Thông thường, phụ huynh rất nóng ruột khi thấy con bị người khác bắt nạt nên một số đã đánh các học sinh bắt nạt con mình hay thúc giục con đánh trả. Những hành động này đều sai lầm

 

Việc em Nguyễn Ngọc Diệu Ý (học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) từ hơn 2 tháng qua bị một nhóm bạn học thường xuyên chặn đường, buộc đưa tiền, mỗi lần từ 5.000 đồng đến vài chục ngàn đồng (Báo NLĐ ngày 4-12 đã đưa tin) là một ví dụ cho tình trạng học sinh bị bắt nạt đang xảy ra hiện nay và là vấn đề rất đáng phải quan tâm.

 
Biểu hiện bất thường
 
Kinh nghiệm qua quá trình tư vấn cho chúng tôi thấy học sinh bị bắt nạt thường ít khi báo ngay với cha mẹ hay giáo viên vì mắc cỡ và sợ bị rầy la. Thực tế, nhiều phụ huynh và giáo viên khi nghe các cháu phản ánh việc bị bắt nạt đã có những câu nói đại loại như: “Con đã làm cái gì sai nên người ta mới đánh con?”, “Bao nhiêu bạn chung lớp không sao cả mà sao chỉ có con bị?”... Thậm chí có người còn có hành động nóng nảy, la mắng.
 
Nhìn chung, học sinh bị bắt nạt luôn có những biểu hiện khác thường. Chẳng hạn như thường tỏ ra ngần ngại khi đi học hay tham gia các hoạt động ngoại khóa. Một số không dám đi học thêm ở nhà giáo viên vì sợ sẽ gặp lại những bạn học bắt nạt hoặc sợ bị theo dõi trên đường; có em nằng nặc đòi chuyển trường, chuyển lớp, đột nhiên không chơi với bạn chung xóm hoặc chung lớp.
 
Ở trường, những trẻ bị bắt nạt đôi khi bỏ học một số tiết hoặc thường xin giáo viên ra ngoài trong giờ học với lý do đi vệ sinh, thường quên làm bài tập về nhà hay không chuẩn bị bài trước.
 
Các em cũng thường mất tập trung, hay nhìn ra bên ngoài khi giáo viên giảng bài và vì vậy kết quả học tập sút giảm rõ rệt. Một số em có biểu hiện không muốn cha mẹ  đưa đi học vì sợ cha mẹ phát hiện và sợ những người bạn bức hiếp sẽ cho rằng các em đã báo sự việc cho người lớn.
 
 
Cùng vui chơi, gần gũi với con là cách rất tốt để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Ảnh: TẤN THẠNH


Do tâm lý lo sợ thường xuyên nên các em hay bị bắt nạt thường sẽ rụt rè ở nơi đông người, hối hả đi vệ sinh ngay sau mỗi lần đi học về. Một số em thường ở trong phòng riêng của mình, thường viện ra các lý do khác nhau như đóng tiền trợ cấp bão lụt, quỹ lớp... để xin tiền, thậm chí ăn cắp tiền trong gia đình.
 
Đôi khi phụ huynh có thể thấy một số đồ đạc trong nhà bị mất mà không rõ nguyên nhân. Rất có thể trong những trường hợp ấy là do chính con của mình đã bị bạn dụ dỗ hoặc cưỡng ép lấy cắp.
 
Nếu để ý thì trong trường hợp này, phụ huynh có thể phát hiện một vài cuộc điện thoại gọi vào những giờ nghỉ trưa hoặc đêm khuya mà khi nghe giọng nói của mình thì người gọi điện lại tắt máy.
 

Chán ăn, giấc ngủ chập chờn vì lo sợ

Đối với trẻ nhỏ, khi bị bắt nạt thường xuyên, các em sẽ có dấu hiệu chán ăn và giấc ngủ chập chờn. Ở tuổi vị thành niên, những nam sinh hay bị bắt nạt thường bất ngờ tỏ ra rất nam tính một cách bất thường như đòi tập thể hình hay học võ, cố chỉnh sửa giọng nói. Một số em hay hỏi người lớn những câu hỏi vu vơ và thường cố tình tránh né các câu hỏi liên quan đến bạn bè trong lớp. Phụ huynh cũng có thể phát hiện các em thường hay nói rằng đã đánh mất hay để quên máy tính, viết, thước, nón...  ở một nơi nào đó.

Có em thường về nhà muộn mà lý do không rõ ràng, trong cặp đôi khi có những đồ vật khác thường có thể làm tổn thương người khác như cây sắt, dây, dao, kéo hay lưỡi lam.
 
Khuyến khích con nói ra sự thật
 
Trong trường hợp đã biết chính xác con bị bắt nạt, phụ huynh đừng nóng vội la mắng vì sẽ khiến các em sợ hãi và cô đơn thêm vì chính lúc này các em rất cần sự bảo vệ và che chở. Phụ huynh nên nói chuyện với con bằng thái độ bình tĩnh và tìm mọi cách để khuyến khích con nói ra sự thật.
 
Hãy động viên con rằng mọi việc đều có thể được giải quyết sớm. Đừng bao giờ nói rằng người lớn không có ý kiến gì về chuyện này cả, cho dù đó là những biểu hiện rất nhỏ của việc bắt nạt như chọc ghẹo tên của nhau.
 
Thông thường, phụ huynh rất nóng ruột khi thấy con bị người khác bắt nạt nên một số đã hành động thiếu sự cân nhắc như đánh các học sinh đã bắt nạt con mình, tìm đến nhà để “mắng vốn” hay thúc giục con đánh trả. Những hành động này đều sai lầm vì sẽ rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật và sẽ đẩy con vào trạng thái căng thẳng hơn.
 
Phụ huynh cũng cần ghi nhận cụ thể tất cả tình tiết, như việc con bị bức hiếp ở đâu, khi nào và do ai cầm đầu để báo lại với nhà trường. Không vội vã chuyển con sang lớp khác, trường khác hay cho con nghỉ học một vài ngày để tránh mặt các học sinh hay dọa nạt vì các em sẽ bị trêu chọc nhiều hơn khi quay trở lại trường.

Sớm phát hiện trẻ bị bắt nạt

Để sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng con em bị bắt nạt ở trường, phụ huynh cần thực hiện những điều sau đây:

 
- Thường xuyên liên lạc với nhà trường: Đặc biệt là  giáo viên chủ nhiệm và giám thị để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con tại trường, thậm chí cả khi các em không có biểu hiện gì khác lạ.
 
- Thường xuyên kiểm tra bài học: Cùng với đó là quan sát những thay đổi trong cuộc sống của con. Nếu phát hiện những dấu hiệu khác lạ, cần liên hệ ngay với nhà trường để phối hợp giải quyết.
 
- Thường xuyên đặt câu hỏi với con: Những câu hỏi đại loại như “Hôm nay con làm gì ở trường?”, “Con có làm được những gì con thích không?”, “Có phải con đã làm những chuyện gì mà con không thích?”, “Có mong ngày mai đi học nữa không?”, “Có muốn mời ai về nhà mình chơi không?”... Các em rất có thể nói dối hay từ chối trả lời nhưng nguyên tắc chung của cách đặt câu hỏi mở là tạo điều kiện cho các em nói ra những điều mà cha mẹ cần biết.
 
- Khuyến khích mời bạn thân về nhà: Có thể nhân dịp sinh nhật của con hoặc chỉ để học bài hay chơi chung một trò chơi nào đó. Thông qua đó, phụ huynh có thể hình dung các mối quan hệ của con ở trường.
 
- Khuyến khích con học thêm một số khóa học: Chẳng hạn như học đàn, học võ hay tham gia câu lạc bộ thể dục nhịp điệu... giúp các em tự tin hơn về chính bản thân và có cơ hội bộc lộ năng khiếu.
 
- Khuyến khích con chủ động báo tin: Phụ huynh cần khuyến khích con mạnh dạn báo ngay cho nhà trường, công an và gia đình khi bị bắt nạt hay thấy bạn bị hành hung; mạnh dạn báo cho người lớn biết về các tin nhắn có nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email...

 

                                                                                             Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

(HBĐT) - GD& ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đây chính là quan điểm xã hội hoá giáo dục, thể hiện trên hai mặt toàn dân học tập và toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, toàn dân làm giáo dục và xây dựng một xã hội học tập. Mọi người đều được học tập suốt đời, có sự phối hợp của nhiều ngành, cơ quan, đoàn thể cùng tham gia; tích cực đóng góp trí tuệ và nhân tài, vật lực cho GD&ĐT. Phát triển GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, đất nước.

Trường THCS Lý Tự Trọng: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(HBĐT) - Năm học vừa qua, thầy và trò trường THCS Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình) đã vượt qua khó khăn để nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.

Bộ GD-ĐT tăng cường siết chặt quản lý phôi bằng, chứng chỉ

Ngày 2/12, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về quy trình cấp phát Phôi văn bằng, chứng chỉ (VBCC). Theo đó, Phôi VBCC sẽ do Bộ trực tiếp chịu trách nhiệm sản xuất, dán tem, cấp phát, hủy, xử lý hồ sơ cấp phát phôi VBCC cho các cơ sở GD-ĐT.

Thức trắng để đăng ký môn học

Sinh viên nhiều trường ĐH phải “trực chiến” bên máy tính nhiều ngày liền chỉ để thực hiện được việc đăng ký học phần (môn học) qua mạng Internet.

Chưa trường ĐH nào dời khỏi nội thành

Chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành có từ năm 2007 nhưng đến thời điểm này thực tế triển khai gặp phải vô vàn khó khăn và không biết bao giờ mới thực hiện được.

341 tỷ đồng hỗ trợ giáo dục cho các dân tộc ít người

Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 với tổng dự toán kinh phí khoảng 341 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục