Những năm qua, các trường học trên địa bàn xã Độc Lập (TP Hòa Bình) được ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Ngay từ đầu năm, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM lĩnh vực GD&ĐT năm 2023; hướng dẫn các phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các phòng GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023.
Thống kê đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 74/129 xã đạt tiêu chí số 5, đạt 57,3%; 212 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt 58,5% (mầm non 106/173 trường, chiếm 61,27%; tiểu học 11/11 trường, đạt 100%; THCS 10/12 trường, đạt 83,3%; TH&THCS 85/166 trường, đạt 51,2%).
Đối với kết quả thực hiện tiêu chí số 5 huyện NTM, ngành GD&ĐT đã rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng NTM của đơn vị. Đến nay, có 10/47 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, chiếm 21,3%. Đơn vị cấp huyện có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn chiếm trên 60% gồm: TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Yên Thủy.
Thực hiện tiêu chí số 14 về GD&ĐT, ngành tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng kế hoạch kiểm tra công nhận trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội và phụ huynh, gia đình học sinh, xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo quy định trường chuẩn.
Theo đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành đã tham mưu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, chung tay thực hiện chương trình xây dựng NTM. Phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp đối với công tác PCGD, xóa mù chữ (XMC). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc thực hiện PCGD, XMC. Tập trung chỉ đạo những đơn vị có tỷ lệ đạt chuẩn PCGD, XMC thấp. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, tạo phong trào toàn dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có PCGD, XMC.
Tích cực tham mưu thực hiện PCGD, phân luồng học sinh sau THCS. Phát triển mô hình vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề để thu hút và tạo điều kiện cho học sinh tham gia học tập. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các trường THPT.
Thống kê đến nay, trên địa bàn tỉnh số xã đạt tiêu chí 14 với chỉ tiêu 14.1, 14.2 gồm 128 xã, đạt 99,2%. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.
Cũng theo đồng chí Đinh Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới lĩnh vực GD&ĐT. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và các bậc phụ huynh học sinh về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu xây dựng NTM thông qua các hội nghị, hội thảo, website ngành GD&ĐT, các phương tiện truyền thông...
Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia. Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng đạt chuẩn PCGD, xóa mù chữ..., nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT và học trung cấp.
Hồng Trung