Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao về một show diễn đặc biệt quy tụ số lượng khán giả lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam: xấp xỉ 50.000 người. Đó cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, trong một đêm nhạc người ta phải chứng kiến nhiều khán giả "phát cuồng" và ngất xỉu vì thần tượng đến vậy. Những gì diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình trong show diễn mở màn của chương trình MTV Exit tối 27/3 ấy đã khiến nhiều người phải suy ngẫm về cái gọi là "văn hóa tôn sùng thần tượng" của giới trẻ hiện nay.
Quên hết, chỉ trừ thần tượng!
Cả sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã được phủ xanh bởi áo phông, bóng bay, băng-đô và dàn lighstick huyền ảo để chào đón nhóm nhạc Hàn Quốc Super Junior - một trong những nhóm nhạc thần tượng hàng đầu châu Á. Tuy SuJu (tên gọi tắt của nhóm này) không phải là khách mời duy nhất trong show diễn nhưng ngay từ đầu, số đông khán giả trên sân đã không hề giấu giếm rằng họ đến đây chỉ với một mối quan tâm duy nhất là những anh chàng đẹp trai, hát hay, vũ điệu giỏi xứ Hàn. Và đó cũng là sự chờ đợi duy nhất của họ.
Mặc dù được chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng nhưng những màn biểu diễn khá "lửa" và chất lượng của các ca sĩ Việt như Phạm Anh Khoa, Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phương Vy, Lưu Hương Giang... cũng không khiến các khán giả trẻ trên sân tạm quên đi mối quan tâm chính. Trước "sức nóng" từ cái tên Super Junior và hàng chục ngàn fan ruột của họ, các ngôi sao trong nước bỗng chốc trở thành "sao mờ", bị cái bóng của các hot boy Hàn áp đảo ngay trên sân nhà. Không có được vị thế nhân vật chính nhưng các ca sĩ Việt vẫn hoàn thành rất tốt vai trò mở màn trong một đêm nhạc quy mô quốc tế để truyền tải thông điệp toàn cầu: cùng chung tay ngăn chặn nạn bóc lột và buôn người. Có điều, chắc họ cũng ít nhiều cảm thấy chạnh lòng khi đang biểu diễn trên sân nhà mà lại nghe thấy phía dưới khán giả hò hét những cái tên nước ngoài!
Ngay cả giọng ca số một đến từ Australia, Kate Miller Heidke - khách mời quốc tế và là một trong hai tâm điểm của show diễn cũng trở thành "sự xuất hiện không mong đợi" khi toàn bộ tâm trí của phần lớn khán giả trên sân đều hướng về các sao Hàn. Vốn rất quyến rũ, ấn tượng với chất giọng vút cao và thể loại âm nhạc độc đáo, nhưng dường như giọng hát thiên thần của Kate cũng bị chìm nghỉm giữa những tiếng reo hò vốn chỉ dành riêng cho SuJu. Theo chương trình, Kate phải trình diễn liền một hơi 6 ca khúc, nhưng đến bài thứ tư dưới khán đài đã có tiếng la ó đòi trả lại sân khấu cho sự trông đợi của họ. Lúc Kate đang hát ca khúc thứ 5 thì gần như sự sốt ruột của các fan đã lên đến đỉnh điểm. Họ ào lên, mọi ánh mắt đều hướng về phía cánh gà - nơi các thần tượng của họ sẽ đi ra và hò reo, gọi tên thần tượng, mặc cho cô ca sĩ xinh đẹp vẫn đang hết mình cống hiến cho âm nhạc nơi giữa sân. Cuối cùng, nữ ca sĩ nổi danh nước Úc đành phải gượng gạo nói một câu tiếng Anh xã giao để làm dịu lại không khí trên sân, đại ý rằng "Các bạn đang mong chờ Super Junior phải không? Tôi cũng thế!" và lui xuống hậu đài.
Để có mặt trong đêm diễn, nhiều fan hâm mộ tuổi teen, trong đó chủ yếu là phái nữ đã chầu chực từ trưa tại SVĐ. Sự cuồng nhiệt dâng trào đến nỗi, trong suốt đêm diễn, cứ mỗi lần cái tên Super Junior được nhắc đến là một lần cả SVĐ như muốn nổ tung với những tiếng hò hét váng trời và những làn sóng xô đẩy, chen lấn của khán giả. Sự hỗn loạn, giẫm đè lên nhau đã khiến cho nhiều người ngất xỉu ngay trên sân. Lực lượng an ninh đã được huy động tối đa nhưng nhiều lúc vẫn không kiểm soát hết được tình hình trước số lượng quá đông và sự quá khích của khán giả. Đội cảnh sát cơ động liên tục được tăng cường và trở thành "những người vận chuyển bất đắc dĩ" khi cứ 5, 7 phút lại có một fan hâm mộ bị ngất cần được đưa ra ngoài. Trước tình hình hỗn loạn đó, MC đã phải liên tục nhắc nhở mọi người, còn dọa nếu để xảy ra bất kỳ sự cố gì thì chương trình sẽ dừng lại ngay lập tức! Thế nhưng, sự cuồng nhiệt cũng chỉ lắng lại đôi chút. Đến khi các hot boy xứ Hàn xuất hiện thì nhiều fan hâm mộ trên sân đã thực sự "quên mình" theo mọi nghĩa để thể hiện cảm xúc. Người thì cởi giày vứt túi, người nhảy cẫng lên hét hò, họ còn ôm nhau khóc lóc trong điên loạn. Những người lớn tuổi có mặt ở sân khi ấy cứ tròn mắt lên kinh ngạc và không thể lý giải tại sao giới trẻ bây giờ lại có những cách tôn sùng thần tượng cuồng nhiệt đến như thế!
|
Cần lắm một định hướng hâm mộ thần tượng cho giới trẻ
Giới trẻ giờ đây càng ngày càng hòa nhập với thế giới. Chuyện họ thuộc lòng những cái tên, thậm chí từng sở thích, từng thói quen, từng bài hát của các ngôi sao thần tượng nước ngoài không có gì là lạ. Nhưng rõ ràng văn hóa ứng xử nơi đám đông và ngay cả cái cách đón tiếp thần tượng của họ vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Sự kiện náo loạn ở sân bay Nội Bài khi các sao Hàn vừa đặt chân đến Việt Nam đã bị một số tờ báo lên án. Giờ lại tiếp tục diễn ra trong liveshow thì đúng là chẳng thể nào biện minh nổi. Có phải tất cả những gì họ làm đều để chứng tỏ ta là người hâm mộ cuồng nhiệt, ta là giới trẻ?
Vì muốn được tận tay sờ vào người thần tượng, họ sẵn sàng giẫm đạp lên nhau, xô đổ cả hàng rào an ninh. Vì quá mong mỏi được xem thần tượng biểu diễn mà họ vội vàng bỏ qua phép lịch sự thông thường và tối thiểu đối với những khách mời khác. Có fan sẵn sàng ném chai nước và giầy dép vào các phóng viên vì đã "sơ ý" giơ máy ảnh lên tác nghiệp, làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ. Lại có không ít fan nữ ma lanh còn giả vờ ngất để được chuyển ra chỗ trống duy nhất trên sân (là khoảng giữa hàng rào ngăn cách khán giả với khán đài). Khi đã ra đến khoảng sân này rồi, họ liền đổi bài khóc lóc xin xỏ các nhân viên an ninh được nán lại để ngắm thần tượng. Chỉ tội các anh cảnh sát, cứ còng lưng cứu, cõng các fan thoát khỏi đám đông để rồi bực tức trước trước màn xin xỏ khóc lóc ấy.
Được biết, trước khi SuJu đặt chân đến Việt Nam các fan Việt đã phải mất hàng tháng trời mong đợi, hàng tuần trời chuẩn bị với không ít tiền của đổ vào việc mua sắm mũ áo đồng phục, băngđô, cờ hoa khẩu hiệu, và cả tiền đi lại, họp câu lạc bộ fan, tập luyện để thống nhất cách thức đón tiếp thần tượng. Vậy mà với nhiều người, chỉ một phút giây không kiềm chế và làm chủ được cảm xúc của bản thân, họ đã tự tước đi cơ hội hiếm có: được thưởng thức trọn vẹn những hình ảnh của thần tượng trên sân khấu. Vì e ngại trước sự hâm mộ có phần thái quá của các fan Việt và sự không an toàn trên sân, Super Junior đã vội vã đến biểu diễn rồi vội vã chào để lên xe về thẳng khách sạn ngay sau khi diễn xong mà không hề có bất kỳ một màn giao lưu nào.
Không chỉ có vậy, với một vài hành động cư xử thiếu văn hóa trong lúc quá khích, các fan Việt cũng làm cho hình ảnh của cuộc đón tiếp thần tượng xấu đi, đã khiến cho không khí thưởng thức âm nhạc trong đêm diễn căng thẳng hơn rất nhiều. Với cách thức đón tiếp các ngôi sao thần tượng và một chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế như thế, thì e rằng trong tương lai, chúng ta sẽ khó lòng trở thành điểm dừng chân của bất kỳ một nhóm nhạc thần tượng hay một chương trình hoành tráng đến từ nước ngoài nào!
Theo Báo SKĐS
Trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhà văn hóa có vai trò quan trọng đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Mạng lưới nhà văn hóa làng, thôn, ấp, bản phát triển rộng khắp trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi các nhà văn hóa hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn.
Mặc dù chỉ là buổi giới thiệu các ban nhạc, các nghệ sĩ của các quốc gia tham dự Liên hoan âm nhạc bộ gõ quốc tế nhưng số lượng khán giả đến xem đông chật sân Viện Goeth. Đây là chương trình chuẩn bị cho chuỗi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Có thể bởi dư âm của sự thành công trong Liên hoan lần thứ nhất đã tạo nên ảnh hưởng lớn đối với công chúng yêu chuộng âm nhạc gõ.
Nhằm giúp các thế hệ con cháu biết được quá khứ của cha ông, một dự án dài hơi mang tên Gửi tới mai sau đang được Quỹ Văn hóa Hà Nội và Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội thực hiện. Theo đó, 1.000 vật phẩm tiêu biểu, đặc trưng cho cuộc sống văn hóa, khoa học và công nghệ của xã hội đương đại sẽ được lưu giữ trong một thiết bị đặc biệt, được hạ thổ vào ngày 10/10 tới. 1000 năm sau, các vật phẩm này sẽ được mang ra "giới thiệu" với cháu con. Vấn đề khó khăn hiện nay là chọn vật phẩm nào để gửi tới mai sau!
Triển lãm Những chú thích về một nền văn hoá tưởng tượng của nhà điêu khắc Clare Martin (Thạc sĩ nghệ thuật người Australia) đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trưng bày kéo dài đến hết ngày 16 tháng 4 năm 2010. Đây là trưng bày thứ 3 của bà ở Việt Nam và là trưng bày thứ 2 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam do Đại sứ quán Úc tại Hà Nội tài trợ.
Tập sách ghi chép của nhà báo Hồng Khanh "Sáng mãi tình cảm Bác Hồ" vừa được Nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt bạn đọc đầu năm 2010. Cuốn sách được viết dưới dạng "Nhớ lại và suy nghĩ" về những tình cảm của Bác Hồ đối với Hà Nội và tình cảm của quân và dân Thủ đô đối với Bác Hồ và Ðảng kính yêu, qua lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Trân, một cán bộ lão thành cách mạng, từng đảm nhiệm các cương vị quan trọng của Ðảng và Nhà nước, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng và Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Công ty TNHH XNK thủ công mỹ nghệ Đông Thành vừa tổ chức lễ "Khai kim" sản xuất bức tranh "Hồn Thiêng Đại Việt", bức tranh lớn nhất từ trước tới nay của loại hình thêu tay để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.