Những bất ổn tiếp tục gây lo ngại cho công đồng quốc tế
Trong tuần qua, những diễn biến tại khu vực Bắc Phi, Trung Đông cũng như căng thẳng gần ngôi đền cổ Preah Vihear ở vùng biên giới Campuchia, Thái Lan đã gây nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập không chỉ tác động tới chính trường nước này mà có thể tạo ra những thay đổi khó lường trong thế giới Arập. Trong tuần, các cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra tại nhiều nước khác trong khu vực như Algeria, Jordan, Yemen và Liban.
Dư luận lo ngại những biến động trên chính trường Ai Cập sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt. Ai Cập vốn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Israel - Palestin nên những gì diễn ra tại nước này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình hòa bình nói trên.
Tình trạng bất ổn chính trị hiện nay tại Trung Đông không những được coi là một khó khăn địa chính trị rất lớn đối với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, mà còn đe dọa sự lệ thuộc vào nguồn dầu ở vùng Vịnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á.
Những gì đã xảy ra tại Tunisia, Ai Cập đã khiến nhiều nước phải nhìn nhận lại tình hình trong nước và đưa ra những giải pháp mới.
Tunisia dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ ngày 15/2 (tuy vẫn kéo dài tình trạng khẩn cấp). Bộ trưởng Nội vụ Jordan cho biết nước này dự kiến sẽ dỡ bỏ những hạn chế về hoạt động tụ tập nơi công cộng, cho phép các cuộc biểu tình diễn ra mà không cần xin phép. Thủ tướng Algeria Ahmed Ouyahia ngày 16/2 tuyên bố nước này sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng suốt 19 năm qua trước cuối tháng 2. Chính phủ Maroc ngày 15/2 thông báo đã quyết định tăng gần gấp 2 lần các khoản tiền trong ngân sách năm 2011 được phân bổ cho quỹ trợ cấp nhằm đối phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng thế giới leo thang...
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, cuộc tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan tại khu vực đền Preah Vihear, mặc dù được các nước ASEAN và quốc tế kêu gọi hai bên tìm các giải pháp giải quyết nhưng vẫn chưa đạt được mong muốn.
Ngày 17/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đề nghị ký với Thái Lan một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn, gồm 4 điểm: Chấm dứt vĩnh viễn các cuộc đấu súng; không điều động quân đội vào thời điểm này và giữ nguyên trạng lực lượng vũ trang triển khai hiện nay ở khu vực biên giới tranh chấp trong khi chờ tìm một giải pháp cho việc đo đạc và phân định biên giới; khuyến khích đàm phán giữa chỉ huy quân đội hai nước; Campuchia sẽ yêu cầu ASEAN giúp đỡ giám sát để đảm bảo tính hiệu lực của việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn nói trên.
Thủ tướng Hun Sen tái khẳng định lập trường của Campuchia là sử dụng đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp biên giới với Thái Lan.
Tuy nhiên, ngày 18/2, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã lên tiếng bác bỏ đề nghị 4 điểm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc hai nước ký kết một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài trước sự chứng kiến của ASEAN.
Theo ông Abhisit, Thái Lan và Campuchia phải đàm phán với nhau để giải quyết vấn đề và ASEAN có thể hành động với vai trò người hỗ trợ chứ không thể đóng vai trò là người can dự vào những vấn đề được đàm phán giữa hai nước.
Liên quan đến các vấn đề kinh tế, trong tuần qua, nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực đã hiển hiện, đe dọa cả thế giới và khuyến nghị cần có các giải pháp sớm để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.
Các chuyên gia cho rằng giá hàng hóa tăng cao đang đe dọa nền kinh tế thế giới, nhiều loại hàng hóa đã tăng gần hoặc vượt mức đỉnh của năm 2008, và để chấm dứt khủng hoảng lương thực, nhóm các nước G20 cần thực hiện các cam kết của mình.
Bộ trưởng Tài chính các nước G 20 nhóm họp tại Pari ngày 18/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực trong bối cảnh nạn đói và bất ổn chính trị đang nổ ra ở các nước thiếu hụt lương thực ở châu Phi, Trung Đông.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa vấn đề an ninh lương thực là một trong những mục tiêu hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của nước này, nhưng đến nay G20 vẫn chưa đưa ra một giải pháp thuyết phục nào.
Theo ĐCS
Campuchia sẽ yêu cầu Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử quan sát viên đến giám sát lệnh ngừng bắn mong manh tại khu vực biên giới tranh chấp với Thái Lan.
Lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba kéo dài hơn nửa thế kỷ qua không hề làm cho cách mạng Cuba thất bại. Trong vô vàn khó khăn do cuộc bao vây cấm vận gây ra, Cuba vẫn vươn lên từ chính nội lực của mình cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè trên thế giới.
Dự thảo ngân sách năm 2012 được Tổng thống Barack Obama trình Quốc hội hôm 14/2 (theo giờ địa phương) không những thu hút sự quan tâm của người dân Mỹ, mà còn của nhiều quốc gia cũng như giới chuyên môn bởi những nguyên nhân khác nhau.
Ngày 15-2, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) phát đi thông điệp kêu gọi Thái Lan và Campuchia đình chiến vĩnh viễn, một xung đột lại xảy ra gần tỉnh Sisaket, Thái Lan làm năm binh sĩ nước này bị thương.
Sau Tunisia, Ai Cập, làn gió ngược đang ngày càng mạnh lên tại Yemen, Algeria và cả quốc gia nhỏ bé nhất vùng Vịnh là Bahrain với các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng. Những biến động nhanh chóng đến bất ngờ từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đang gửi tới Tổng thống mãn nhiệm Côte d'Ivoire Laurent Gbagbo lời cảnh báo khi dấu hiệu của các cuộc biểu tình mới đã ló dạng ở thủ đô Abidjan.
Thủy thủ đoàn 16 người, trong đó có 12 người Việt và 4 người Myanmar, trên một tàu hàng Việt Nam kẹt ngoài khơi cảng Chennai của Ấn Độ từ tháng 12.2010 đang thiếu thực phẩm và phải phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp.