Ở tuổi 90, 'người nhạc sĩ của tình ca' trông vẫn khỏe mạnh. Và dù tóc có trắng như tuyết, da có nhăn thì tình yêu vẫn nồng nàn trong tâm hồn ông. Phạm Duy chia sẻ niềm yêu đời và quan điểm nghệ thuật của mình.
- Đến giờ, nhạc Phạm Duy vẫn đi vào lòng người bởi giai điệu da diết, mượt mà, đầy chất tình. Thời gian về nước sinh sống, ông đã sáng tác thêm bao nhiêu tác phẩm mới?
- Tôi về nước đã 5 năm rồi, hoàn thành được 70 ca khúc và một số cuốn sách. Tôi cố gắng để những gì thực hiện được trong thời gian qua sớm ra mắt.
- Điểm mới mà ông đưa vào các sáng tác giai đoạn này là gì?
- 70 ca khúc kia chỉ là ca khúc. Ở độ tuổi này, tôi muốn mình phải làm ra những trường ca, những đại khúc để đời. Tôi vừa hoàn thành xong đại khúc Kim Vân Kiều, để hát thì phải mất 2 đến 3 tiếng đồng hồ.
Tôi quan niệm âm nhạc phải tiến. Nếu chỉ là hát Tôi đang mơ giấc mộng dài, hay Tình hoài hương... thì chỉ là Phạm Duy của những năm 1945, 1975 thôi. Những gì tôi sáng tác 30 năm qua đã in dấu rõ rệt rồi. Giờ đã là năm 2010, tôi không thể chỉ gói gọn sản phẩm của mình ở một thời điểm hoài như thế.
Nhạc sĩ Phạm Duy kết hợp với Phương Nam phim tổ chức đêm nhạc "Mơ giấc mộng dài" vào tối 17 và 18/7, tại Nhà hát Hòa Bình. Ảnh: H.T. |
- Có bao giờ, ông tự so sánh các "đứa con tinh thần" của mình với nhau?
- Nếu để tôi nói thì hơi chủ quan đấy, sẽ có người bảo tôi tự kiêu. Nhưng nói thật, càng ngày tôi sáng tác càng hay. Tôi đảm bảo, hiện giờ chưa có ai sáng tác được ca khúc Bên kia sông Đuống như mình. Ca khúc này đã được con tôi đem đi hòa âm và đưa cho ca sĩ Mỹ Linh hát. Tôi viết để tặng riêng cho Hoàng Cầm. Sẽ đặt bài hát lên bàn thờ của ông ấy.
- Ở độ tuổi 90, điều gì khơi nguồn cho ông sáng tác?
- Tâm hồn cho nghệ thật không phụ thuộc vào thời điểm nào cả. Chủ đề sáng tác là cuộc sống ở quanh ta. Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều tìm cảm hứng để nguồn tư liệu ấy không bao giờ bị cạn kiệt.
Người nghệ sĩ thì dù ở đâu cũng có cảm hứng để sáng tác. Tôi dễ dàng rung động trước con người, trước cảnh vật hay những biến cố. Bây giờ có bắt tôi ngồi một chỗ, tôi vẫn sáng tác được.
- Hiện tại, ông nghĩ sao về đề tài tình yêu?
- Tình yêu vẫn có đấy chứ, nhưng không phải là tình yêu trai gái. Tôi vẫn yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Tôi tự nhận lúc nào cũng là "người tình" mà.
Tình yêu có nhiều dạng lắm và mình phải xác định cho mình đối tượng để hướng tới. Tôi đã đạt được đến tột đỉnh của tình yêu. Nếu mọi người nghe Người tình tuyệt vời, Nghìn thu sẽ thấy tình yêu của Phạm Duy là vĩnh viễn.
Hiện giờ, tôi vẫn cứ yêu. Tôi yêu từ tâm hồn mình. Yêu đâu nhất thiết là cầm tay, Chỉ cần một cái liếc mắt cũng là đủ rồi.
- Trong âm nhạc, nhạc sĩ và ca sĩ thường có mối quan hệ thân thiết. Với ông thì sao?
