(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Với tiềm năng, lợi thế đặc thù, hồ Hòa Bình được tỉnh xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (DLQG) hồ Hòa Bình, đặt mục tiêu: Đến năm 2020, khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành khu DLQG. Đến năm 2030, khu DLQG hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1/12 khu DLQG trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.
Sức hút phong cảnh hữu tình
Hồ Hòa Bình mênh mang, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, thơ mộng là không gian thiên nhiên hoang sơ, có sức lôi cuốn lạ kỳ cho bất cứ ai muốn khám phá, thưởng ngoạn. Hồ mùa nào cũng đẹp. Nước hồ xanh mênh mang bất tận. Đông về nước hồ phẳng lặng, tĩnh mịch vô cùng. Xuân sang, mưa bay, nước hồ bảng lảng giữa núi rừng mờ ảo. Đi trong tiết trời se lạnh, đường quanh co, núi đồi uốn lượn, thấp thoáng những bến nước trong xanh, sương vương mặt hồ đem lại cảm giác thật dễ chịu, thanh bình. Hạ về, hoàng hôn tím sẫm mơ màng, đêm thả mình trong ánh trăng lung linh mặt hồ, cá đớp lao xao mạn thuyền. Thu về trời xanh thẳm, gió nhẹ mơn man quyến luyến lòng người. Hồ như bức tranh thủy mặc, từng ví là Hạ Long của Hòa Bình. Núi tiếp núi hùng vĩ, rừng thăm thẳm hoang sơ. Ven hồ là những hang động kỳ thú, trầm tích ngàn năm. Hai bên là núi trùng điệp, rừng bạt ngàn. Các đảo lớn, nhỏ trong lòng hồ là nơi khám phá cho du khách thập phương.
Một góc Hồ Hòa Bình.
Hồ Hoa, động Hoa Tiên ở xã Ngòi Hoa của huyện Tân Lạc là một quần thể rất đẹp của thiên nhiên mây nước. Bốn mùa nước trong xanh, trong hồ có nhiều đảo đá, đất xen lẫn rừng cây. Động Hoa Tiên là sản phẩm thiên nhiên ban tặng cho hồ Hòa Bình. Trong động có không gian thoáng và rộng với những nhũ đá kỳ thú, muôn hình vạn trạng, được Bộ VH -TT&DL xếp hạng là địa điểm cho những người ham mê thiên nhiên và thích khám phá.
Động thác Bờ, điểm nhấn du lịch lòng hồ.
Đảo Ngọc có 4 mỏm nhỏ. Đảo Dừa nằm ở những khu vực đắc địa trên hồ từ lâu đã trở thành điểm đến của du khách vãn cảnh lòng hồ. Đảo Robinson rộng hàng trăm héc ta còn rừng nguyên sinh, có núi đá vôi trầm tích ngàn năm, có những dải đất thoai thoải uốn lượn tiếp giáp hồ như lạc vào cổ tích. Các bến nước Hiền Lương, Tiền Phong, Thung Nai, Suối Nánh, Đồng Chum (Đà Bắc), Thung Nai (Cao Phong), Bãi Sang - Phúc Sạn (Mai Châu) bình dị, yên ả trong màu xanh nước hồ và rừng cây in bóng như bản tình ca của thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Rồi những chợ nổi ven sông đầy ắp sản vật văn hóa các xã vùng hồ. Những cánh rừng nguyên sinh Pu Canh, hang Lỗ Làn - rừng bảo tồn thiên nhiên Núi Biều, Đền Bờ - động Thác Bờ… thấm đẫm thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và được sinh sôi trong nền văn hóa riêng biệt, đặc sắc, đó là văn hóa Mường, Tày, Dao, Thái đang chờ khám phá, trải nghiệm.
Cơ hội đầu tư du lịch
Quy hoạch khu DLQG hồ Hòa Bình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch của tỉnh. Quy hoạch đồng thời khẳng định tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình cũng như xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù, phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Khu du lịch hồ Hòa Bình được quy hoạch trên địa bàn 17 xã thuộc các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Diện tích vùng trung tâm được xác định khoảng 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước) thuộc các xã nằm trong khu vực từ đảo Sung - Thung Nai - Ngòi Hoa. Về xây dựng các sản phẩm du lịch, quy hoạch xác định ưu tiên phát triển loại hình lưu trú homestay tại các bản du lịch cộng đồng, phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp khách sạn 3 - 5 sao, nghỉ dưỡng nổi. Phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, khai thác món ăn truyền thống, đặc sản của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trong vùng. Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp tại một số phân khu...
Để hiện thực quy hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào khu vực hồ Hòa Bình. UBND tỉnh cũng chủ trương ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư du lịch hồ Hòa Bình. Trước mắt huy động các nguồn lực đầu tư vào vùng trung tâm của hồ để tạo hiệu ứng khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên hồ Hòa Bình.
Lê Chung
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030
Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 1/8/2016 nêu rõ: Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình (xã Thái Thịnh và các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh) và 4 huyện: Đà Bắc (gồm các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn); Cao Phong (gồm các xã: Bình Thanh và Thung Nai); Tân Lạc (gồm các xã: Ngòi Hoa, Phú Vinh và Trung Hòa); Mai Châu (gồm các xã: Tân Dân, Tân Mai, Phúc Sạn, Đồng Bảng và Ba Khan). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước).
Mục tiêu năm 2020 đón khoảng 630.000 lượt khách, trong đó khoảng 30.000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1.600.000 lượt khách, trong đó khoảng 90.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 200 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tập trung khai thác thị trường khách nội địa
Về định hướng phát triển, tập trung khai thác thị trường khách nội địa đến từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và khách nội tỉnh; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch sinh thái.
ưu tiên củng cố và phát triển các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống, gồm: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và úc; đẩy mạnh thu hút thị trường khách từ các nước Tây âu khác, Bắc Mỹ, Đông Nam á, Nga và các quốc gia Đông âu khác; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, tìm hiểu bản sắc văn hóa.
Các sản phẩm du lịch chính được ưu tiên phát triển gồm: Thăm quan hệ sinh thái hồ; nghỉ dưỡng sinh thái trên hồ, trên đảo; du thuyền ngắm cảnh quan trên hồ; thăm quan, tìm hiểu lịch sử - văn hóa dân tộc Mường; lễ hội đền Bờ; tìm hiểu, trải nghiệm lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại bản Mỗ, bản Ké, bản Tiện, bản Đá Bia, bản Trụ…; thăm quan công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm du lịch bổ trợ như thăm quan, trải nghiệm sinh thái và giáo dục môi trường tại các khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, Thượng Tiến, Hang Kia - Pà Cò, Ngọc Sơn - Ngổ Luông; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch tín ngưỡng - tâm linh gắn với lễ hội Đền Bờ, lễ hội Khai Hạ - Mường Bi, lễ hội Chiêng Mường, lễ hội Xên Mường, lễ hội Cầu Mưa…; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với mua sắm tại các chợ truyền thống, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản đặc trưng của địa phương, như: cam Cao Phong; bưởi, mía tím Tân Lạc, tỏi tím, khoai nương Mai Châu; măng, gạo nương… và các sản phẩm thủ công truyền thống.
Ưu tiên phát triển loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay)
Quyết định nêu rõ, tổ chức không gian phát triển du lịch trên nguyên tắc khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên cả trên bờ và không gian mặt nước hồ; hình thành mối liên hệ giữa các khu, phân khu và các điểm du lịch; tạo không gian kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn; hạn chế tối đa sử dụng đất nông nghiệp và không gây ô nhiễm nước hồ; tránh di chuyển dân cư; giảm thiểu sự tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.
Khuyến khích phát triển các điểm du lịch phụ trợ để đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Khu du lịch quốc gia, gồm: Điểm du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên Tiền Phong, khu bảo tồn tự nhiên Phu Canh (Đà Bắc), đảo Ngọc (Cao Phong); các điểm du lịch cộng đồng tại bản Mỗ, bản Tiện, bản Ké, bản Trụ…; các điểm du lịch ven sông Đà (thành phố Hòa Bình)...
Về cơ sở lưu trú, tổng nhu cầu buồng lưu trú đến năm 2030 khoảng 800 buồng, trong đó khoảng 160 buồng khách sạn. ưu tiên phát triển loại hình lưu trú tại nhà dân (homestay) tại các bản du lịch cộng đồng; phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp tại phân khu Ngòi Hoa, đảo Sung; khách sạn 3 - 5 sao tại phân khu Thái Bình, Thái Thịnh; nghỉ dưỡng nổi tại phân khu Bình Thanh - Vầy Nưa, Hiền Lương.
Phát triển loại hình dịch vụ ẩm thực, khai thác món ăn truyền thống, đặc sản của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trong vùng; phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp tại phân khu Ngòi Hoa, Thung Nai, Thái Bình, Thái Thịnh, Hiền Lương, Bình Thanh - Vầy Nưa; mô hình phố ẩm thực, chợ văn hóa du lịch tại các điểm du lịch ven sông dọc hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình.
Vũ Tùng (TH)
(HBĐT) - Cao Phong - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, con người chịu thương, chịu khó ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “vua cam” có thu nhập hàng tỷ đồng sau mỗi vụ khiến nông dân cả nước ước ao.
(HBĐT) - Một ngày đẹp trời (tháng 2/2009), người dân thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) nô nức kéo nhau đi dự lễ khai trương Trạm dừng nghỉ QL 6. Cờ hoa rực rỡ, lễ cắt băng khánh thành hoành tráng với sự tham gia của Trưởng đại diện cơ quan hợp tác quốc tế (JICA) Nhật Bản, Bộ GTVT, Bộ NN &PTNT và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh. Thế nhưng, sau 7 năm đi vào hoạt động, Trạm dừng nghỉ QL6 chưa bao giờ hoạt động hết công năng và đang trên đà hoang phế.
(HBĐT) - Nếu tính về quy mô thì có lẽ nghĩa trang liệt sỹ K34 (thôn Liên Ba, xã Liên Hoà, huyện Lạc Thuỷ) cũng được xếp vào là một trong những nghĩa trang liệt sỹ thời kỳ chống Pháp có số liệt sỹ vô danh nhiều nhất cả nước. Nó chỉ đứng sau nghĩa trang liệt sỹ đồi Độc Lập, nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 - nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ (Điện Biên Phủ) và đứng trên nghĩa trang liệt sỹ Tu Vũ (Thanh Thuỷ - Phú Thọ). Tuy vậy không phải ai cũng biết về nghĩa trang K34 và những liệt sỹ còn nằm lại đó...
(HBĐT) - Theo rà soát của Sở TN &MT, trên địa bàn tỉnh có 30 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi tại các khu vực bãi bồi ven sông. Riêng trên địa bàn TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn có 23 điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi với tổng diện tích 9, 5 ha. Hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi vùng hạ lưu sông Đà diễn ra khá phức tạp.Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn tồn tại.
(HBĐT) - Đá Lát là đảo chìm đầu tiên trong hải trình thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân 2016 của đoàn cán bộ Vùng 4 Hải quân và các phóng viên báo chí. Vì điều kiện trên đảo và việc di chuyển từ tàu 561 đến đảo có nhiều khó khăn nên đại tá, đoàn trưởng đoàn công tác Bùi Đình Dương thông báo danh sách một nửa số nhà báo trong đoàn công tác được xuống đảo. Tôi là phóng viên may mắn có trong danh sách.
(HBĐT) - Không chỉ cỏ rác mà còn có nhiều, rất nhiều rác thải là vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại theo dòng suối Tráng dồn về xã Thung Nai (Cao Phong).