồ gạo nếp chín thành xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn thành bánh dày. Như vậy, chỉ từ nguyên liệu ban đầu là gạo nếp mà nhờ cách chế biến độc đáo mà bà con các dân tộc Hòa Bình đã tạo ra được những cách thưởng thức rất riêng.

Một trong những đặc trưng khác của ẩm thực xứ Mường là các món ăn thường được chế biến chủ yếu bằng hai hình thức là: nướng và đồ. Từ cá sông nướng, gà đồi nướng… cho đến cá đồ măng, rau đồ đều giúp cho thực khách cảm thấy vừa miệng, thơm ngon mà không bị ngấy, béo; thức ăn cũng giữ nguyên được vị thơm, ngon, ngọt, đậm đà.

Ngoài cơm lam thơm dẻo, thức ăn ngon vừa miệng, nhắc đến ẩm thực Hòa Bình không thể không nhắc đến rượu cần. Đây cũng là một loại rượu được chế biến theo cách đặc biệt. Không phải chưng cất như những loại rượu thông thường khác, rượu cần được ủ từ men lá rừng trong vò kín khi uống chỉ cần thêm nước. Cách chế biến tưởng chừng giản đơn như vậy nhưng rượu cần uống rất ngon, dễ uống, thơm và đặc biệt là cảm giác êm say vô cùng dễ chịu, ai đã từng thưởng thức sẽ khó quên.

 Rượu cần được sử dụng trong gia đình, khi tiếp khách, uống trong các cuộc vui… Ngày nay,  rượu cần đã trở thành đặc sản của Hòa Bình, có mặt trong đời sống sinh hoạt, trong các dịp lễ, Tết của nhân dân các dân tộc Hòa Bình.

Hấp dẫn gia vị những món ăn xứ Mường

Nhắc đến ẩm thực Hòa Bình, không thể bỏ qua món ăn nổi tiếng đất Mường là thịt gà đồi nấu với măng chua. Từng miếng từng miếng gà khi bày ra đều có mùi thơm đặc trưng, vị ngon là quyện hòa của thịt gà, măng chua, dổi vừa béo, vừa bùi, lại ngọt và thanh, khó diễn tả hết được bằng lời. Hạt dổi chính là một loại gia vị đặc biệt, làm nên mùi thơm trong các món ăn của đồng bào dân tộc Mường. Hạt dổi được sử dụng trong món thịt gà nấu măng chua, ướp thịt nướng, cho vào muối chấm thịt luộc…

Có thể nói, một trong những nét đặc trưng của ẩm thực người Mường yêu thích chính là vị chua. Ngoài thịt gà nấu măng chua thì thêm một món chua khác của người Mường Hòa Bình cũng được người dân và du khách đặc biệt yêu thích là thịt trâu nấu lá lồm. Thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm khi còn nóng sẽ cảm thấy vị ngọt thơm của thịt trâu, vị chua thanh của lá lồm, mùi hương của gừng, tỏi. Nếu ai đã từng đến Hòa Bình và thưởng thức món thịt trâu nấu lá lồm thì không thể nào quên được.

Sử dụng những nguyên liệu, gia vị sẵn có ngay trong vườn nhà, tưởng chừng rất đắng, khó ăn như lá bưởi nhưng bà con dân tộc Mường đã làm nên món ăn "trứ danh” là thịt cuốn lá bưởi nướng. Khi ăn lá bưởi có vị thơm giòn, gẫy mảnh lẫn vào thịt săn vàng làm tiêu tan sự ngấy và có đắng tê tê đầu lưỡi. Từ xa xưa, người Mường đã sử dụng món thịt nướng lá bưởi vào mâm cỗ trong các ngày lễ, Tết,… Hiện nay, khách du lịch khi đến Hòa Bình đều rất thích ăn món thịt nướng lá bưởi.

Người Mường thường sử dụng hạt dổi để tạo vị thơm đặc trưng cho món ăn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Văn Dền, người trực tiếp chế biến mâm cỗ truyền thống của người Mường Bi, huyện Tân Lạc trong Liên hoan ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống tỉnh Hòa Bình năm 2019 cho biết: Hạt dổi tạo nên hương vị đặc trưng trong các món ăn của người Mường Hòa Bình. Có rất nhiều món ăn của người Mường không thể thiếu món hạt dổi như: măng chua nấu thịt gà, thịt nướng. Hạt dổi còn được nướng chín cùng với than củi, giã nhỏ, trộn cùng với muối trắng cũng được rang chín, giã nhỏ để làm muối chấm cho các món luộc sẽ mang đến vị thơm, ngon đậm đà cho món ăn. Thiếu hạt dổi, các món ăn của người Mường sẽ thiếu đi mất một nửa vị thơm, ngon đặc trưng.

Sau khi được chế biến độc đáo bằng những gia vị riêng thì điều làm nên "vị ngon rất Hòa Bình” cho ẩm thực xứ Mường chính là cách bày biện, trang trí mâm cỗ rất độc đáo mang tên – cỗ lá. Chỉ cần một "nang” (phần ngọn – PV) tàu lá chuối xanh mướt được cắt vừa vặn với chiếc mâm tròn là những đầu bếp xứ Mường có thể "trình diễn” mâm cỗ lá truyền thống. Màu trắng của thịt luộc, màu vàng của da gà đồi, chút trắng của lòng non, vàng sậm của thịt nướng, xanh non của rau thơm, thêm bát canh loóng chuối có lá lốt xanh điểm xuyết, giữa mâm là bát muối trắng hạt dổi... Tất cả tạo nên mâm cỗ lá màu sắc, hấp dẫn, ngon từ thị giác đến khứu giác, vị giác… Nhằm tôn vinh nét ẩm thực độc đáo này, trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình được tổ chức vào đầu tháng 12/2019, xứ Mường Hòa Bình đã có mâm cỗ lá được trao bằng chứng nhận Xác lập kỷ lục mâm cỗ lá truyền thống của người Mường ở Hòa Bình lớn nhất Việt Nam.

Trên đất Mường Hòa Bình, mỗi món ăn dù là dân dã hay cầu kỳ cũng đều chứa đựng trong đó cả một câu chuyện về văn hóa, đời sống, phong tục tập quán của người dân địa phương. Đến với Hòa Bình, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức ẩm thực nơi đây, để thêm hiểu, thêm yêu, thêm lưu luyến mảnh đất Hòa Bình xinh đẹp và mến khách này!

                                                                                     Dương Liễu

Các tin khác


Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền

(HBĐT) - Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng. Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn...

Đón Tết cổ truyền theo cách của người Công giáo

(HBĐT) -  Tết cổ truyền đối với người Công giáo thiêng liêng và nhiều ý nghĩa. Tết là dịp để gia đình sum vầy, con cháu phương xa hội ngộ. Tết Nguyên đán còn là thời khắc thiêng liêng để người Công giáo đọc kinh cầu nguyện cho một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui. Người Công giáo thể hiện chữ "hiếu” qua việc kính nhớ và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.

Xuân bình yên nơi cửa Phật

(HBĐT) - Đối với Phật tử, mùa xuân là lúc thích hợp để hành hương, chiêm bái các chùa chiền tự viện khắp trên ba miền đất nước. Còn đối với tín ngưỡng dân gian, ngày xuân không thể thiếu việc đến chùa để xin phước lộc, cầu bình an. Trong sắc xuân rực rỡ, nắng xuân ấm áp, cửa chùa bình yên, thoảng hương trầm tịnh mặc luôn rộng mở đón Phật tử, người dân, du khách đến vãn cảnh, cầu bình an.

Xem tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” nhân năm Canh Tý

Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam như Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội) thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) là khá phổ biến từng được in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước mỗi dịp đón Tết, vui Xuân. Sở dĩ như vậy bởi dòng tranh này phong phú, đa dạng về nội dung, điêu luyện về cách thức biểu đạt. Bên cạnh nhiều bức tranh hạnh phúc: đàn lợn, đàn gà, trâu, cá,… còn có những bức tranh có hàm ý hai mặt vừa trào phúng, vui nhộn vừa có tính châm biếm hài hước, đả kích, triết lý sâu sắc về mối quan hệ nhân - quả, thiện - ác như tranh "Đánh ghen”, "Hứng dừa”,... trong đó "Đám cưới chuột” là một điển hình.

Độc đáo các nghề truyền thống của dân tộc Mông

(HBĐT) - Nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà cong vùng cao nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục