Hà Nội phố nhiều, ngõ nhiều. Nghĩ đến ngõ phố ở nơi này người ta thường nghĩ ngay đến những vách tường cao cớm nắng, những bóng sáng loãng dần, những con ngõ dài sâu hun hút, có chỗ hai người đi đã phải tránh nhau. Ngõ là thế, nhỏ và hẹp, thường là một nhánh của phố nhưng cũng có những con ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng, rộng rãi, ngõ là phố với đầy đủ đặc điểm của mình.


1. Khi còn là sinh viên, mỗi buổi tối khi học ngoại ngữ ở Trường Thanh Quan trở về, tôi thường rất hay đi qua cung đường Ngõ Trạm và cái ấn tượng của một chàng thanh niên lần đầu lên đất Kinh kỳ là sao một con ngõ lại giống phố đến thế. Lạ. Ngõ Trạm thực ra là phố nhưng nó vẫn giữ nguyên cái tên ngõ xưa như một niềm hoài vọng xa xăm.

Ngõ Huyện ngày nay luôn tấp nập khách du lịch.

Ngõ Trạm khá ngắn, bên chẵn chỉ có chục số nhà, bên lẻ là hai mươi số. Ngay đầu ngõ là nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Hà Nội, một tòa nhà khá khiêm tốn và giản dị. Cùng phía với trụ sở của Hội thánh Tin Lành có một ngôi trường nổi tiếng của các nhân sĩ trí thức Hà Nội đầu thế kỷ trước. Đó là Trường Tư thục Thăng Long được thành lập với tâm huyết của giới trí thức cách mạng Việt Nam nhằm khai chấn văn minh nước nhà. Những lớp giáo viên của Trường Tư thục Thăng Long khi ấy toàn là các trí thức nổi tiếng và có những cái tên đã lưu lại với lịch sử lâu dài như Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Ngô Xuân Diệu, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên… Và trưởng thành từ ngôi trường mang đậm chất cách mạng của giới trí thức khi ấy là những học trò đã làm rạng danh cho Hà Nội và cả nước, như: Lê Quang Đạo, Phan Kế An, Lý Chính Thắng, Vũ Tú Nam…

Ngõ Trạm ngắn nhưng có đủ vẻ đặc trưng của phố xá Hà Nội. Hầu như con phố nào của thành phố cũng có những quán ăn ngon. Ngõ Trạm cũng vậy, nơi đây có một hàng bún đậu mắm tôm khá nổi tiếng mà vào giờ cao điểm luôn nườm nượp thực khách. Trước đây, trên hè phố còn có một cụ bà chuyên bán nem chua và cá nướng; người đàn bà lam lũ, bàn tay gân guốc dấu vết thời gian cần mẫn nướng những cái nem chua thơm phức hoặc những miếng cá bò ngon ngọt phục vụ đám trẻ thích ăn vặt; nhưng hình như giờ ở Ngõ Trạm không còn thấy người đàn bà ấy nữa. Bà ốm, bỏ nghề hay đã đi đâu…?

Ở trên phố Lý Quốc Sư tấp nập cũng có một con ngõ mang những nét rất đặc trưng của đất Hà thành: Ngõ Huyện. Ngõ mà cũng là phố với nhà hàng, khách sạn, các công ty du lịch lữ hành mọc san sát. Gọi là Ngõ Huyện vì con ngõ này từng là con đường dẫn đến phủ huyện đường Thọ Xương xưa kia. Ngõ lớn, phố nhỏ mà lúc nào nườm nượp khách du lịch với đủ màu da, ngôn ngữ. Ngay đầu ngõ, tận dụng những khoảng tường rộng của những ngôi nhà kế bên, những họa sĩ đã vẽ những bức graffiti khá ngộ mắt. Bên ngoài những tiệm giải khát lúc nào cũng thấy vài khách nước ngoài thư giãn ly cà phê ngay trên vỉa hè ngắm khách đi đường.

Ngõ Huyện còn được nhiều bạn trẻ biết đến là vì đầu ngõ có hai hàng quà bình dân được nhiều người ưa thích. Một là hàng bánh mì và ngay cạnh đấy là hàng cháo sườn sụn.