- Tôi sáng tác ra ca khúc nhưng không chọn được ca sĩ. Đúng là mối quan hệ nhạc sĩ, ca sĩ càng thắm thiết thì mới có thể đồng điệu để ca khúc được đưa đến đỉnh. Hiện nay, chỉ có một số ít ca sĩ trung thành với nhạc Phạm Duy thôi.
Chương trình "Con đường tình ta đi" của nhạc sĩ Phạm Duy trong năm 2008. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng. |
- Ông thấy ca sĩ nào thể hiện tốt nhất ca khúc của mình?
- Ngày xưa ca sĩ ít lắm, chỉ có Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc... nên tôi không kén chọn. Chỉ cần ca khúc của mình có người đồng cảm là cảm thấy tràn đầy niềm vui rồi.
Hiện nay, tôi thích giọng hát của Nguyên Thảo, dù cô ấy hát ít bài thôi nhưng hát hay lắm. Mỹ Linh thì có giọng hát chững chạc. Còn nói đến chất giọng đặc trưng cho dân tộc thì chỉ có Khánh Linh. Mỗi người mỗi vẻ. Với nam ca sĩ thì chỉ có Đức Tuấn là trung thành với âm nhạc của tôi.
- Đã bao nhiêu lần ông vướng vào chuyện tình cảm với ca sĩ?
- Thật không may cho tôi vì chưa... được vướng vào chuyện đó.
- Đi qua một quãng đường dài trong đời sống, ông cảm nhận thế nào về đời mình?
- Tôi may mắn vì luôn ung dung tự tại bên gia đình. 30 năm sống trên đất khách, tôi có nhà, có xe và sống an bình bên vợ và 8 đứa con. Tuy cuộc sống nhiều lúc gặp khó khăn nhưng tình yêu âm nhạc giúp tôi vượt qua tất cả.
Giờ thì tôi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc tại nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vợ tôi đã mất, còn tôi đang tận hưởng niềm vui bên cạnh con cháu.
Theo VNEXPRESS
Hoạt động âm nhạc luôn mong chờ lộ diện những nhân tài, những giọng ca đủ sức tạo nên sự mới mẻ cho đời sống ca nhạc đang cằn cỗi và nhàm chán hiện nay. Nhưng xem ra việc ấy khó như đi hái sao trên trời
Thời gian gần đây game online (GO) lại trở thành đề tài nóng, được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, được nhắc đến tại các cuộc họp, hội thảo, trao đổi về văn hóa giải trí của giới trẻ hiện nay.
Ngày 14-7, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 đã tổ chức họp báo giới thiệu về công tác tổ chức. Cuộc thi năm nay có chủ đề “Phụ nữ Việt Nam- nghìn năm hương sắc” đã bắt đầu các vòng thi tại cấp cơ sở để chuẩn bị cho vòng chung kết diễn ra từ ngày 1 đến 15-8 tới tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long (Quảng Ninh).
Để làm được một bộ phim lịch sử “ra hồn”, cần đến rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, cái tưởng như quan trọng nhất là vốn, lại được các nhà làm phim thống nhất không phải là yếu tố quyết định.
Văn học đang ở thời phải đợi - đợi sự phát triển - nếu có - của tiểu thuyết, đợi những tác phẩm đang ra đời nhỏ giọt hằng năm và đợi cả người viết trẻ đến lúc đủ tâm, đủ tầm và chịu dấn thân cống hiến cho văn học của họ
Có lẽ chỉ nước mình mới có nhiều Hội cùng tồn tại đến thế: Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Nhà báo, Hội Sân khấu, Hội Nhiếp ảnh, Hội Tạo hình... Đó là còn chưa kể hàng loạt những hội ngành nghề khác như Hội Nông dân, Hội Hữu nghị, Hội Nuôi ong, Hội Trồng trọt... Điều đó chứng tỏ mức quan tâm rất chu đáo của Đảng và Nhà nước trước những công việc thuộc về cõi sáng tạo và văn hoá nhạy cảm, nhọc nhằn, rất khổ ải và cô đơn.