Phong cảnh trên hồ Hòa Bình luôn hấp dẫn du khách.
(HBĐT) - “Mặt sông như tấm lụa trời/ Mưa sa xuống nước/ Ngỡ trời thêu hoa...” - Tôi lẩm nhẩm đọc mấy câu tạp bút của một người bạn cũ. Cảm giác thật phiêu diêu khi đắm mình trong mênh mang sông nước lòng hồ những ngày cuối mùa đông. Quên cả gió lạnh. Quên cả cái ướt át như có như không của cơn mưa phùn. Tiếng sóng vỗ ì oạp mà tôi cứ ngỡ mình nghe được âm thanh mùa xuân đang gõ nhịp lên mạn thuyền…
Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch lòng hồ vào thời điểm rét mướt của mùa đông vẫn còn bảng lảng trên sông. Trước đó, tôi đã “phải lòng” vẻ tươi đẹp đầy sức hút của sông Đà vào mùa hạ và mê đắm bức tranh sơn thủy hữu tình của nơi đây khi tiết trời lập thu. Còn bạn tôi thì bảo: Sông Đà thú vị nhất vào những ngày cuối mùa đông bởi khi đắm mình trong không gian se sắt lạnh sẽ bất giác lắng nghe được tiếng bước chân mùa xuân đến... Bạn tôi đã hơn chục năm gắn bó với sông Đà và hiểu sông Đà như hiểu một người thân thiết. Vì thế nên tôi cũng muốn có được những trải nghiệm thú vị mà bạn mình giới thiệu. Háo hức, tò mò, tôi cùng bạn khám phá sông Đà vào thời điểm cuối đông, giáp Tết.
Từ bến Thung Nai, chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy nhỏ để bắt đầu cuộc hành trình. Sương mù giăng nhẹ không gian khiến cả một vùng sông nước rộng lớn được phủ màu bàng bạc như huyền thoại. Bây giờ là mùa khô, cũng là mùa trữ nước của hồ sông Đà. Bạn tôi bảo, nước sông mùa này trong, xanh và đẹp nhất trong năm. Nơi đây vẫn thường được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, trong đó, màu nước xanh là điểm nhấn nổi bật của quần thể du lịch lòng hồ.
Lòng hồ sông Đà có diện tích xấp xỉ 8.000 ha, độ sâu từ 100 - 150 m và dung tích trên 9 tỷ m3 nước. Trong hồ có 47 đảo lớn, nhỏ. Những núi đá vôi trên mặt hồ tạo nên một không gian vịnh Hạ Long thu nhỏ rất nên thơ. Hai bên bờ hồ là rừng núi bạt ngàn xanh, phong cảnh hữu tình và thơ mộng. Thêm vào đó là vẻ nguyên sơ, kỳ thú của hệ thống hang động ven hồ. Những bản làng cũng là nét chấm phá đầy sức gợi. Đi trên lòng hồ sông Đà, cảm giác bị say sóng hoàn toàn biến mất bởi tâm hồn đang mê đắm với cảnh sắc thiên nhiên quá đỗi bình yên.
Thuyền đi rất chậm. Đi như trôi trên sông. Trôi trong bồng bềnh gió và hơi nước khiến lòng người nhẹ bẫng, lâng lâng một cảm giác khó định hình. Tiết trời cuối đông, sương dần tan nhưng không có nắng, cái rét bảng lảng trong không gian vừa như muốn ở lại, vừa như muốn ra đi để gọi xuân về. Cả một vùng hồ sông Đà rộng lớn mênh mông, chỗ rộng nhất cũng khoảng 2 km, chiều dài khoảng 200 km kéo từ Hòa Bình đến Sơn La. Vùng hồ rộng lớn này nằm trong phạm vi 17 xã của 4 huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Chắn ở một đầu hồ là nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện mang tầm vóc của thế kỷ từ lâu đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách thập phương. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng hồ sông Đà là nơi sơn thủy hữu tình, có rừng, có đảo, có khí hậu thanh mát quanh năm. Đặc biệt, đây là nơi quần tụ của các bản làng dân tộc truyền thống, hai bên vùng lòng sông có nhiều di tích lịch sử như đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... mang giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển du lịch vùng hồ. Được biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hồ sông Đà đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh đã xác định những sản phẩm chính thuộc khu du lịch này là du lịch tín ngưỡng, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề. Với những sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu sức hút, tỉnh định hướng sẽ xây dựng khu du lịch hồ sông Đà trở thành khu du lịch quốc gia, hàng năm đều đặn chào đón hàng trăm ngàn lượt du khách thập phương đến thưởng ngoạn và khám phá.
Thuyền chúng tôi cập bến đền Bờ. Tương truyền là nơi rất linh thiêng, đây chính là một phần dấu ấn của sự kiện tuần thú dẹp loạn Đèo Cát Hãn của vua Lê Thái Tổ. Sử ghi lại rằng trong cuộc tuần thú dẹp loạn của vị vua anh minh Lê Lợi trên miền biên ải đã được người dân miền núi hết lòng giúp đỡ. Trong cuộc hành quân qua 170 thác, 130 ghềnh hiểm trở có công sức rất lớn của bà Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một bà người Dao ở Vầy Nưa lo liệu quân lương, thuyền mảng. Khi hai bà mất, vua Lê Lợi truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ. Đền ấy nằm dưới thác Bờ nên gọi là đền Thác Bờ. Dưới lòng hồ, đoạn ngang giữa thác Bờ từng có ngôi đền ấy trên núi đá. Nay, cả hai ngôi đền đã được chuyển lên vị trí cao sau khi lòng hồ ngập nước. Đền bà người Dao thì ở bên bờ trái sông Đà trên đỉnh đồi Hang Thầu, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), còn đền bà người Mường ở mạn phải xã Thung Nai (Cao Phong). Dân trong vùng tôn vinh hai bà là Chúa Thác Bờ, nay vẫn thường xuyên hương khói thờ phụng, hàng năm mở hội vào ngày 7 tháng giêng âm lịch. Đã từ lâu, nơi đây thực sự trở thành một điểm du lịch tâm linh không thể không đến mỗi khi ai đó có dịp thăm thú vùng hồ.
Đền Bờ - điểm đến không thể bỏ qua trong cuộc hành trình du ngoạn và khám phá vùng hồ Hòa Bình.
Đảo Dừa - điểm du lịch sinh thái mới trên vùng hồ Hòa Bình thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Ảnh: P.V
Rời đền Bờ, chúng tôi lần lượt ghé vào các điểm du lịch khác. Từ đảo Ngọc đến đảo Bạn Bè, từ thác Giăng đến vịnh Suối Hoa... Những danh lam thắng cảnh đẹp như trong cõi mơ tạo nên một quần thể du lịch phong phú làm say lòng bất kể du khách khó tính nhất. Mỗi điểm đến lại cho tôi một trải nghiệm khác biệt. Quên cả gió lạnh. Quên cả ướt át như có như không của cơn mưa phùn. Chiều buông xuống rất nhanh. Gió sông khiến cái lạnh chiều cuối đông càng thêm se sắt. Tôi ngồi tựa mạn thuyền để nghe rõ hơn tiếng sóng vỗ ì oạp. Thoảng hoặc bên tai tiếng cười nói của người dân vạn chài. Tết sắp đến, hình như vì thế mà tiếng cười của họ trong trẻo hơn? Bất giác, tôi lắng nghe được hình như mùa mùa xuân đang đến trong tiếng cười trong veo của họ…
Thu Trang
(HBĐT) - Tạm xa những lo toan, bộn bề của cuộc sống đời thường, chúng tôi có mặt tại chùa Hoà Bình Phật Quang Tự vào một ngày cuối năm. Khác với những ngày rằm, mồng một, quang cảnh chùa vắng vẻ, tĩnh lặng hơn. Thắp nén nhang thơm, chắp tay trước đức Phật cầu mong cho gia đình, người thân luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn phát tài. Bất kỳ ai đứng trước đức Phật đều trang nghiêm, thanh tịnh, cảm thấy tâm hồn tĩnh tại, hướng đến điều thiện.
(HBĐT) - Ngày 13/2 (ngày mồng 4 Tết), huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ khai hội Chùa Tiên xã Phú Lão năm 2013. Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện Lạc Thủy, xã Phú Lão; lãnh đạo một số huyện trong, ngoài tỉnh và đông đảo phật tử, du khách thập phương. Về phía Giáo Hội Phật giáo có đại đức Thích Đức Nguyên, UV Hội đồng trị sự T.Ư Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hòa Bình.
(HBĐT) - Đã 3 mùa hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc trên khắp các bản làng của huyện vùng cao Mai Châu cũng là 3 năm chúng tôi chọn chuyến du xuân đầu tiên là đến với lễ hội Xên bản, Xên mường của đồng bào dân tộc Thái để được đắm mình vào các hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mà ở đó không thể thiếu màn keeng loóng rộn rã lòng người của các cô gái Thái duyên dáng, nết na như mời gọi du khách hãy nhớ, hãy thương một miền sơn cước thanh bình, tươi đẹp.
(HBĐT) - Khi người Kinh sửa soạn cúng ông Công, ông Táo là lúc người Mường, (xã Yên Trung, Thạch Thất - Hà Nội) háo hức đi chợ phiên, say mê đánh cồng chiêng, mời ông bà, tổ tiên về đón Tết. Xuân về, trên những con đường men chân núi, người Mường khắp 7 thôn rộn ràng đi chợ. Người gánh gồng, người thồ xe, người đi bộ, tiếng cười nói dội vào vách núi vang lên lanh lảnh. Thấm thoắt đã tròn 4 năm trở thành công dân thủ đô nhưng người Mường xã Yên Trung vẫn giữ nguyên những nét văn hóa độc đáo trong ngày Tết...
(HBĐT) - Năm hết, tết đến - đó là câu nói mà tôi nghe được lần đầu từ miệng bố tôi, sau cái thở dài của ông, với tâm trạng lo lắng trước bao việc cần làm và những nhu cầu mua sắm cho ngày tết đã cận kề. Chồng đi cày, vợ đi cấy, con cái đông lại đang tuổi ăn học. Đó cũng là gia cảnh chung của nhiều gia đình trong cái làng Mường nhỏ bé bên sông Đà này.
(HBĐT) - Mỗi độ hoa đào đua nhau khoe sắc, cánh én chao nghiêng giữa bầu trời xanh cũng là lúc mùa xuân đã về, năm mới đã sang và khắp các làng quê của xã Yên Trị (Yên Thủy) lại náo nức vào mùa trẩy hội - lễ hội chùa Hang. Có lẽ hiếm nơi nào lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa kỳ vĩ và cũng thật độc đáo như chùa Hang - Hang Chùa mà cổ nhân gọi tên Văn Quang Động. Bởi lẽ chùa được xây dựng trong hang động núi non hùng vĩ, nhũ đá rêu phong tạo sự tôn nghiêm mà không kém phần nên thơ, huyền ảo.