Hàng bánh mì có đủ các món từ ba tê, trứng, lạp xường, chả… mà giá rất bình dân, chưa bằng cốc cà phê đen đá. Hàng cháo sườn sụn thì được các bạn trẻ ưa chuộng hơn vì một bát cháo có sườn, ruốc, rắc lên trên là một ít quẩy vàng ruộm cắt nhỏ trông khá hấp dẫn. Nhất là vào những ngày trời lành lạnh mà được sì sụp một bát cháo nóng hổi thì còn gì bằng. Cái nhược điểm của hai hàng này là bán ở ngoài trời, những hôm nắng hoặc mưa quá là không ngồi mà ăn được.

2. Có một con ngõ, cũng là phố mà khi nhắc đến gợi bao niềm hoài tưởng khôn nguôi tới một con sông nổi tiếng của Kinh thành Thăng Long xưa đã bị lấp một phần: Sông Tô Lịch. Ngõ Gạch nguyên là một đoạn sông bị lấp của sông Tô Lịch ngày trước. Không hiểu sao khi biết được điều này tôi cứ nhớ đến bài thơ Sông Lấp cồn cào hoài niệm của Trần Tế Xương: Sông kia rày đã nên đồng/Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai… Sông Tô Lịch bị lấp một phần nhưng không thành đồng ngô khoai mà thành phố phường và Ngõ Gạch cũng cong cong tự nhiên như một đoạn sông khi xưa.

Không khí hoài cổ của con phố dòng sông này còn được tạo dựng một ngôi đình cổ kính giờ đã phải nằm chen chúc, sát sịt với những ngôi nhà cao tầng mà chú ý thì mới nhận ra. Đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu bên bờ sông Tô Lịch xưa - một danh tướng lẫy lừng thời Lê Sơ, một trong những thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn, người đã có công lớn trong việc đánh tan giặc Minh và chém bay đầu Liễu Thăng ở ải Chi Lăng năm 1427.

Nhưng cũng có một chút man mác khi đến thăm ngôi đình cổ này, mặt tiền ngôi đình đã khuất lấp bởi nhà cửa san sát mà trong sân đình lại kín đặc bởi những dãy xe máy dày kịt…

Một con ngõ nữa, cũng thuộc hàng nổi tiếng nhất nhì đất Kinh kỳ và có những điểm đặc sắc không thể nào bỏ qua được là ngõ Hội Vũ. Ngõ Hội Vũ có một điểm đặc biệt mà không con ngõ nào ở Hà Nội có. Nó là con ngõ duy nhất có ba nhánh tỏa ra ba con phố chính là Hàng Bông, Tràng Thi và Quán Sứ. Trong ngõ, có những tòa biệt thự cổ rất đẹp và gần như giữ được vẻ nguyên sơ của mình; và nhắc đến ngõ Hội Vũ không thể không nhắc đến một nhân vật lừng lẫy một thời đã từng sống ở đây, đó là cô Tư Hồng. Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, là một nữ doanh nhân thành đạt của lịch sử cận đại, giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đời cô Tư Hồng thăng trầm, gắn với nhiều giai thoại và cả những biến cố đổi thay của lịch sử Hà Nội. Cô Tư Hồng là người đã trúng thầu phá thành Hà Nội theo yêu cầu của người Pháp nhưng cô Tư Hồng cũng có công xây dựng kiến thiết phố phường mà dấu ấn để lại là những ngôi nhà ở các phố Cửa Đông, Đường Thành, Hàng Da, Trường Việt - Đức... Cũng vì truân chuyên tình duyên và trở thành một doanh nhân thành đạt, điều hiếm có với phụ nữ đương thời, cô Tư Hồng đã trở thành nhân vật trong một số sách văn học và khảo cứu viết về Hà Nội của Đào Trinh Nhất, Chu Thiên, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Ngọc Tiến… Ngôi biệt thự của người đàn bà từng lừng lẫy một thời giờ vẫn còn nguyên vẹn ở ngõ Hội Vũ và nếu đi dạo trong một chiều bàng bạc rét, mù trời, nhìn vào tòa biệt thự ấy có cảm giác người đàn bà xưa vẫn ở đâu đây...

Ngõ Hội Vũ cũng nổi tiếng với những quán cà phê trong những biệt thự cổ có không gian đẹp, thoáng đãng, màu thời gian như chùng lại, lắng đọng ở những nơi thế này; và nếu bước chân đi dạo đã thấy mỏi thì có thể dừng chân ở ngay đầu ngõ, nhánh sát với phố Tràng Thi, vào một hàng sủi cảo, mì vằn thắn, bánh cuốn, miến ngan… ăn một bát nóng hổi ngon miệng để tiếp tục cuộc hành trình.

Ngõ Hà Nội, ngõ như phố với những đặc điểm riêng mà như mang cả hồn cốt, tinh thần của đất Kinh kỳ xưa thấm đượm trên những mái phố hôm nay.

TheoHaNoiMoi

Các tin khác


Ghi ở xã Đoàn Kết (Đà Bắc): Nơm nớp nỗi lo mất nhà

(HBĐT) - Bùn đỏ nhão nhoẹt, đất đá, cây cối nằm ngổn ngang, người dân thì thất thần với vẻ mặt đầy hoang mang, lo lắng. Sau trận mưa lũ lớn, đời sống của bà con ở xã vùng cao nghèo khó Đoàn Kết (Đà Bắc) thực sự đảo lộn

Suối Nánh - Giữa đau thương, sáng lên tình người

(HBĐT) - "Trong đời tôi chưa từng thấy đợt mưa lũ nào kinh hoàng đến vậy! Giữa đêm mịt mùng, mưa sầm sập như trút cuốn phăng 10 nóc nhà, làm 4 người mất tích, 2 người bị thương, nhiều nhà bị xiêu vẹo, lúa và hoa màu bị vò nát... ” Những thông tin vắn tắt từ chị Bùi Thị Thắm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Suối Nánh (Đà Bắc) về tình hình mưa lũ tại xã thôi thúc chúng tôi nhanh bước chân đến với đồng bào. Tuy nhiên, lũ núi đã tàn phá nhiều tuyến đường. Mấy ngày sau đợt lũ lịch sử, Suối Nánh vẫn bị cô lập, chỉ còn cách duy nhất tiếp cận bằng đường sông.

Đà Bắc gắng gượng sau mưa lũ, hoang tàn

(HBĐT) - Sau những ngày mưa lớn bất thường, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng của các huyện, thành phố trong tỉnh, sáng 14/10, chúng tôi có may mắn được tham gia đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh về 3 xã thuộc cụm 2 huyện Đà Bắc. Cũng khá bất ngờ vì đây chính là đoàn xe cơ giới đầu tiên "thông tuyến” trên tuyến đường nối liền tỉnh lộ 433 với các xã Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hòa, Đồng Ruộng sau 4 ngày bị chia cắt do "Nạn hồng thủy” gây ra. Vì là đoàn "Thông tuyến” nên xe ô tô thường xuyên phải cài số chống trơn trượt để "dò dẫm” mới có thể qua vượt được hàng trăm điểm bị sạt lở mới được san ủi.

Muôn con tim khắc khoải chia sẻ mất mát thương đau

(HBĐT) - Trong lúc các cấp chỉnh quyền và người dân trong tỉnh đang gồng mình khắc phục hậu quả nghiêm trọng của thiên tai do trận mưa lũ lịch sử, tìm kiếm thi thể người còn bị vùi sâu trong đất đá, người bị mất tích, cứu trợ vùng bị cô lập để ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Thì hậu quả của mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến.

Ấm tình người trong cơn lũ dữ

(HBĐT) - Với ông Nguyễn Văn Chính, 74 tuổi ở thôn Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) thì cơn lũ trong những ngày qua xảy ra trên địa bàn Lạc Thủy là một trong 3 cơn lũ lớn nhất mà trong đời ông từng gặp. Nước lũ lên nhanh và bất ngờ đã nhấn chìm toàn bộ làng mạc, nhà cửa. Tuy vậy, sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của những nhà hảo tâm, người dân địa phương từ bát cơm nóng, từ chai nước nhỏ đã sưởi ấm lòng người trong cơn lũ dữ…

Dầm mưa, lội bùn tìm kiếm các nạn nhân ở xóm Khanh

(HBĐT)-Mưa vẫn rơi, đất đá lở thi thoảng vẫn trôi xuống, bùn đất nhão nhoẹt ngập nửa thân người khiến việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số khó khăn ngày một chồng chất. Dẫu vất vả, nhiều nguy hiểm nhưng các chiến sỹ làm nhiệm vụ vẫn miệt mài tìm kiếm, với hy vọng sớm đưa được những nạn nhân ra khỏi khối đất đá khổng lồ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục