Với tinh thần “Chơi cờ trí tuệ - sức khỏe - vui vẻ - đoàn kết”, CLB cờ tướng (CLB hưu trí thành phố Hòa Bình) luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia.
(HBĐT) - Đã thành thông lệ, mỗi độ Tết đến, xuân về hoặc trong các dịp lễ hội, đình đám, người Việt Nam thường tổ chức các trò vui chơi truyền thống như đánh đu, chọi gà, đấu vật, đánh cờ. Đây cũng là dịp để mọi người tụ họp, tận hưởng không khí vui vẻ đầu năm. Trong đó, cờ tướng là thú chơi tao nhã, thu hút nhiều người tham gia, không kể địa vị chức sắc giàu sang, nghèo hèn hay người nông dân chân lấm tay bùn đều bình đẳng trước những ván cờ.
Có thể đoán biết được phần nào tính cách của người chơi
Chơi cờ tướng là một cuộc chơi lành mạnh, là cuộc đấu trí bình đẳng giữa hai bên, khi bắt đầu chơi, mỗi bên đều có 16 quân, thể hiện sự ngang bằng về thế lực. Việc phân thắng, bại đều do tài trí, trình độ của người chơi, chứ không có yếu tố đỏ đen, may rủi. Theo luật chơi, hai bên bình đẳng về số quân nhưng ngoại lệ cũng có những trường hợp người nọ “chấp” người kia bằng cách tự bỏ bớt quân của mình (thường là xe, pháo hoặc mã), cũng có thể là “chấp” nước đi ngay từ lúc bắt đầu khai cuộc. Như vậy là họ tự thể hiện đẳng cấp của mình về tài trí trên bàn cờ nếu như kết thúc giành được phần thắng.
Những người sành cờ và có đầu óc quan sát tinh tế sẽ nhìn nhận, phán đoán được tính cách người chơi như nhìn chữ viết để đoán nét người. Thông thường, người nóng nảy thì hay hiếu thắng, vội vàng hấp tấp, thích tấn công ngay từ khi khai cuộc. Người linh hoạt thì tính toán kỹ lưỡng, xử lý tình huống nhanh gọn, quyết đoán, luôn có những nước cờ hay, sáng tạo, đôi khi còn dùng mẹo để dụ đối phương hoặc tấn công khi họ có sơ hở... Với người quân tử thì không bao giờ chiếu tướng quá 3 lần và không dùng quân xe để chiếu hậu vì như vậy là đánh sau lưng, chẳng hay ho gì.
Cờ tướng là môn thể thao phát triển mạnh những năm gần đây. Hiện hầu hết các phường, xã trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Hòa Bình nói riêng đều có kỳ thủ, một số nơi đã thành lập CLB, còn lại phần lớn là người chơi tự phát ở các quán cà phê, quán nước hoặc vỉa hè... Tôi có một lần vinh dự được chơi cờ với một cụ già trong khi chờ cắt tóc. Thấy tôi nhìn chăm chú, cụ hỏi: Cháu có vẻ thích cờ, lại đây chơi với bác một ván. Tôi không ngần ngại vì đã từng chơi hồi ở quê. Ông nhường tôi đi trước, ngay lập tức tôi nhảy pháo vào giữa dưới quân tốt. Vừa tính nước cờ ông vừa phân tích đó là thế cờ tấn công cho thấy người thích tấn công là người có cá tính mạnh mẽ và hiếu thắng, hơi thiếu kiên nhẫn, thà mất quân chứ không để đối phương khống chế, như vậy dễ bị thất thủ chỉ vì quá nôn nóng. Ông bảo, cháu cần bình tĩnh trước mọi tình huống và tập suy nghĩ thật nhanh nhưng chín mới hành động. Ván cờ thứ hai tôi chọn thế phòng thủ, ông nói: Đó không phải là tính cách của cháu nhưng trước đối thủ mạnh mà mình thì bị động nên phải biết nhún nhường, tìm cách phòng rồi nhân lúc họ sơ hở hãy tấn công giành thế chủ động. Tôi như được thức tỉnh trước câu phán của ông, trong lòng thầm thán phục bậc tiền bối. Hóa ra tính cách mỗi người còn bị bộc lộ trên bàn cờ dù có cố che giấu chăng nữa. Mải chơi cờ, tôi đã quên việc cắt tóc mà vẫn còn tiếc nuối ra về. Nhưng trong lòng thì ngẫm ngợi và phấn chấn lạ kỳ.
Chiều hôm sau, khi hết giờ làm việc tôi lại nấn ná đến tìm ông cụ để chơi cờ. Ông thường để tôi đi trước, khi thấy nước cờ của tôi không chặn nổi bước tiến công của ông. Ông bắt đầu cảnh báo tôi về ý đồ mỗi nước cờ của ông để tôi đưa ra đối sách. Khi tôi nói ra kế sách đối ứng của mình, ông liền biểu diễn cho tôi xem và phân tích những ưu nhược điểm của nước cờ đó và cuối cùng tổng kết ra một nước cờ hay nhất. Trong lúc chơi, ông vừa say sưa giảng giải, khuôn mặt biểu lộ sự hào hứng đến khó tả. Một tuần sau, không hiểu ông nhường tôi hay do tay nghề của tôi đã tiến bộ vượt bậc mà có lúc tôi thắng ông đến hai ván. Cảm giác hạnh phúc sau khi giành được chiến thắng đã mang lại cho tôi cảm hứng sâu sắc đối với môn giải trí này, thậm chí có lúc đi ngủ mà tôi vẫn còn suy tính mơ thấy từng nước cờ. Có lần, để tìm ra nước cờ mới đối phó với ông, ban ngày, lúc nào rảnh là tôi lại tìm sách về cờ tướng để nghiên cứu. Cứ như vậy, việc chơi cờ sau mỗi ngày làm việc đã trở thành niềm vui trong cuộc sống của tôi.
Ván cờ đầu năm
Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 2 Tết, tất cả con cháu trong gia đình tôi lại về quê xum họp bên nhau. Sau bữa cơm, cả nhà ngồi uống trà, ông chú rể quay sang hỏi tôi: Sức cờ của cháu sao rồi, chú mới mua bàn cờ hôm 29 Tết, 2 chú cháu đánh chơi ván cờ khai xuân cho vui. Bàn cờ được bày ra. Mọi người trong gia đình đều ủng hộ tôi, xúm xít quanh bàn cờ cùng bàn tán, chờ đợi kết quả. Tất cả đều như tập trung vào cuộc đọ sức ly kỳ trên bàn cờ. Ông chú rể trở thành một chiến sĩ cô đơn nhưng tôi có thể đọc thấy sự quyết tâm của ông hiện rõ trên nét mặt. Phải công nhận là nước cờ của ông thật lão luyện. Không nước nào thừa, không nước nào lầm lỡ. Quân ông tiến nhanh như vũ bão giành thế chủ động. Quân cờ ông vùng vẫy ngang dọc vây chặt cung cấm của tôi với sự phối hợp tinh diệu của các cánh quân lạnh lùng, vô cảm. Vừa đánh ông vừa hô to tên những thế cờ y như người ta hô khẩu lệnh để điều binh ngoài trận địa. Điều này sẽ bất lợi cho ông nếu tôi cũng sành về cờ thế và binh pháp. Nhưng ông biết rõ tôi chẳng am tường gì về nó cả nên ông dùng nó để áp đảo tinh thần tôi, vừa để chứng tỏ ông đánh có bài bản, có kỹ thuật chứ không đánh một cách tài tử, lơ mơ như tôi. Tôi chẳng biết là mình đã bày những thế trận gì. Có lẽ trong sách cờ thế không có tên gọi cho các nước cờ của tôi. Tùy theo thế tấn công của ông mà tôi thủ, tùy theo chỗ hở của ông mà tôi phản công. Tôi đánh trong thế bị động, ứng biến. Cờ ông cao thì tôi cao theo, cờ ông thấp thì tôi thấp theo. Vì thế, cả ông lẫn tôi đều không ngờ là đôi lúc tôi lại có những nước cờ kỳ quặc, lạ lùng nhưng uyển chuyển và không kém phần bí hiểm. Tôi sực nhận ra rằng trước đây cụ già nơi tôi chờ cắt tóc đã từng đem chiêu thức này để đánh với tôi. Sự khám phá đó làm tôi thích thú, hứng khởi và chính cái hứng khởi này đã lấn áp ý niệm hơn thua trong tôi. Không để thế bị động, tôi bất ngờ xua quân ào ạt, tạo mũi tiến quân nhọn hoắt như dao găm, chọc thủng mọi thành trì, phá tan quân cấm vệ, xông vào bắt tướng, tôi đã thắng.
Ngay chiều hôm đó, sau khi đi chúc Tết anh em họ hàng, về đến nhà tôi vội vàng tìm cụ già chơi cờ để kể về thành tích của mình mà không thấy, chỉ có nhóm thanh niên, trung niên đang trầm ngâm bên ván cờ. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, vì gặp ông mà tôi đã học chơi cờ. Thật may mắn là qua ông, tôi không những biết chơi cờ mà còn tạo cho mình một niềm vui, một kênh giải trí đầy hữu ích.
Nhân đây cũng cần phải nói thêm rằng, có lúc, có nơi thú chơi cờ đã bị biến tướng để trở thành những cuộc sát phạt, ăn chặn lẫn nhau. Khi ấy thì “cờ” thường gắn liền với “bạc”, trở thành tệ nạn xã hội, làm tan cửa, nát nhà. Mặc dù điều ấy chỉ xảy ra với một bộ phận nhỏ trong xã hội, nhưng người viết bài này muốn gửi lời nhắn nhủ tới ai đó đừng vì ham mê hoặc lạm dụng cờ mà đi đến cá cược, ăn chặn của nhau sẽ làm cho ngày Tết mất đi phần vui vẻ.
Hoàng Huy
(HBĐT) - Chúng tôi đến Đà Lạt đúng vào dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival Đà Lạt với ba sự kiện văn hóa lớn, đó là công bố năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, đặc biệt là Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5.
(HBĐT) - Mỗi dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 lễ hội được tổ chức, trong đó có 2 lễ hội quy mô cấp huyện, 17 lễ hội cấp xã và 21 lễ hội do các làng, bản tổ chức. Bên cạnh việc lễ hội tỉnh ta ngày càng được tổ chức quy mô, rầm rộ, màu sắc, phía sau sự hoành tráng vẫn còn đó những mảng màu tối đáng quan tâm.
(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, người Tày ở huyện Đà Bắc lại tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới. Đây là lễ cúng truyền thống quan trọng nhất đối với mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Tày với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.
(HBĐT) - Cô gái có cái tên rất đẹp: Hồng Nga cùng tôi đứng rất lâu ngắm nhìn thành phố Hoà Bình lung linh trong ánh điện. Chiếc khăn trong tay Nga đã ướt vì những giọt nước mắt xúc động, song mùi nước hoa sang trọng xứ trời âu vẫn phảng phất đâu đây. Giọng Hồng Nga như quánh lại:
(HBĐT) - Năm hết, Tết đến - đó là điệp khúc bao đời nay của dân tộc ta, mỗi người dân đều phải lo - nghĩ tới, nhất là người có tuổi, chủ gia đình, chủ cơ quan, doanh nghiệp... Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo ngày nghỉ tết Giáp Ngọ cho cả nước trong phiên họp Chính phủ vừa qua đó sao!
(HBĐT) - Hội đu Vôi ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) là lễ hội cầu mùa của người dân trong xã cầu mong thần linh phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi và cho nam, nữ trong Mường, ngoài xứ có dịp gặp nhau tìm hiểu giao duyên.