Sức hút của kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng lên khi số thí sinh đăng ký dự thi năm sau luôn vượt con số năm trước. Ngày 5/3, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết thúc thời hạn đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 (hết ngày 4/3) có 96.070 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 94.315 thí sinh xác nhận dự thi (hoàn tất đóng lệ phí). Đây là con số cao nhất kể từ năm 2018 khi lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức và vượt qua con số gần 90.000 thí sinh dự thi cùng kỳ năm ngoái.
Thí sinh chuẩn bị thi đánh giá năng lực tại điểm thi Đại học Bách khoa, Đại học học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (Quận 10) (ảnh tư liệu).
Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi cao nhất với hơn 31.400 thí sinh; tiếp đến là Đồng Nai với hơn 6.500 thí sinh; Bình Dương gần 4.000 thí sinh…
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi nhưng chưa nộp lệ phí vẫn không được phép dự thi. Những em chưa đóng lệ phí xác nhận dự thi còn thời gian để hoàn tất đến hết ngày 5/3. Trước ngày thi 1 tuần, thí sinh vào tài khoản đã đăng ký để xem và in phiếu báo dự thi để biết rõ về thời gian địa điểm thi.
Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 được tổ chức vào ngày 7/4 tại 24 tỉnh, thành phố. Cụ thể, cùng với 21 địa phương như năm trước (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu), năm nay kỳ thi mở rộng thêm 3 địa phương (Thừa Thiên Huế, Bình Phước và Tây Ninh). Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố vào đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 15/4. Đến nay, phương thức xét tuyển điểm thi từ kỳ thi này cũng được 105 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đăng ký sử dụng để tuyển sinh đầu vào năm 2024.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Thí sinh làm bài trong 150 phút, điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm.
Kỳ thi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong nhưng kỳ thi riêng có quy mô lớn nhất cả nước. Năm 2023, kỳ thi thu hút hơn 130.000 thí sinh dự thi ở cả hai đợt thi, trong đó có gần 60.000 em đạt điểm thi trên 600. Gần 100 trường đại học, cao đẳng trong cả nước sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển năm 2023.
Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Vì thế, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh nhằm tăng cơ hội trúng tuyển đại học ngay trong năm nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Theo Baotintuc.vn
Ngày 26/2, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Hoà Bình năm học 2023 -2024.
Học tập suốt đời là chuyện không của riêng ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp. Học không gói gọn tại trường lớp, có thể học bất cứ đâu và học bất cứ khi nào. Chúng ta có thể học thầy, học bạn, học từ những mô hình, cách làm hay để áp dụng cho gia đình, bản thân mình.
Những năm qua, xã Phú Cường (Tân Lạc) chú trọng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư nhằm phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, công tác giáo dục của xã có những chuyển biến tích cực.
Ngày 22/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung học Cơ sở tại các huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo thông tư, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học gồm 6 tiêu chuẩn, 20 tiêu chí. Các tiêu chí đánh giá được chốt số liệu vào ngày 31/12 của năm báo cáo và hoàn thiện chậm nhất vào 31/3 của năm liền kề.
Ngày 20/2, Sở GD&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Hòa Bình (VietinBank Hòa Bình) và Công ty cổ phần MISA tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác triển khai thu học phí và các khoản thu không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.