Bánh được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất.
(HBĐT) - Cứ độ hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, sương núi giăng đầy khắp bản cũng là lúc xuân về trên các bản Mông. Bà con người Mông ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu) thường đón Tết sớm hơn dưới xuôi độ một tháng. Gác công việc bận rộn thường ngày ngược Thung Khe lên Pà Cò để đón Tết là thú vui của nhiều người.
Cảm nhận đầu tiên là phiên chợ vùng cao. Những thiếu nữ Mông mặc váy, áo mới màu sắc sặc sỡ đổ về chợ phiên Pà Cò. Chợ bày bán đủ thứ nhưng nhiều nhất vẫn là những sạp hàng thổ cẩm, hàng tiêu dùng. Gặp anh Phàng A Thông ở bản Cang, xã Pà Cò trên chiếc xe máy còn rất mới anh kể: Ngày trước mình ở trên cao khó khăn lắm, mấy năm nay được Nhà nước hỗ trợ, gia đình mình chuyển về bản Cang ở. Có đất, có nhà, có điện, nước, có trường con đi học, mình vui lắm. Năm nay, được mùa ngô, mua được xe máy nó chở xuống chợ mua sắm đồ cho ngày Tết. Không chỉ nhà mình mà nhiều nhà trong bản cũng được mùa, đi sắm tết nhiều lắm.
Len lỏi giữa dòng người đông nghịt, chúng tôi ngắm nhìn các mặt hàng rực rỡ màu sắc, phong phú về chủng loại từ quần áo, khăn mũ đến thực phẩm, đồ gia dụng... Ngồi bán hàng thổ cẩm, chị Vàng Thị Tứ khoe: “Vừa mới mở hàng mà mình đã bán gần hết. Những chiếc túi, khăn, áo, váy thổ cẩm của gia đình dệt đấy. Bán hết số hàng này, mình sẽ mua một số thức ăn ngày Tết cho cả nhà”. Nhộn nhịp một góc chợ là gian hàng bán đồ điện tử. Ngồi bán hàng điện tử, ông Sùng A Lử tươi cười bảo: “Bây giờ người Mông đã biết làm kinh tế để giàu lên và họ đã mua được xe máy, điện thoại di động. Các chàng trai Pà Cò giờ không còn phải dắt ngựa như ngày xưa mà họ đã đi bằng xe máy rồi”.
Anh Sùng A Sa ở xóm Trà Đáy, xã Pà Cò kể: Việc đầu tiên cần làm cho năm mới là thu dọn nông cụ, dán lên đó những lá bùa truyền thống để đặt thờ trong suốt dịp Tết. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, khổ chủ sẽ giết lợn, mổ gà, lấy máu và lông bôi lên bùa chính trên bàn thờ để đón năm mới. Bánh dày là thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết ở bản Mông. Mỗi gia đình đều đặt thờ 3, 6 hoặc 9 chiếc tùy từng dòng họ. Bánh có thể để trong 3 tháng, khi có khách sẽ rán lên để thết đãi. Bánh dày là đặc sản của bà con người Mông mỗi dịp Tết đến. Bánh được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất. Những người tham gia giã bánh dày thường là những người đàn ông khoẻ mạnh. Họ tập hợp thành một nhóm khoảng chục người thay nhau giã. Giã hết nhà này rồi lại đi nhà khác tạo nên một không khí Tết vui nhộn, ấm cúng. Những người phụ nữ Mông cũng tham gia phụ giúp nam giới giã bánh. Trong khi đó món bánh này lại đòi hỏi phải giã khi xôi nóng vừa xới ra khỏi chõ, giã liên tục không được để cho bánh nguội. Tiếng chày giã xuống phải mạnh đến mức xuyên qua độ dẻo của bánh đến nền cối gỗ mới đạt. Song ấn tượng nhất đối với mỗi du khách đó là khi chiếc bánh đang cứng như đá (vì giá lạnh), đem rán hoặc nướng trên than củi sẽ trở nên mềm dẻo và thơm ngon. Trong lạnh giá, được ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức vị thơm, dẻo của món bánh dày, cảm nhận những nét văn hoá rất riêng của những con người bản Mông. Với người phụ nữ Mông, những ngày Tết là dịp họ được nghỉ ngơi và ăn mặc đẹp nhất. Tết đến, xuân sang, người phụ nữ Mông nào cũng có một bộ váy mới do chính tay mình làm ra. Để có được bộ váy, họ phải dồn công sức cả năm. Từ trồng, đập vỏ cây lanh, se thành sợi dệt vải đến phết sáp ong, tạo hoa văn, thêu thùa... Nhìn chiếc váy là biết người phụ nữ Mông cần cù, chịu thương, chịu khó, khéo léo đến đâu.
Vui và náo nhiệt nhất là những ngày Tết chính được cùng người Mông chơi các trò chơi dân gian như ném pao, đánh quay... Từ rất sớm, người già, trẻ nhỏ, đông nhất là đám thanh niên đã tập trung ở bãi đất rộng của bản, đàn ông đánh quay, con gái ném pao còn trẻ con chơi chọi quay. âm thanh của ngày hội bản Mông quyện với tiếng khèn vọng vào núi đá. Đâu đó, ta dễ dàng bắt gặp ánh mắt tình tứ của những đôi trai, gái trao nhau. Bây giờ trai gái Mông vẫn hát tỏ tình, vẫn thổi khèn, thổi sáo, vẫn ném pao... Có điều họ không chỉ hát như khi xưa vẫn hát: “Anh ném pao, em không bắt /Em không yêu, quả pao rơi rồi...”.
Việt Lâm
(HBĐT) - “Chơi chim - thú chơi bậc quân vương giờ đã thành trào lưu, thu hút ngày càng đông đảo người dân trong tỉnh. Dân chơi chim, miệt mài theo đuổi dáng hình chim. Đâu có chim hay, chim tốt tìm đến bằng được, chí ít là để ngắm, để nhìn. Một ngày không thấy chim, nghe chim hót trống trải vô cùng. Chim ốm, người ốm, chim bỏ ăn, lông chim sơ xác mà đau lòng. Chọi chim thắng lòng lâng lâng sảng khoái cả tháng trời. Thua - chim mình kém chim bạn, nhìn chim tổn thương mà day dứt khôn nguôi, những mong ngày rèn luyện phục thù. Chơi chim tính cách phải có chút lãng tử, hào hoa, tinh tế, biết thẩm trà, thẩm rượu, biết chút thơ ca, đem tình yêu thương chăm chút cho chim. Người cục mịch, không vượng khí, bon chen, toan tính thiệt hơn, chắc hẳn chim chẳng ưa. Cố gắng, nuôi mãi, vực mãi chim chẳng lớn, hót chẳng thanh, lông chẳng bóng, không quyến rũ được chim cái và hiển nhiên đừng có mơ tới chim đẹp, chim hay. Chơi chim tốn tiền, tốn của, tốn thời gian không phải ai cũng theo được nên nhiều người thích, yêu, chỉ đến thấy chim thôi”.
(HBĐT) - Tối 18/2 (tức 30 Tết), tại Cung văn hóa tỉnh, Sở VH, TT&DL phối hợp với Công an tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Chương trình Nghệ thuật Sắc xuân 2015.
(HBĐT) - Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách đến với tỉnh ta. Du lịch cộng đồng phát triển dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để khám phá cảnh sắc thiên nhiên, tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau. Nhiều du khách nói, đến Hoà Bình nên đến vào mùa xuân khi dọc các sườn núi hoa mận, hoa đào khoe sắc thắm. Đến các bản làng để khám phá nền văn hoá độc đáo giàu bản sắc của các dân tộc nơi đây.
(HBĐT) - Xuân mới đã cận kề. Phố phường được trang hoàng lộng lẫy. Mưa xuân lất phất, vương tóc người thiếu nữ dạo bước trên những con phố trăng đèn, thảm hoa rực rỡ. Nhà nhà tất bật chuẩn bị đón xuân. Không khí xuân đã tràn về trong lòng người, trong ánh mắt nụ cười hân hoan. Trên dòng sông Đà thơ mộng lung linh điện sáng, người người cùng ước vọng tới mùa xuân hạnh phúc, tự hào là công dân thành phố Hòa Bình. Tự hào chứng kiến, thành phố trẻ đang chuyển mình cùng mùa xuân đất nước, khẳng định là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa của tỉnh đang chuẩn bị hành trang xây dựng thành phố mang bản sắc độc đáo, là trung tâm đô thị cửa ngõ vùng Tây Bắc.
(HBĐT) - Cây mía được trồng bằng ngọn và các đốt. Trong tự nhiên, khi bị đổ, cây rạp xuống đất, trên các đốt sản sinh ra một chồi khác, rễ từ quanh đốt mọc ra, ăn xuống đất, từ đây một cây mía khác lại mọc lên. Ngay cả khi cây đang lớn nếu không chăm sóc, bóc bẹ già, từ các đốt mía lại mọc ra các chồi non đâm ngang ngay trên thân cây mẹ.
(HBĐT) - Cuối tháng 11, theo lời mời của Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào, đoàn công tác của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam mà thành viên đa phần là các nhà báo đã có một tuần làm việc trên đất nước bạn. Nơi ấy, ấn tượng sâu đậm nhất là văn hóa Lào, tình hữu nghị sâu sắc thủy chung Việt - Lào.