Tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và vẻ đẹp riêng từ lời ăn tiếng nói đến văn viết của chính người Việt.
“Chóng mặt” với Tây hóa
Việc xen kẽ những từ ngữ nước ngoài không còn quá xa lạ trong những mẩu đối thoại hằng ngày của giới trẻ. Tuy chưa có một điều tra xã hội học hay thống kê đầy đủ nhưng các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng hiện tượng này rất phổ biến.
Anh Ngọc Hưng, quê ở Đồng Tháp kể: “Tôi gọi điện đặt khách sạn ở Sài Gòn để tiện công tác. Cô lễ tân báo còn phòng và nói: “Anh nhớ “cần phơm” (confirm) cho em nha”. Anh Hưng không hiểu, nhưng sợ người ta bảo mình nhà quê nên thôi. Đến ngày công tác, anh đến khách sạn này thì cô lễ tân nói: “Em không thấy anh “cần phơm” nên cho thuê phòng mất rồi”. Lúc này anh Hưng thắc mắc: “cần phơm” là cần gì? Cô lễ tân đáp: “Dạ, là xác nhận chính thức lại cho em”.
Không những thế, trong giao tiếp, nhiều người đã làm tối nghĩa tiếng Việt khi trộn lẫn nửa Anh, nửa Việt. Thỉnh thoảng vẫn nghe các cô nhân viên văn phòng khen nhau: “Hôm nay trông chị “hép py” (happy) quá nha”, hay “Bữa nay nhìn “kiu” (cute) quá”. Trong khi tiếng Việt có thể nói “Hôm nay trông xinh thế”. Thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải đoán già đoán non: “Bên công ty đó “còm plen” (complain), mình đã “ex plen” (explain) cái giá “phích” (fix) rồi mà họ vẫn kêu “ex pen” (expensive). “Cần trắc” (contract) tiếp theo chắc hổng “sua” (sure) rồi”.
Đó còn chưa kể, không ít người còn Tây hóa lối hành văn của tiếng Việt, gây lủng củng, khó hiểu. Có cô bạn làm việc tại một công ty nước ngoài. Hôm về quê thăm nhà, nhờ em mình ra chợ mua đồ, cô dặn: “Em hãy chắc rằng các món chị ghi trong giấy được mua đầy đủ nhé”. Mẹ cô ở trong nhà nghe thế, càu nhàu: “Chỉ cần nói nhớ mua hết mấy thứ chị dặn là đủ rồi, con học ở đâu mà nói nghe sượng thế?”. Số là, cô bạn tôi vừa nói theo mẫu câu: “Make sure all the lights will be off” (Hãy chắc rằng tất cả đèn đều được tắt) để nhắc nhở đồng nghiệp tắt đèn trước khi về. Những câu trở nên phổ biến vẫn như “Rất vui được nghe điều đó” ảnh hưởng từ “I’m glad to be heard of that”, trong khi tiếng Việt chỉ cần nói “Nghe vậy mừng quá”.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan bức xúc: “Tôi thấy nhiều công ty để dòng chữ đọc rất ngượng ngạo: “Xin giữ cửa đóng lại”, ảnh hưởng từ câu “Keep the door closed”, trong khi tiếng Việt có câu rất hay: “Vui lòng đóng cửa”. Gần đây, nhiều câu giới thiệu theo kiểu phim Hàn Quốc: “Đây là trưởng phòng Tuấn”, trong khi tiếng Việt thường nói: “Đây là anh Tuấn, trưởng phòng”. Ngay cả trên các kênh truyền hình cũng có câu “Chương trình này được tài trợ bởi nhãn hàng X” cũng là một văn phong ngượng ngạo trong tiếng Việt. Về sau người ta dùng câu chủ động hay hơn: “Nhãn hàng X hân hạnh tài trợ chương trình này”.
Ngượng nghịu với văn viết lai căng
Dạo qua hầu hết các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều bình luận, bài viết dùng ngôn từ lạ, lai căng khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng.
Trên công cụ yahoo chat, nhiều người tha hồ sáng tạo và còn cố tình viết sai chính tả cho dí dỏm, như: “chời” thay vì “trời”, “cái zị zậy ta” thay vì “cái gì vậy ta?”.
Trong văn viết của cộng đồng mạng, nhất là những trang mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn khi khen một bức ảnh cô gái nào đang đỏm dáng, bạn nữ thường phản hồi: Cute (xinh) thế, trong khi phái mày râu thường viết: Hot (bốc lửa) thế. Hoặc trong nội dung các cuộc bình luận, cư dân mạng thường viết: “Tui hổng care (quan tâm) chuyện này” hoặc: “Cái view (cảnh nhìn) này đẹp quá”.
Cũng có ý kiến cho rằng, những cách viết như vậy chỉ là tiện cho việc trao đổi thông tin, không mất thì giờ. Nhưng nếu tiếp diễn lâu dài, rất có thể nó sẽ trở thành thói quen không sửa được. Và tình trạng này đang xảy ra khá phổ biến ở các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, giáo viên dạy văn Trường THPT Cần Giuộc (Long An), cho biết: “Do thói quen viết tắt trong ghi chép bài, nên khi làm kiểm tra một tiết hoặc thi học kỳ, có rất nhiều em đã bê luôn các từ này vào bài văn của mình, ví dụ như: or (hoặc), if (nếu)…”. Thạc sĩ Đào Hồng Điện, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong bài tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, diễn ra ở TP.HCM năm 2010, cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan cũng nhận định: “Bắt chước là một cách học tiếng Anh hiệu quả, nhưng ngoại hóa tiếng Việt như vậy chỉ cho thấy mình ra vẻ biết tiếng Anh, và văn nói nghèo nàn. Đây là thói quen không xấu, nhưng không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ phải lóng ngóng và khó khăn lắm mới viết được một câu văn hoàn chỉnh, dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt trong tương lai, nhất là cho các thế hệ sau này”.
Theo thạc sĩ Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố văn hóa phương Tây, mà điển hình là ngôn ngữ.
Ý kiến: “Nguyên nhân chính do có nhiều chữ tiếng Việt phải diễn đạt dài dòng, trong khi tiếng Anh chỉ cần nói một chữ là đủ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi phỏng vấn xin việc lại đệm thêm tiếng Anh cho có vẻ sành điệu là không nên vì cách nói này chỉ dùng trong giao tiếp thân mật và nội bộ”. Thu Hằng “Đệm tiếng Anh trong câu tiếng Việt cũng có cái lợi là tạo cho người học có sự liên tưởng và nhớ từ vựng kỹ hơn. Đồng thời khi trong nhóm nói với nhau thường xuyên cũng tạo được sự thân mật, hiểu nhau. Vấn đề là làm chủ ngôn ngữ, nói gì, vào lúc nào là điều quan trọng trong văn hóa giao tiếp”. Nguyễn Hoàng Hùng “Nước ta trên đường hội nhập cũng không tránh khỏi việc dùng hai ngôn ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên khi nào bạn nói tiếng Việt thì nên nói trọn vẹn, còn khi dùng tiếng Anh thì nói cho lưu loát. Việc nói xáo trộn hai ngôn ngữ có thể ảnh hưởng xấu đến văn viết của bạn, nhất là khi bạn học tiếng Anh chưa đến nơi đến chốn”. |
Theo ThanhNien
(HBĐT) - Ngay sau khi có Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ TPHB đã xây dựng chỉ tiêu, giải pháp thực hiện PCGD mầm non trẻ 5 tuổi. Tiếp đó, Thành uỷ đã có nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2011 và năm 2012, trong đó xác định phấn đấu đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2011 và duy trì kết quả năm 2012.
Câu chuyện nhiều học sinh (HS) lớp 12 ở tỉnh Vĩnh Phúc bị từ chối không thu hồ sơ đăng ký dự thi đại học (ĐH) năm nay vì có học lực kém đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.
“Sử là môn khó học”, đó là chia sẻ của nhiều học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Vậy, ôn luyện môn sử như thế nào để đạt hiệu quả.
“Bộ GD-ĐT đang tiếp tục hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giáo giới và dư luận để ban hành trong thời gian tới. Nhưng tinh thần của văn bản này sẽ không cấm, chỉ ngăn chặn tiêu cực”.
Website tuyensinhdhcd.vn có nhiều thông tin không chính xác về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Mục đích cuối cùng nhằm thu hút quảng cáo các trường và lấy thông tin cá nhân của thí sinh.
(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ PCGD xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) cho biết: Hoàn thành và được công nhân phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi vào tháng 4/2011. Vì vậy, nhiệm vụ chính của ban chỉ đạo PCGD xã là duy trì và giữ vững kết quả đã đạt được trong những năm tiếp theo.