Một bậc học lẽ ra phải được sự đầu tư lớn trong hệ thống giáo dục lại bị buông lỏng khiến trẻ em ở lứa tuổi mầm non chịu nhiều thiệt thòi.
Đề án phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi khi đi vào thực tế đã khiến phụ huynh có con từ 4 tuổi trở xuống lao đao vì không có chỗ gửi con.
Trẻ 3, 4 tuổi: Tự lo
Năm học này, đề án phổ cập giáo dục mầm non được Chính phủ phê duyệt và triển khai. Theo đó, các trường công lập phải tiếp nhận tất cả trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Thế nhưng với thực tế trường lớp, giáo viên không thay đổi trong khi phải huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường, trẻ từ 4 tuổi trở xuống bỗng chốc bị đặt vào tình huống may rủi: nơi nào còn chỉ tiêu thì có chỗ học, nơi nào không còn chỗ thì bố mẹ muốn gửi đâu thì gửi.
Chị Minh Phương, nhà ở P.Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) tâm tư: “Tôi có cháu sinh năm 2007 nhưng năm nay lại không thuộc diện tuyển sinh của trường công lập đóng trên địa bàn phường. Nhà trường thông báo chỉ tuyển sinh trẻ 5 tuổi; trẻ 3, 4 tuổi nếu còn đủ chỉ tiêu mới nhận. Gia đình tôi không thể yên tâm ngồi chờ theo kiểu may rủi như vậy được nên đành phải tìm một trường tư thục để gửi con, chấp nhận mức học phí hơn 2 triệu đồng/tháng dù đó là một áp lực tài chính lớn so với đồng lương của chúng tôi”.
Với những phụ huynh ở phường, xã chưa có trường mầm non công lập nào thì nguyện vọng gửi con từ 4 tuổi trở xuống càng trở nên vô vọng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Ngô Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Đống Đa (Hà Nội) nhìn nhận: “Là một trong những quận thiếu trường mầm non nhiều nhất của thủ đô, năm nay quận lại càng khó khăn hơn khi số trẻ trong độ tuổi đến trường tăng gần 2.000 cháu so với năm học trước, nhưng chỗ học không tăng thêm”.
Phải chấp nhận một lượng trẻ từ 4 tuổi trở xuống vào trường tư thục và các nhóm trẻ gia đình dù cơ sở vật chất, chất lượng nơi đây chưa đảm bảo yêu cầu | |
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội |
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận: “Phải chấp nhận một lượng trẻ từ 4 tuổi trở xuống vào trường tư thục và các nhóm trẻ gia đình dù cơ sở vật chất, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu”.
Không riêng gì Hà Nội hay TP.HCM, ở năm học này, tại nhiều địa phương khác, tình cảnh phải “hy sinh” trẻ từ 4 tuổi trở xuống để ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non công lập khá phổ biến.
Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, khi trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này cũng thẳng thắn nói: “Điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên bậc học mầm non của tỉnh vốn đã khó khăn, nên năm học này chỉ đủ sức tập trung cho phổ cập trẻ 5 tuổi. Trẻ 3, 4 tuổi phải chấp nhận thiệt thòi khi không được học ở hệ thống trường công lập”.
Chính sách nửa vời
Nếu cứ vì phổ cập mẫu giáo 5 tuổi mà hy sinh trẻ 4 tuổi trở xuống thì cần phải xem lại cách làm này | |
Bà Đặng Huỳnh Mai Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT |
Đó là nhận xét của bà Đặng Huỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Bà Mai cho rằng: “Lẽ ra trước khi làm phổ cập phải kèm theo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên như các điều kiện bắt buộc. Nếu cứ vì phổ cập mẫu giáo 5 tuổi mà hy sinh trẻ từ 4 tuổi trở xuống thì cần phải xem lại cách làm này”.
Đồng quan điểm, GS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN khẳng định: “Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi là cần thiết, bây giờ mới làm là muộn nhưng đáng tiếc lại không có sự chuẩn bị chu đáo từ trước”. GS Nhĩ nói thêm: “Tôi rất lo ngại vì chúng ta chỉ lo phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi nhưng lại “quên” mất trẻ 3, 4 tuổi”.
Theo GS Nhĩ, hiện nay các địa phương mới đang tính đến việc cần xây thêm bao nhiêu trường, lớp học nữa; bao nhiêu giáo viên nữa để đạt được mục tiêu mà đề án phổ cập đặt ra. “Tôi đề nghị, phải tính cả quỹ đất, nguồn đào tạo giáo viên để phổ cập trẻ 3, 4 tuổi và bé hơn nữa, bởi đến khi có tiền làm phổ cập, xây trường thì lúc đó quỹ đất đã không còn nữa”.
Nói về việc trẻ 3, 4 tuổi phải nhường chỗ học trong trường công cho trẻ 5 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: “Phụ huynh có con ở độ tuổi nhà trẻ, 3, 4 tuổi cần chia sẻ và hỗ trợ lộ trình thực hiện chủ trương của Chính phủ, bởi phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi có chất lượng là quyền và nghĩa vụ của cộng đồng chứ không của riêng ngành nào, riêng ai” (?!).
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc học mầm non lại nói: “Trong đề án phổ cập trẻ 5 tuổi nêu rất rõ, huy động trẻ 5 tuổi đến trường nhưng vẫn phải duy trì, giữ vững sĩ số trẻ dưới 5 tuổi. Nhu cầu gửi trẻ là do bố mẹ lựa chọn. Những việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng trường lớp để đảm bảo nhu cầu gửi trẻ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương”!?
Theo Báo Thanhnien
Sinh viên nhiều trường ĐH phải “trực chiến” bên máy tính nhiều ngày liền chỉ để thực hiện được việc đăng ký học phần (môn học) qua mạng Internet.
Chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành có từ năm 2007 nhưng đến thời điểm này thực tế triển khai gặp phải vô vàn khó khăn và không biết bao giờ mới thực hiện được.
Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 với tổng dự toán kinh phí khoảng 341 tỷ đồng.
(HBĐT) - Năm học 2006 - 2007 là năm đầu tiên toàn ngành GD&ĐT thực hiện CVĐ “hai không”. Cô Nguyễn Kim Oanh, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Kỳ Sơn cho biết: Ngay từ khi mới phát động, nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tích cực hưởng ứng.
Để tuyển sinh đạt chất lượng và đảm bảo chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT sẽ sửa Quy chế tuyển sinh theo hướng xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo chất lượng và tăng quyền chủ động cho các trường trong việc xét tuyển.
Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành thông tư về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân