(HBĐT) - Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào tháng 10/2017. Cho đến nay, nhiều công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh được đầu tư bằng các nguồn vốn dự án bị phá hủy vẫn chưa được khắc phục. Nước vẫn chảy nhưng người dân vẫn... khát.

Do khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, người dân xóm Vầy, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) luôn chú trọng tiết kiệm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Giữa mênh mông nước vẫn... khát
 
Chỉ tay về phía những đoạn ống dẫn nước nằm chỏng chơ ngay bên đường, đồng chí Đinh Thế Hùng, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Vầy Nưa (Đà Bắc) cũng là người dân xóm Bờ cười buồn: Cả công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng bằng nguồn vốn giảm nghèo giai đoạn II chỉ còn lại bây nhiêu thôi. 

Phần còn lại hiện hư hỏng và vùi sâu dưới hàng mét đất, đá sau đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10/2017. Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để khôi phục công trình nước tự chảy nhưng đành chịu vì mưa lũ phá hỏng, vùi lấp hoàn toàn hệ thống kênh, ống dẫn.

Hệ thống cấp nước hợp vệ sinh bị hỏng. Không được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đã trở thành nỗi ám ảnh của hơn 40 hộ với trên 70 nhân khẩu của xóm Bờ, xã Vầy Nưa trong suốt thời gian vừa qua. Hướng ánh mắt xa xăm về phía lòng hồ mênh mông nước, đồng chí Đinh Công Phon, Trưởng xóm Bờ thở dài: "Dù sống quần tụ ở ven sông, giữa mênh mông nước nhưng người dân chúng tôi đang khát anh ạ!”. Nói rồi ông kể: Năm 2014, xóm Bờ được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng và giao cho người dân trực tiếp tự quản lý, vận hành. Có được công trình này chúng tôi phấn khởi lắm. Để công trình phát huy, vận hành hiệu quả, xóm đã xây dựng quy chế và bầu ra tổ vận hành, điều tiết nước phù hợp. Nhờ vậy, hộ gia đình nào trong xóm cũng được hưởng lợi từ công trình.

Tuy nhiên, đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 10/2017 đã vùi lấp, phá hủy hoàn toàn công trình và hệ thống dẫn nước dài hơn 3 km từ suối Búng (xóm Săng Trạch - xã Vầy Nưa) về xóm Bờ. Mặc dù Ban quản lý xóm đã huy động người dân nạo vét, đào đắp đất, đá, tập trung khắc phục hư hỏng nhưng do bị mưa lũ vùi lấp sâu, tàn phá hoàn toàn nên đến nay công trình vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Đồng chí Đinh Thế Hùng chia sẻ thêm: Không có nước, chúng tôi đã vận động các hộ dân đóng góp, thuê máy về khoan 3 giếng với độ sâu từ 20 - 40 m để lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Ban đầu, các giếng cung cấp đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các hộ trong xóm. Thời gian gần đây, do lượng nước hồ Hòa Bình xuống thấp nên cả 3 giếng đều không còn nước. Không có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, người dân bắt buộc phải bơm nước trực tiếp từ lòng hồ lên để sử dụng. Đến bây giờ thì mọi sinh hoạt của người dân trong xóm đều sử dụng hoàn toàn bằng nước sông. Dẫu biết rằng nước sông không đảm bảo nhưng chẳng có nguồn nước nào khác nên chúng tôi đành phải sử dụng.

Khắc phục các công trình hư hỏng: vượt quá sức dân

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bàn Thị Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết: Trong đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 10/2017, hầu như các công trình, hệ thống nước sinh hoạt ở 10/10 xóm của xã đều bị ảnh hưởng, hư hỏng nặng. Bởi lẽ, các công trình đều nằm ở đầu nguồn hay trên dòng chảy của các con suối. Do vậy, khi xảy ra mưa lũ với cường độ lớn đều bị đất, đá, cỏ, rác vùi lấp, phá hủy. Đến nay, một số công trình ở các xóm Dướng, Mó Nẻ, Thín... được người dân tự sửa chữa, khắc phục tạm để lấy nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Các công trình còn lại do hư hỏng quá nặng, không thể sửa chữa, khắc phục được nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2/3 hộ dân trong xã.

Đồng chí Đinh Thế Hùng cho biết thêm: Riêng đối với công trình nước sinh hoạt của xóm Bờ nếu tổng mức đầu tư, sửa chữa ở mức 200 triệu đồng thì chúng tôi sẵn sàng đóng góp để sửa chữa, khắc phục. Nhưng ở đây, qua xem xét, tính toán, tổng mức đầu tư khắc phục công trình quá lớn, vượt quá sức dân nên chúng tôi đành bất lực. Với việc bơm nước từ dưới sông lên, có nhà phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy bơm và ống dẫn nước cũng như chi phí tiền điện để bơm. Như vậy, hàng tháng, mỗi hộ mất một khoản tiền đáng kể, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong sớm nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để khắc phục, sửa chữa công trình nhằm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh trở lại cho người dân.

Không riêng ở Vầy Nưa, theo đồng chí Đinh Văn Quang, Phó Ban Quản lý dự án giảm nghèo giai đoạn II huyện Đà Bắc, trong đợt mưa lũ lịch sử đã tàn phá nặng nề hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện Đà Bắc. Theo thống kê, toàn huyện có 33 công trình, 61 tiểu dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ. Đáng nói, trong đó phần lớn là các công trình nước sinh hoạt phục vụ đời sống người dân ở các địa phương. Mặc dù vậy, đến nay, đa phần các công trình chưa được đầu tư, khắc phục sửa chữa do chưa có kinh phí. Hiện nay, người dân đã khắc phục, sửa chữa tạm hoặc trực tiếp bơm nước từ dưới sông lên để sử dụng. "Trước mắt thì việc sử dụng tạm nguồn nước sông chưa có vấn đề gì xảy ra, nhưng về lâu dài cũng không biết thế nào. Do vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để người dân nắm, hiểu các quy tắc đảm bảo an toàn trong sử dụng nguồn nước lấy từ sông lên để sử dụng”, bác sỹ Phạm Trọng Tươi, Trạm trưởng trạm y tế xã Vầy Nưa chia sẻ.


                                                                                        Mạnh Hùng

Các tin khác


Cô Lin, Sinh Tồn vững vàng nơi “mắt bão”

(HBĐT) - Cô Lin, Sinh Tồn - điểm đến đầu tiên của cuộc hải trình của đoàn công tác số 11 đến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Nhìn trên bản đồ, Cô Lin, Sinh Tồn chỉ nhỏ như một vết chấm nhỏ, song đã đi vào lịch sử nước nhà bằng những chiến công bi tráng trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988 của CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam.

Bài 5: Bất tử Gạc Ma

(HBĐT) - Cũng giống như tất cả các cuộc hải trình đến với Trường Sa trước đây, điểm đến đầu tiên của chúng tôi không phải là điểm đảo. Mà là một cuộc tưởng niệm những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. Dù đã 30 năm, nhưng nước mắt vẫn chưa ngừng rơi...

Bài 4 – Cuộc hành trình đi về phía mặt trời

(HBĐT) - Cho đến bây giờ, trong chuyến hải trình cùng con tàu Trường Sa 571, tôi mới hiểu tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua, anh bạn học cùng Đại học, hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí trung ương(vốn là một người lính Trường Sa sau khi hết nghĩa vụ quân sự mới về đất liền thi đại học), trong tất cả bài viết của mình đều lấy bút danh Phương Đông. Bởi, phía mặt trời mọc ấy cũng là Trường Sa...

Khoảng lặng bên Tượng đài Tây Tiến Mộc Châu

(HBĐT) - Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến) đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam bằng những dấu son chiến công đặc biệt. Trung đoàn cũng đi vào thi ca, nhạc họa và tạo nên những giá trị tinh thần bền bỉ cùng thời gian. Ghi nhận những chiến công, sự hy sinh mất mát của người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc đã có nhiều tượng đài, con đường, trường học mang tên Tây Tiến. Tượng đài ở Châu Trang (Thượng Cốc - Lạc Sơn), đài tượng niệm ở ngã ba Chăm Mát (thành phố Hòa Bình), tượng đài ở Mường Lát (Thanh Hóa)…

Xông lên chỉ với cây súng trường trong tay

(HBĐT) - 64 năm đã trôi qua nhưng tinh thần chiến đấu quyết tử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người chiến sĩ Điện Biên Phủ. Những chàng thanh niên tuổi đôi mươi quê hương đồng bằng đã tình nguyện nhập ngũ, hành quân ngược núi vượt đèo lên đến Điện Biên Phủ. Thức ăn là củ sắn củ mài, doanh trại là núi rừng và hang đá nhưng họ đã dũng cảm, vững tay súng xông lên, cùng trải qua 3 đợt chiến đấu gay go và gian khổ liên tục trong 56 ngày đêm để làm nên thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Bài 3: Tháng tư - những “đứa con” Trường Sa trở về đất “mẹ”

(HBĐT) - 3 năm, hay dù có lâu hơn nữa thì cuộc chiến đấu giành lại Trường Sa về với đất mẹ của những người lính trong "mùa xuân đại thắng” vẫn luôn là một dấu son lịch sử không bao giờ phai nhóa trong tâm trí người dân Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục