(HBĐT) - Trong hệ thống nhạc khí dân gian của người Tày không thể thiếu cây sáo ôi. Tiếng sáo ôi ngân nga báo hiệu thời khắc thiêng liêng của đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tiếng sáo du dương, say đắm của những chàng trai bên bạn tình… Mỗi khi tiếng sáo ôi vang lên, già, trẻ, trai, gái tay trong tay ngân nga những làn điệu khắp Tày xuyên đêm suốt sáng.


Sáo ôi là nhạc khí quan trọng không thể thiếu để đệm cho các bài khắp Tày của người Tày Đà Bắc. 

Theo giới thiệu của Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Hà Văn Phời, xóm Chàm, xã Tân Pheo - một trong số ít người Tày còn biết làm và sử dụng nhạc cụ này. Trong ngôi nhà nhỏ bé giữa núi rừng hùng vĩ, gia đình ông nâng niu, cất giữ nhiều nhạc cụ dân tộc Tày như: chiêng, trống, sáo… Bất ngờ hơn, chúng tôi được tận mắt chứng kiến ông Phởi chế tác và diễn tấu sáo ôi.

Ông Hà Văn Phời chia sẻ: Không phải người Tày nào cũng có thể làm được cây sáo ôi. Hiện nay, toàn xã Tân Pheo chỉ có khoảng 10 người biết làm sáo ôi. Cây sáo ôi của người Tày gồm 6 nốt nhạc tương ứng với 6 lỗ tròn được tạo nên từ một ống nứa tép. Để làm nên được cây sáo ôi rất công phu, tỉ mỉ ngay từ lúc chọn cây nứa. Cây nứa làm sáo ôi phải là cây nứa tép già và hơi cong một chút, bắt buộc phải có ngọn, không được cụt ngọn, như vậy cây sáo mới có âm thanh. Sau khi chọn được cây nứa đạt tiêu chuẩn, nghệ nhân thực hiện các công đoạn chế tác cây sáo ôi. Đầu tiên lấy chiếc lạt mềm đặt ở vị trí trung tâm của cây sáo, lấy lạt cuộn thành 1 vòng tròn làm thước đo để chia các nốt nhạc. Sau khi đánh dấu các nốt nhạc nghệ nhân sử dụng cây dùi cho vào than nóng để dùi thành các lỗ (nốt nhạc) theo vị trí đã đánh dấu. 

Các nốt nhạc có bán kính vừa với ngón tay của người con trai để khi thổi có thể linh hoạt sử dụng ngón tay trên các nốt nhạc. Để có tính thẩm mỹ các nghệ nhân sơn màu xanh, đỏ cho cây sáo ôi. Người Tày treo cây sáo trên gác bếp vừa để lấy hơi lửa cho sáo khô giòn tạo âm thanh êm của tiếng sáo, vừa giáo dục thế hệ trẻ biết giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật thổi sáo ôi trong cộng đồng.

Sáo ôi là nhạc cụ chính, không thể thiếu để đệm cho các bài khắp Tày. Tuy nhiên, sáo ôi chỉ sử dụng trong những ngày vui, lễ, Tết, thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đặc biệt, sáo ôi là tiếng sáo gọi bạn tình của các chàng trai. Trong phong tục của người Tày, chỉ có con trai mới được thổi sáo ôi, con gái tuyệt đối không được thổi.

Ngày xưa, tôi thường độc tấu và đệm sáo ôi cho mọi người hát các bài khắp Tày vào dịp lễ, Tết và ngày hội làng. Khi màn đêm buông xuống, tôi tựa lưng vào cột nhà sàn thổi sáo gửi đến người mình yêu những giai điệu đằm thắm, nỉ non. Người con gái đã thấu hiểu được trái tim si tình của tôi, cất vang câu hát giao duyên đáp trả tiếng sáo. Từ đó, chúng tôi nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc đến bây giờ” - cụ Xa Văn Kẹm, xóm Chàm, xã Tân Pheo chia sẻ.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại xuất hiện nhiều nhạc cụ điện tử, nhưng đối với người Tày, sáo ôi vẫn có sức sống mãnh liệt. Các nghệ nhân, cao niên giữ gìn và truyền dạy cách chế tác cây sáo ôi, cách thổi sáo ôi cho lớp trẻ. Những giai điệu say đắm, nồng nàn từ loại nhạc cụ truyền thống này đã và đang truyền tải thông điệp tình yêu, niềm hạnh phúc cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Đỗ Viết Cường, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với người Tày, sáo ôi là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu, tuy nhiên, số người Tày hiện biết sử dụng nhạc cụ này không nhiều. Vì vậy, huyện thường xuyên tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng để nghệ nhân, các cụ cao niên có cơ hội trình diễn sáo ôi tới đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, với mong muốn bạn bè trong, ngoài tỉnh được thưởng thức nghệ thuật sáo ôi, huyện đã mời các nghệ nhân đi diễn tấu sáo ôi tại các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh.
 

Thu Thủy

Các tin khác


Bộ VHTTDL kiểm tra việc giảm quy mô tại lễ hội chùa Hương

Ngày 12.2, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý, giảm quy mô tổ chức cũng như việc tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona tại lễ hội chùa Hương.

Doanh thu của "Parasite" tăng vượt bậc

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sau khi viết nên trang sử mới cho nền điện ảnh Hàn Quốc, phim "Parasite" (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon-ho đang tiếp tục xác lập kỷ lục là phim ăn khách toàn cầu.

Độc đáo giấy dó Lương Sơn

(HBĐT) - Nghề làm giấy dó của người Mường ở xóm Suối Cỏ, xã Hợp Hòa - nay là xã Cao Sơn (Lương Sơn) tuy chưa thành lập làng nghề, chỉ mới thành lập tổ sản xuất, nhưng với niềm đam mê nghề truyền thống, những nghệ nhân vẫn tiếp tục gìn giữ, phát triển nghề của cha ông để lại, từng bước "hồi sinh” cho giấy dó.

"Parasite"là phim xuất sắc Oscar 2020

Siêu phẩm "Parasite" của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho là tác phẩm không nói tiếng Anh đầu tiên đoạt giải phim xuất sắc trong lịch sử Oscar.

Đắm say những khuôn hình nghệ thuật

(HBĐT) - Năm Kỷ Hợi 2019 có lẽ là một năm khá bận rộn và cũng để lại nhiều cảm xúc với các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên nghiệp ở tỉnh Hòa Bình. Đó là bởi có đến 5 cuộc trưng bày, triển lãm ảnh được tổ chức trong tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Mỗi cuộc thi, mỗi đợt triển lãm là dịp để các nhà nhiếp ảnh thể hiện tay nghề, góc nhìn nghệ thuật, tạo nên những kiệt tác làm say đắm lòng người.

Thờ Thành Hoàng làng – nét đẹp trong văn hóa tâm linh

(HBĐT) - Ông Bùi Huy Vọng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường cho biết: Người Mường quan niệm, Thành Hoàng làng là vị thần bảo trợ cho làng Mường yên lành, vị thần cai quản, che chở và định đoạt cho dân làng. Thành Hoàng thường là người có công với dân bản trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, những người có công khai khẩn mở đất, truyền dạy nghề, hướng dẫn dân làng cách làm ăn, hay đó là lang đạo giữ yên đất Mường hoặc có thể là người chết thiêng. Vì vậy, Thành Hoàng được thờ phụng trong đình, đền, miếu, trong dòng họ, gia đình ngày Tết cổ truyền nhưng chủ yếu vẫn là thờ tại đình làng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục