Nếu như Tân Lạc được coi là vùng lõi của cái nôi văn hóa Mường Hòa Bình thì xã Phong Phú là thủ phủ văn hóa Mường của huyện Tân Lạc. Bản Mường Lũy Ải, xã Phong Phú - nơi còn lưu giữ gần như nguyên bản phong tục tập quán trong đời sống của người Mường Bi. Huyện Tân Lạc đã lựa chọn xóm Lũy Ải để xây dựng không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Mường (KGBTVHDTM). Huyện đang tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của tỉnh, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch bảo tồn không gian văn hóa Mường gắn phát triển các sản phẩm du lịch, cải thiện đời sống người dân.
Các ngành chức năng của tỉnh và huyện Tân Lạc đóng góp ý kiến vào quy hoạch xây dựng không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Mường tại xã Phong Phú.
Trước kia, làng cổ dân tộc Mường thuộc xóm Ải, xã Phong Phú có tổng diện tích mặt bằng kiến trúc cảnh quan khoảng 4,95ha, 34 hộ dân và 165 nhân khẩu, 100% hộ dân là người dân tộc Mường. Năm 2008, xóm Ải được Bộ VH-TT&DL đầu tư bảo tồn và công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường. Xóm Ải cũng là làng Mường cổ nhất của tỉnh Hòa Bình, nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mường. Năm 2017, theo chủ trương của tỉnh, xóm Ải sáp nhập với xóm Lũy đổi tên thành xóm Lũy Ải. Đến nay, xóm Lũy Ải có 207 hộ dân và 936 nhân khẩu, 97% hộ dân là người dân tộc Mường. Riêng xóm Ải (cũ) còn lưu giữ được 19/34 ngôi nhà sàn truyền thống, còn lại là nhà sàn bê tông và nhà xây cấp 4. Xóm Lũy Ải hiện là điểm du lịch cộng đồng OCOP 3 sao, có 2 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay thu hút khách du lịch thăm quan, lưu trú. Người dân ở đây đã khai thác cảnh quan, văn hoá để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa của người Mường Bi, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao huyện Tân Lạc lập quy hoạch xây dựng KGBTVHDTM gắn với du lịch. Mục tiêu hoàn thành hồ sơ quy hoạch trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trong quý III/2024. Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Lạc đã chỉ đạo UBND huyện tiến hành khảo sát hiện trạng, xác định ranh giới, quy mô diện tích quy hoạch, lựa chọn phương án lập quy hoạch, dự kiến nguồn vốn thực hiện. Dự kiến khu bảo tồn không gian văn hóa Mường có diện tích nghiên cứu khoảng 125ha, phía Đông Bắc giáp QL6, phía Đông Nam giáp khu dân cư và cánh đồng lúa 2 vụ, phía Tây Nam giáp khu dân cư và rừng phòng hộ, phía Tây Bắc giáp rừng sản xuất. Bao gồm: khu trung tâm bảo tồn 5,9ha; khu dịch vụ trung tâm 8,1ha; khu khách sạn cao cấp 3,4ha; khu trang trại 3,5ha; khu tổ chức lễ hội 4,6ha; khu lưu trú, homestay, resort 4,2ha; còn lại là các khu dân cư hiện trạng, cảnh quan, khu khám phá thiên nhiên, khu dự trữ phát triển.
Theo UBND huyện Tân Lạc, việc quy hoạch xây dựng KGBTVHDTM góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường gắn với phát triển, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên bản sắc văn hoá, cảnh quan môi trường, xây dựng thương hiệu của du lịch Mường Bi, từ đó cải thiện bền vững cuộc sống người dân. Việc triển khai công tác lập quy hoạch, đầu tư sau này khá thuận lợi, bởi ở đây có hệ thống đường giao thông đã được quy hoạch đồng bộ, với hướng tiếp cận của QL6 từ phía Đông Bắc cách hơn 1km. Có quỹ đất được quy hoạch sử dụng đất là đất du lịch và công cộng dịch vụ.
Tuy vậy, cũng còn những khó khăn về nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn làng cổ dân tộc Mường thuộc xóm Lũy Ải chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đem lại kết quả. Tư duy của người dân chậm thay đổi, chưa khai thác lợi thế về chủ trương, chính sách, giá trị di sản văn hóa của dân tộc để phát triển du lịch. Huyện đề xuất tỉnh quan tâm cho chủ trương về quy hoạch xây dựng dự án KGBTVHDTM tại xóm Lũy Ải. Từ đó làm căn cứ, điều kiện để huyện triển khai thực hiện quy hoạch. Ban hành chính sách đặc thù để triển khai xây dựng dự án tại xóm Lũy Ải; chính sách hỗ trợ, đãi ngộ các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Bố trí nguồn lực cho công tác lập quy hoạch chi tiết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc Mường.
Mới đây, kiểm tra phương án lập quy hoạch xây dựng KGBTVHDTM thuộc xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Huyện Tân Lạc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị xây dựng quy hoạch đảm bảo chất lượng, tầm nhìn dài hạn theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, giữ gìn nguyên vẹn toàn bộ cảnh quan, kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống, di sản văn hóa phi vật thể khu vực các hộ dân đã, đang sinh sống ở khu xóm Ải cũ. Quy hoạch một số hạng mục mới nhằm mở rộng không gian phát triển du lịch; nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng và khai thác bền vững các giá trị văn hóa Mường để phát triển du lịch bền vững, cải thiện sinh kế của người dân.
Hương Lan
Tối 30/3, chương trình nghệ thuật "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" đã chính thức diễn ra tại Quảng trường Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen. Chương trình do Báo Nhân Dân và tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Chùa Trăm Gian có tên tiếng Hán là Quảng Nghiêm tự hay còn gọi là chùa Tiên Lữ nằm trên ngọn đồi cao khoảng 50m, thuộc địa phận thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tới chùa khi ánh bình minh vừa tỏ rạng chưa quá đông người hành lễ, chúng tôi theo bước ni trưởng Thích Đàm Khoa sắp xếp lại đồ lễ và nghe giới thiệu.
Chiều 29-3, tại thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị truyền thông về Chương trình khai mạc Năm du lịch và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3 năm 2024.
Tối 28/3, tại Hòa Bình, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) với chủ đề "Về với Điện Biên”. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và đông đảo cựu chiến binh, người dân Hòa Bình.
Đã từng có thời điểm, theo dòng chảy của thời gian cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, những giá trị cốt lõi, truyền thống của dân tộc Mường đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Không chỉ là điểm gặp gỡ văn hóa, các câu lạc bộ (CLB) bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Lạc Sơn còn là nơi thực hành, môi trường cho nghệ nhân, những người am hiểu và yêu thích văn hóa dân tộc sinh hoạt, tập luyện, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng và truyền dạy cho thế hệ trẻ.