Trong các kì thi tốt nghiệp hoặc thi vào các trường ĐH, CĐ mấy năm gần đây chưa thấy xuất hiện “đề văn lạ”. Là chủ biên sách Làm văn cho bậc THPT sau năm 2000, bây giờ tôi mới thực sự thấy một “đề văn lạ” - đó là đề thi của Trường ĐH FPT.
Toàn văn đề thi: “Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã từng chia sẻ quan niệm của mình thông qua phát ngôn của nhân vật Kim Trọng về“chữ trinh”: “Xưa nay trong đạo đàn bà Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đổ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng như thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân. Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải phải giữ trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người phụ nữ còn trinh hay không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống.” |
Chúng ta đều biết rằng, trong bối cảnh hiện nay, ở mọi phương diện cuộc sống, rất cần khuyến khích những suy nghĩ sáng tạo, mới lạ. Dạy học Làm văn trong nhà trường càng phải như thế. Đề văn của ta lâu nay thường mòn sáo theo một khuôn mẫu, ít gây hứng thú và sáng tạo cho học sinh. Vì thế rất nên có những đề văn phá cách, mới mẻ, khác lạ, ra đề theo hướng “mở”…
Tuy nhiên “mới mẻ”, “khác lạ”,“mở”…nhưng vẫn phải bảo đảm sự chính xác, tính khoa học, tính thẩm mỹ và yêu cầu giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ. Mới lạ không đồng nghĩa với sự cẩu thả, tùy tiện, càng không phải là thô thiển, nhảm nhí... Tiếc rằng đề văn vừa nêu trên là đề văn “lạ” nhưng không đáp ứng được yêu cầu vừa nêu, nó lạ theo chiều hướng xấu, tiêu cực, phi giáo dục
Về điều này tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Đề thi của ĐH FPT vừa yếu về chuyên môn, vừa thô tục”và PGS.TS Văn Giá “Đề thi 'trinh tiết' của ĐH FPT mắc sai lầm nghiêm trọng”đã nêu trong bài trả lời báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/04. Ở đây chỉ xin nêu và làm sáng tỏ thêm một vài khía cạnh khác.
Đề văn trên trích hai phát ngôn, một là lời của Kim Trọng trong màn đoàn viên sau 15 năm lưu lạc và một là lời Thúy Kiều tự tình cùng chàng Kim trong buổi đầu gặp gỡ: “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Đành rằng các phát ngôn của nhân vật chính diện trong tác phẩm thường mang tư tưởng của tác giả, nhưng trên đã nêu là của Kim Trọng thì dưới phải nói là của Thúy Kiều chứ không phải Nguyễn Du.
Thứ hai đây là một đề nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, và tác phẩm Truyện Kiều), nhưng cách nêu quá thô, lan man, dài dòng và đặc biệt lại đặt ra một vấn đề/ đề tài không phù hợp với yêu cầu giáo dục thẩm mỹ và tư tưởng- những yêu cầu vốn rất cơ bản để tạo nên đặc trưng của môn Ngữ văn, môn học về cái đẹp và sự tinh tế.
Cách đây không lâu, người ta còn nhớ có đề văn được coi là phản thẩm mỹ khi yêu cầu học sinh bàn luận về câu “Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại” của ông giáo trong truyện Lão Hạc (Nam Cao). So với đề văn về Lão Hạc thì đề văn của đại học FPT phải là bậc “cụ” về phản thẩm mỹ.
Tại sao lại có thể đem chuyện “cái màng trinh” và chuyện “tình dục trước hôn nhân” của người phụ nữ ra để làm đề tài bàn luận trong một đề thi văn. Nếu đây là một đề tài trao đổi nhóm khi học môn sinh vật hoặc giáo dục công dân, tìm hiểu và giáo dục giới tính… thì còn khả dĩ.
Trong khi Nghị luận xã hội, có biết bao nhiều đề tài hay, mới mẻ, thiết thực, phù hợp và giàu ý nghĩa đối với tuổi trẻ tại sao không nêu lên để thí sinh bàn luận. Hơn nữa cách nêu quan niệm về trinh tiết của thời xưa và nay đối lập như thế, vô hình chung đề văn đã cổ vũ cho việc phụ nữ ngày nay không cần trinh tiết, khuyến khích “tình dục trước hôn nhân”.
Đành rằng trong giáo dục học đường chúng ta không nên né tránh nhiều vấn đề có thực trong đời sống, kể cả những vấn đề tế nhị và nhạy cảm hoặc thậm chí bị coi là “cấm kị”, nhưng đưa vấn đề đó vào nhà trường ở môn học hay hoạt động nào; đưa như thế nào và bằng cách nào là hết sức quan trọng. Liệu có phải cứ nhân danh yêu cầu “sáng tạo”, cần phải “mở” để ra những đề văn mở đến “vô bờ bến” và vô phương hướng hay không?
Hoa Kỳ là một đất nước có nền giáo dục rất tự do và dân chủ tối đa, giáo viên có quyền rất cao trong việc lựa chọn các nội dung và cách dạy học… nhưng xem các đề thi văn của họ, tôi không thấy bất kì đề thi nào kiểu như đề thi về “cái màng trinh” của đại học FPT.
Đề thi năm 2006-2007: Nếu bạn có thời gian một ngày với một nhân chứng lịch sử hoặc một nhân vật hư cấu, tưởng tượng, bạn định gặp ai? Bạn sẽ làm gì trong suốt ngày ấy? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ nói những gì? Viết một bài văn kể lại những nơi mà bạn và người ấy đã đi, những gì mà hai người đã làm. Cần sử dụng các chi tiết và chứng cớ để làm sáng tỏ. Đề thi năm 2007-2008: Tất cả nghệ thuật, kịch, vũ điệu và âm nhạc trong giáo dục nhà trường đều là chủ đề tranh luận quốc gia. Một số người tin rằng các chủ đề này không cần thiết đối với HS; một số người khác lại cho rằng các chủ đề này không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục đa dạng. Viết một bài nghị luận giải thích các loại hình nghệ thuật nêu trên có quan trọng hay không đối với giáo dục phổ thông. Hãy nêu những lí do và bằng chứng làm sáng tỏ cho luận điểm của bạn. Đề thi năm học 2008-2009: Trong thời gian học ở trường THPT, học sinh được học nhiều khoảng khắc lịch sử, những khoảng khắc vẫn còn ảnh hưởng đối với cuộc sống hôm nay. Hãy suy nghĩ về một khoảng khắc lịch sử nào đó mà bạn đã học và cho đó là quan trọng. Viết bài nghị luận về khoảng khắc lịch sử mà bạn suy nghĩ. Trao đổi về tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống ngày nay. Hãy làm sáng tỏ bằng các chi tiết và ví dụ cụ thể. (Một số đề thi tốt nghiệp lớp 12 của California) |
Ở Việt Nam với chương trình sau 2000, rất nhiều đề văn mới mẻ và sáng tạo đã xuất hiện và tạo nên nhiều cảm hứng cho HS, chẳng hạn đề văn: “Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em” hoặc gần hơn là đề văn “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, để sau đó có những bài văn gây xôn xao dư luận như của Hà Minh Ngọc; hoặc làm xúc động lòng người như bài văn của Nguyễn Trung Hiếu trường Amsterdam.
Giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ trong nhà trường là vấn đề hết sức quan trọng. Luật giáo dục (2005) ghi rõ: mục tiêu của GD là “hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân”, “kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc”( Điều 2 và Điều 5). Chương trình Ngữ văn (2006) của Bộ GD-ĐT cũng ghi rõ: “Môn Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực thẩm mĩ... HS được làm giàu xúc cảm thẩm mĩ và định hướng thị hiếu lành mạnh nhằm hoàn thiện nhân cách của mình.”
Chúng tôi cho rằng nếu cứ ra đề thi như đề văn của đại học FPT nêu trên thì liệu các nhà trường có đạt được những mục tiêu và yêu cầu cao đẹp kia không ?
Theo VNN
Câu chuyện nhiều học sinh (HS) lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Phúc bị từ chối không thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐH) năm nay vì có học lực kém đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.
“Sử là môn khó học”, đó là chia sẻ của nhiều học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Vậy, ôn luyện môn sử như thế nào để đạt hiệu quả.
“Bộ GD-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo giới và dư luận để ban hành trong thời gian tới. Nhưng tinh thần của văn bản này sẽ không cấm, chỉ ngăn chặn tiêu cực”.
Website tuyensinhdhcd.vn có nhiều thông tin không chính xác về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Mục đích cuối cùng nhằm thu hút quảng cáo các trường và lấy thông tin cá nhân của thí sinh.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ PCGD xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) cho biết: Hoàn thành và được công nhân phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi vào tháng 4/2011. Vì vậy, nhiệm vụ chính của ban chỉ đạo PCGD xã là duy trì và giữ vững kết quả đã đạt được trong những năm tiếp theo.
Đó là khẳng định của thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), sau khi phát hiện sai sót ở biểu đồ (trang 10 và 15) trong Atlat địa lý Việt Nam.