Xe tăng tại thủ đô Manama của Bahrain
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc giục các nước Trung Đông tăng trợ giúp cho người nghèo nhằm tránh bất ổn xã hội có thể khiến chính phủ sụp đổ.
Ông Masood Ahmed, Giám đốc IMF khu vực Trung Đông, khẳng định làn sóng biểu tình lật đổ tổng thống ở Ai Cập và Tunisia và đang lan rộng ra nhiều nước khác đã làm nổi rõ việc các chính phủ phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế phục vụ lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân chứ không chỉ một nhóm người trong xã hội. “Làn sóng nổi dậy chứng tỏ tính cấp thiết phải bảo đảm tăng trưởng toàn diện và quản lý hiệu quả nguồn vốn xã hội”, AFP dẫn lời ông Ahmed nói.
Những người biểu tình tại các nước Ả Rập tuyên bố mục đích của họ là “lật đổ các chính phủ độc tài”, nhưng các cuộc nổi dậy ban đầu đều xuất phát từ tình trạng giá cả tăng cao, thất nghiệp tràn lan và đời sống khó khăn. Tình hình Ai Cập và Tunisia hiện vẫn khá căng thẳng khi hàng ngàn người liên tục biểu tình, đình công đòi cải thiện đời sống dù các tổng thống Zine al Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak đã ra đi từ lâu.
Rút kinh nghiệm trước các bài học nhãn tiền vừa qua, Chính phủ Iraq đã tạm hoãn kế hoạch mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tập trung cứu trợ dân nghèo. AFP hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali Dabbagh và thành viên Ủy ban Tài chính Quốc hội Mohammed Khalil xác nhận khoản ngân sách 900 triệu USD đã được chuyển sang dùng để tăng cường khẩu phần lương thực và phúc lợi xã hội cho người nghèo. Trước đó, Thủ tướng Nuri al-Maliki tuyên bố sẽ tăng tiền hỗ trợ lương thực cho người dân Iraq từ 3 tỉ USD lên 4 tỉ USD.
Trong khi đó, bất ổn vẫn đang tiếp diễn tại nhiều nước. Theo AP, cảnh sát Bahrain hôm qua bất ngờ đột kích khu trại của người biểu tình ở Quảng trường Ngọc trai tại thủ đô Manama. Cuộc đụng độ khiến 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương. Như vậy, tính đến nay đã có 6 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở nước này. Quân đội Bahrain hôm qua triển khai xe tăng tới Manama và tuyên bố sẵn sàng ra tay tái lập trật tự. Tại Libya, ít nhất 4 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình phản đối lãnh đạo Muammar Gaddafi với lực lượng an ninh. Ở Yemen, ít nhất 25 người bị thương do bạo lực giữa 2 phe chống và ủng hộ chính quyền của Tổng thống Ali Abdullah Saleh.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập hôm qua cho biết kế hoạch đi qua kênh đào Suez của 2 tàu chiến Iran đã bị hủy bỏ. Trước đó, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman gọi kế hoạch trên là “một sự khiêu khích”. Diễn biến này giúp Hội đồng tối cao Các lực lượng vũ trang Ai Cập, đang điều hành đất nước sau khi Tổng thống Mubarak từ chức, tránh một cuộc tranh cãi ngoại giao do nước này có hiệp ước hòa bình với Israel, đối thủ “không đội trời chung” của Iran.
Theo Báo Thanhnien
Dự thảo ngân sách năm 2012 được Tổng thống Barack Obama trình Quốc hội hôm 14/2 (theo giờ địa phương) không những thu hút sự quan tâm của người dân Mỹ, mà còn của nhiều quốc gia cũng như giới chuyên môn bởi những nguyên nhân khác nhau.
Ngày 15-2, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) phát đi thông điệp kêu gọi Thái Lan và Campuchia đình chiến vĩnh viễn, một xung đột lại xảy ra gần tỉnh Sisaket, Thái Lan làm năm binh sĩ nước này bị thương.
Sau Tunisia, Ai Cập, làn gió ngược đang ngày càng mạnh lên tại Yemen, Algeria và cả quốc gia nhỏ bé nhất vùng Vịnh là Bahrain với các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng. Những biến động nhanh chóng đến bất ngờ từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang gửi tới Tổng thống mãn nhiệm Côte d'Ivoire Laurent Gbagbo lời cảnh báo khi dấu hiệu của các cuộc biểu tình mới đã ló dạng ở thủ đô Abidjan.
Thủy thủ đoàn 16 người, trong đó có 12 người Việt và 4 người Myanmar, trên một tàu hàng Việt Nam kẹt ngoài khơi cảng Chennai của Ấn Độ từ tháng 12.2010 đang thiếu thực phẩm và phải phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp.
Tòa án sơ thẩm tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei hôm 14.2 tuyên phạt từ 3 đến 5 tháng tù giam đối với 9 ngư dân Việt Nam với tội danh đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này.
Hãng AFP ngày 14/2 dẫn nguồn tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết các chính đảng Hàn Quốc đã nhận được thư đề nghị của Triều Tiên về tổ chức hội đàm giữa các nghị sỹ quốc hội hai nước nhằm làm dịu căng thẳng. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc chưa đưa ra ý kiến có đồng ý tiến hành cuộc hội đàm hay không.