Trong đợt nóng lần này, Hòa Bình là một trong những nơi thuộc vùng tâm nóng; 3 ngày qua (27 - 29/4), nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39 - 42 độ C, có nơi xấp xỉ 43 độ C. Nắng nóng khiến nhiều người dân trong tỉnh phải nhập viện cấp cứu, dẫn đến quá tải tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tối 28/4, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình quá tải.
Nắng nóng, nhiều bệnh nhân nhập viện
Theo dự báo thời tiết, 10 năm qua, chưa có năm nào thời tiết cả nước trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 lại đặc biệt như năm nay; nắng nóng diện rộng, gay gắt, xuất hiện nhiều mức nhiệt độ cao kỷ lục. Trong ngày 28/4, tại tỉnh Hòa Bình nhiệt độ cao nhất ghi nhận 42 độ C.
Tại phòng C1, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, người nhà bệnh nhân Bùi Thị Tham, xóm Cốc Lẫm, xã Kim Bôi (Kim Bôi) cho biết: Bà Tham 80 tuổi. Tối 28/4, bà vẫn cùng gia đình ăn tối, uống nước nhưng sau đó đột nhiên nằm vật ra nhà. Người nhà đã nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện nhưng nhận thấy có dấu hiệu hôn mê, nguy cơ đột quỵ cao nên đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tối cùng ngày, bà đã được các bác sỹ cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch.
Cùng tại khoa Cấp cứu, anh Phạm Văn Khai, tổ 8, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chiều 28/4 vẫn khoẻ mạnh đưa cháu đi tắm bể bơi. Tuy nhiên, do nắng nóng, trong lúc trông cháu bơi thì đột nhiên huyết áp tăng cao, khó thở phải ngay lập tức gọi người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại phòng C1, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tối 28/4 còn nhiều bệnh nhân phải cấp cứu do thời tiết. Tình hình nguy hiểm và căng thẳng đến mức bệnh viện phải dùng cả thiết bị chiếu chụp di động đến tận giường bệnh để kịp thời chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu quá tải
Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, tối 28/4, bệnh nhân đã quá tải so với số giường bệnh. Nhiều bệnh nhân nhẹ phải sử dụng cả cáng để nằm điều trị, dành giường bệnh có trang thiết bị hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng. Dù là ngày nghỉ lễ nhưng các y, bác sỹ tại đây đã phải căng mình cứu chữa cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng có khả năng đột quỵ cao.
Ghi nhận tại tại phòng C1 - phòng cấp cứu cho bệnh nhân nặng khi mới nhập viện, cứ vài giờ, các y, bác sỹ lại phải đề nghị người nhà bệnh nhân cùng hỗ trợ chuyển những trường hợp nhẹ sang các phòng khác để tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng mới vào.
Bác sỹ CKI Phạm Lê Hưng cho biết: Khoa Cấp cứu có gần 60 người, gồm bác sỹ, điều dưỡng và bác sỹ thực tập. Trong đó, gần 20 bác sỹ chính nhưng một số đang đi học sau đại học. Khoa được trang bị 55 giường bệnh nhưng tối 28/4 có trên 60 bệnh nhân cấp cứu với đa phần tình trạng bệnh nặng. Riêng trong ngày 28/4, khoa đã tiếp nhận trên 30 bệnh nhân vào điều trị, nếu tính cả cấp cứu ngoại lên đến trên 70 bệnh nhân. Bệnh nhân khi nhập viện đa số là đột quỵ, viêm phổi, tiểu đường, tăng huyết áp, sốc phản vệ, ngộ độc, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sốt huyết tiêu hóa... Nguyên nhân chính do thời tiết mấy ngày qua quá nóng dẫn đến tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng cao.
Tại khoa Cấp cứu, mặc dù đông bệnh nhân nhưng các y, bác sỹ vẫn đảm bảo các trang thiết bị hỗ trợ điều trị và luôn túc trực 24/24h tiếp nhận và cấp cứu ban đầu tốt nhất cho bệnh nhân.
Khuyến cáo của bác sỹ
Theo bác sỹ CKI Phạm Lê Hưng, thời tiết diễn biến khó lường và khắc nghiệt, nhất là trong những đợt nắng nóng gay gắt nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ rất cao. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác và chủ động bảo vệ sức khỏe. Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; phụ nữ có thai; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; người lao động ngoài trời dễ bị say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước...
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân hạn chế ra đường, nhất là buổi trưa. Với những người trẻ nhưng có bệnh nền như huyết áp, tiểu đường... cần rất cẩn trọng khi thời tiết quá nắng nóng và hạn chế ra đường, bởi sự thay đổi đột ngột nhiệt độ dễ dẫn đến co mạch, dãn mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, nắng nóng làm tăng nguy cơ ngộ độc thức ăn, mất nước mước, sốc nhiệt.
Đối với những người cao tuổi thường rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nắng nóng có thể khiến người già có cơn tăng huyết áp, cơn đột quỵ, nhất là tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn tất cả các chức năng khác của cơ thể. Bên cạnh đó, người già ít có cảm giác khát hơn người trẻ nên gia đình, người thân cần chú ý đảm bảo đủ nước cho họ trong ngày nắng nóng.
Ứng phó với tình trạng nắng nóng, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ... Những người lao động ngoài trời không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh. Không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp và không để gió thổi trực tiếp vào người để phòng bệnh đường hô hấp.