Trong các cuộc vui, dịp Tết, lễ hội trong tỉnh  không thể thiếu vò rượu cần.

Trong các cuộc vui, dịp Tết, lễ hội trong tỉnh không thể thiếu vò rượu cần.

(HBĐT) - “Đêm rượu cần bản làng mình, ai chưa say là chưa vui, ngôi nhà sàn nghiêng ngả, chuếnh choáng trong mặt người... Chum rượu nồng khao khát, niềm vui ta vơi đầy... Nào ta vít cần trúc, uống niềm vui vui cho say, niềm vui càng càng san sẻ, chớ để say say một người, đêm rượu cần bản làng mình, ai chưa say là chưa vui”... Những lời hát da diết trong bài “Bên chum rượu cần” của nhạc sĩ Trần Vương vang xa từ ngôi nhà sàn đầu bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã khiến nhóm bạn ở Hà Nội của tôi tò mò, háo hức được mục sở thị, được đắm mình trong men say của núi rừng Tây Bắc.

 

Không ai bảo ai, đứa nào cũng chạy thật nhanh lên chiếc cầu thang gỗ để được khám phá nét văn hoá truyền thống của dân tộc Mường. Vài chục người cả khách tây và ta tay trong tay nhún nhảy theo vòng tròn, ở giữa là vò rượu cần. Nhóm bạn của tôi cũng mạnh dạn xin được nhập vào vòng nhảy. Khi mồ hôi đã rịn trên trán, mọi người cùng ngồi quây quần vít từng cần trúc và thưởng thức hương vị thơm nồng, cay cay, ngọt ngọt nơi  cổ họng. Ai nấy đều trầm trồ, sao Hoà Bình lại có loại rượu ngon và lạ đến vậy! Một người khách đến từ nước Đức vừa uống vừa giơ ngón tay cái lên như thể nói với chúng tôi rằng: Rượu này độc đáo lắm, tuyệt vời lắm! Mế chủ nhà cũng thật nồng hậu. Mế cầm chiếc sừng trâu rỗng có lỗ thủng để đong nước vào rượu, tay kia cầm gáo múc nước tiếp vào sừng. Mế bảo, sau một hồi uống làm quen, bây giờ sẽ đến phần uống thi. Mế sẽ làm “chú trám” - là người cầm trịch vừa rót, vừa là trọng tài trong cuộc rượu. Mế giải thích: Nhóm nào không uống kịp, để rượu trào ra sẽ bị phạt bằng cách phải uống tiếp mấy sừng nữa. Phong tục uống rượu cần trong cuộc vui của người Mường là thế. Vậy là bên vò rượu cần, không phân biệt màu da, lứa tuổi, tất cả đều hồ hởi vừa uống rượu, vừa reo hò tán thưởng. Men của những vò rượu cần nhạt dần cũng là lúc con người xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn. 

 

Không biết rượu cần trong đời sống của người Mường có từ bao giờ, chỉ biết rằng đám cưới không có vò rượu cần thì cô dâu chưa về nhà chồng, ngày Tết không có vò rượu cần chưa nên xuân, cuộc vui thiếu rượu cần thật nhạt nhẽo. Rượu cần thơm ngon, độc đáo và cách uống rượu cũng thật thú vị. Đâu là nguồn gốc và bí quyết làm rượu ngon? Đó là câu hỏi mà không chỉ chúng tôi mà nhiều thực khách gần, xa muốn tìm hiểu. Bởi đó không chỉ là một thức uống mà còn là bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Hiện nay, không khó để tìm mua được rượu cần. Rượu cần hiện diện trên những con phố suốt dọc từ xã Lâm Sơn (Lương Sơn) kéo dài lên đến thành phố Hoà Bình.  Phố Nghĩa tổ 3, phường Phương Lâm (thành phố Hoà Bình) nhiều năm nay được coi là phố rượu cần. Càng gần Tết, không khí mua bán rượu cần ở khu phố này càng nhộn nhịp hẳn lên. Những vò rượu cần bằng gốm màu da lươn được xếp ngay ngắn trên các giá gỗ. Đó đây những chiếc xe tải nhẹ ghé vào các cơ sở sản xuất và phân phối rượu cần chở hàng về hướng Thủ đô. Những chiếc xe hơi hạng sang, xe khách cũng dừng lại bên đường để thực khách xuống chọn cho mình những vò rượu cần mang về xuôi làm quà Tết miền núi.   

 

Để thoả chí tò mò, chúng tôi đã tìm đến gia đình bà Bùi Thị Chinh - một phụ nữ gốc Mường Vang làm rượu cần ngon có tiếng. Cơ ngơi của bà là một ngôi nhà sàn thoáng rộng giữa lòng thành phố. Theo lời kể, bà biết làm rượu cần từ nhỏ. Theo chồng ra thành phố, bà vẫn mang theo bí quyết làm rượu cần do mẹ chồng truyền lại cho. Trong những dịp lễ, Tết, bà lại trổ tài để gia đình, bạn bè thưởng thức hương vị quê hương. Dần thành quen, gia đình bà trở thành nơi gặp gỡ của những người thích rượu cần và từ đó bà thành lập cơ sản xuất rượu ngay tại nhà. Từ năm 1993 đến nay, gia đình bà sản xuất rượu cần bán ra thị trường Hoà Bình, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận khác. Tuy nhiên, để làm nên những vò rượu cần ngon vừa phải có bí quyết, vừa phải có sự tinh tế, tỉ mỉ. Trong đó, men rượu là quan trọng nhất. Men ở đây được làm từ các loại lá cây rừng nên được gọi là men lá. Men rượu truyền thống của người Mường được làm từ 24 nguyên liệu từ ớt, gừng, riềng, lá mít, ổi và nhiều lá cây rừng như lá mâm xôi, vỏ long não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi... Trong men lá rừng không bao giờ thiếu là vỏ cây gỗ mun. Vỏ cây mun có tác dụng khử độc rất tốt nên người uống không bị đau đầu và không gây độc hại đối với cơ thể. Bà Chinh tâm sự: Để có những vò rượu cần chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn: ngâm gạo, rửa trấu, đồ rượu, ủ men, cho vào vò. Trước tiên phải chuẩn bị vò đựng bằng gốm, lựa loại gạo nếp ngon như nếp cẩm. Trấu đãi sạch trộn lẫn gạo đem ngâm nước trước khi đưa vào đồ chín. Tiếp đó, rắc từng lớp men vào mẹt cơm trộn trấu đã để nguội, tiếp tục ủ lá chuối để rượu bốc men rồi đem đóng vào từng vò, cho lá ổi lên bề mặt, dùng que gài chặt sau đó lấy nilon bịt kín vò. Nếu bị hở, rượu sẽ chua. Rượu ủ trong vò từ 10 ngày trở lên là có thể dùng được nhưng để càng lâu càng ngon. Việc làm rượu cần không có gì nặng nhọc, vất vả lắm nhưng các công đoạn đều đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ. Ví như rửa trấu thì phải rửa thật sạch, ủ gạo, trấu cho lên men cũng phải tính toán sao cho nhiệt độ đủ ấm không sẽ bị hỏng. Trong câu chuyện về bí quyết làm rượu cần, bà Chinh còn kể cho chúng tôi nghe về sự tích của loại rượu truyền thống này. Đặc sản rượu bắt nguồn từ tấm lòng của cô con dâu đức hạnh đối với bố; từ việc đáp lại câu hỏi có loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào, ý vị. Bởi rượu cần là loại rượu được uống bằng những ống cây trúc vàng được uốn cong.

 

Nhiều người cho rằng, uống rượu cần chính là một nét văn hóa cộng đồng. Quây quần bên vò rượu, mọi người xích lại gần nhau hơn, thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Điều này có thể giải thích lý do vì sao càng ngày càng có nhiều người tìm đến với rượu cần mỗi dịp Tết đến, xuân về. Rượu cần như một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn lạ kỳ của núi rừng Hoà Bình. Chính sự độc đáo này đã làm cho nghề sản xuất rượu cần ngày càng phát triển và hình thành nên những phố rượu cần. Đặc biệt, cuối năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình. Cục đã bảo hộ nhãn hiệu cho Hội Sản xuất, kinh doanh rượu cần tỉnh tại tổ 3, phường Phương Lâm, thành phố Hoà Bình. Nhãn hiệu được bảo hộ tập thể. 50 hộ sản xuất, kinh doanh rượu cần ở thành phố Hoà Bình, huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn được sử dụng lô gô nhãn hiệu sản phẩm tập thể. Bà Bùi Thị Chinh đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội rượu cần tỉnh cho rằng, đây là cơ hội để rượu cần vươn xa hơn tới thị trường trong, ngoài nước. Hiệp hội sẽ có những chế tài, ưu đãi với những thành viên nhằm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, mang đúng hồn cốt của thương hiệu rượu cần Hoà Bình.

 

Sau khi nghe giới thiệu về sự tích và bí quyết làm rượu cần, chúng tôi được bà Chinh thết đãi một vò rượu. Bên cửa voóng nhà sàn, cầm cần vít xuống uống một hơi, cảm nhận vị ngọt ngọt, cay cay tan nhanh nơi đầu lưỡi. Hương rượu cần say nồng ngất ngây thấm vào da thịt mới thấy thấm thía hơn một nét văn hóa đặc sắc và cảm phục những bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mường. Sau đó, cả nhóm không ai quên đèo theo xe máy một bình rượu về Thủ đô làm quà Tết.

 

 

                                                                                         Cẩm lệ

 

 

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy vinh dự đón Bác Hồ về thăm

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân huyện Lạc Thủy nói chung và đồn điền Chi Nê, Nhà máy in tiền của chính quyền cách mạng nói riêng đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đó là dấu ấn không thể phai mờ.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không gian thiêng liêng, hun đúc niềm tự hào dân tộc

Cứ mỗi dịp tháng 5 về, mỗi người con đất Việt lại bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu, hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - trái tim của cả nước với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính.

Hội thảo khoa học lịch sử về tinh hoa văn hóa Tây Tiến và du lịch Tây Tiến

Ngày 17/5, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh phối hợp Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học lịch sử "Tinh hoa văn hóa Tây Tiến và kết nối du lịch theo con đường bộ đội Tây Tiến" (du lịch Tây Tiến).

Xã Quang Tiến sôi nổi xây dựng đời sống văn hóa

Cuối năm 2023, tuyến đường nối giữa 2 cụm dân cư thuộc xóm Đoàn Kết 1, xã Quang Tiến (TP Hoà Bình) được mở mới và cứng hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, giao thương của nhân dân.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024

Chiều 16/5, tại Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ Khai mạc Liên hoan Tiếng hát làng Sen năm 2024. Đây là chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục