(HBĐT) - Cho đến bây giờ, trong chuyến hải trình cùng con tàu Trường Sa 571, tôi mới hiểu tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua, anh bạn học cùng Đại học, hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí trung ương(vốn là một người lính Trường Sa sau khi hết nghĩa vụ quân sự mới về đất liền thi đại học), trong tất cả bài viết của mình đều lấy bút danh Phương Đông. Bởi, phía mặt trời mọc ấy cũng là Trường Sa...


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác, cùng các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Hải Quân chào CBCS Lữ đoàn 146 trước khi lên đường dì thăm Trường Sa và nhà giàn DK1

Biển thử lòng người

Chiều, nắng chói chang như dát vàng trên Quân cảng Cam Ranh. Con tàu Trường Sa 571 ở đó tự bao giờ để đón chờ chúng tôi - những người mang thêm "hơi ấm” đất liền ra với đảo. Đúng 17h ngày 27/4, tàu Trường Sa 571 nổi hồi còi dài chào Quân cảng Cam Ranh; chào đất liền, đưa đoàn công tác với 221 cán bộ, nhân dân các tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Đắc Nông, Sơn La... đến với quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Dù cho, được thượng úy Lê Văn Sao, thuyền phó tàu Trường Sa 571 trấn an; tháng tư là mùa biển lặng, không có giông tố nên sóng chỉ vỗ nhẹ thân tàu. Nghe vậy, sự háo hức, phấn khởi luôn thường trực trên khuôn mặt mỗi người. Cũng đúng thôi, vì trong chuyến đi này, hầu hết là những người đầu tiên đi biển, lần đầu tiên được đến với Trường Sa.

Quả thực, từ quân cảng đi đến hết vịnh Cam Ranh trời trong, mây nước mênh mông. Biển dịu dàng như một cô gái hiền thục tuổi trăng tròn. Nhưng càng đi, biển càng rộng mãi, vẫn những con sóng ấy xô vỗ mạn tàu liên miên, bất tận. Có lẽ, khi ấy sóng không còn dịu êm. Chưa ai say sóng, nhưng ai cũng vậy, đều có những bước đi chếnh choáng. Mơ hồ như mình đã say, cô bạn cùng trên chuyến tàu bất chợt hỏi vu vơ:

- Bao giờ biển mới hết sóng anh nhỉ!

Chẳng ai có thể trả lời cho em câu hỏi ấy. Bởi không có sóng, biển sẽ không còn là biển. Và nữa, không có sóng, chắc gì hải trình đến với Trường Sa của tôi, của em và của những người đang có mặt trên con tàu Trường Sa 571 và nhiều nhiều người dân trên khắp đất nước Việt Nam này còn những điều thi vị. Đến với Trường Sa trên một hải trình dài là đến với vùng đất máu thịt, thiêng liêng của Tổ quốc - nơi mà ai cũng mong ước trong đời một lần được đặt chân đến. Vậy thì hãy cứ để biển, để sóng thử thách lòng người. Vượt muôn trùng sóng bạc, trái tim mình sẽ thổn thức yêu thương nơi Tổ quốc rộng dài.

Ấy là Trường Sa của đất mẹ Việt Nam!


Các thành viên đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu sơ đồ bố trí nơi ăn nghỉ của con tàu HQ517 trước lúc rời cảng Cam Ranh

"Đi để thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn…”

Điều đó, không chỉ riêng tôi, riêng chị Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy mà hầu như ai trong chuyến hải trình đến với Trường Sa trên chuyến tàu Trường Sa 571 này cũng đều nghĩ vậy. Đây là lần đầu tiên chị Oanh và hơn 20 đồng chí trong đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình có được vinh dự ra thăm, động viên quân và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. "Với Trường Sa thì mình đã được nghe nhiều, xem nhiều qua báo chí, qua phim ảnh nhưng đây là lần đầu tiên được đến với Trường Sa nên cũng rất háo hức. Với mình, chuyến đi này không chỉ có ý nghĩa là được biết, được đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Mà hơn hết, chuyến đi này nó sẽ truyền cảm hứng, làm cho mình thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn...”, chị Oanh chia sẻ.

Vâng, chính cái ý thức "sống có trách nhiệm” đã trở thành một cảm hứng lan truyền trong mỗi người dân khi nói, khi nghĩ về, hướng về Trường Sa thân yêu. Như Mai - cô nhân viên lễ tân khách sạn Trường Sa (Cam Ranh - Khánh Hòa) khi chúng tôi gặp đã chia sẻ: Em không biết ở những nơi khác thế nào chứ ở đây (thành phố Cam Ranh - PV) những ai được đi thăm quần đảo Trường Sa là một vinh dự vô cùng to lớn. Chỉ có những người đạt được những thành tích thật đặc biệt, thật xuất sắc trong công việc và cuộc sống thì mới có đươc vinh dự đó. Ở đây, chúng em ai cũng mong muốn một ngày nào đó được đi ra thăm quần đảo Trường Sa nên dù làm bất cứ công việc nào, công việc gì chúng em đều luôn cố gắng mỗi ngày. Để một ngày nào đó cũng có được cái vinh dự đứng xêp hàng chào cờ dưới những cột mốc chủ quyền nơi đảo xa.

Chúc cho những cố gắng, nỗ lực của em sẽ được ghi nhận để ước mong chân thành, giản dị kia trở thành sự thật. Để em và nhiều người nữa sẽ trở thành những đại biểu ưu tú của thành phố cảng Cam Ranh vinh dự đến với Trường Sa. Vì Trường Sa cũng luôn mong được đón nhận những tình cảm tốt đẹp xuất phát từ nơi trái tim biết yêu thương, biết sống có trách nhiệm ấy.


CBCS thủy thủ đoàn tàu Trường Sa 571 vận chuyển hàng hóa và quà lên tàu mang ra tặng quân - dân trên đảo Trường Sa.


CBCS Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải Quân làm nghi lễ chào tàu Trường Sa 517 trước khi lên đường làm nhiệm vụ.


CB sỹ quan chỉ huy trên khoang lái con tàu Trường Sa 571 đưa đoàn công tác hướng về quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Theo đại tá Hoàng Ngọc Trác, Chủ nhiệm Kỹ thuật - Quân Chủng Hải Quân, Phó trưởng đoàn công tác thì: trong những năm qua, Quân và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đã được đón nhận tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Mỗi năm, Quân chủng Hải Quân tiếp nhận hàng trăm đoàn ở các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị đăng ký với quân Chủng để đi thăm quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn nên Quân chủng cũng chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu ấy. Quân và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cũng rất mong tiếp tục được đón nhận và đáp lại những tình cảm thân thương ấy với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa sẽ vì cả nước”...

(còn nữa)

Mạnh Hùng


Các tin khác


Ký Sự Trường Sa

(HBĐT) - Tháng 4 - mùa biển lặng chúng tôi theo những con tàu hướng về Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đi theo dấu chân của những vị "hùng binh” thủa trước trần mình đạp sóng vươn khơi giữ đảo, giữ biển cho đến lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh tiếp bước trở thành những "hùng binh” nơi Trường Sa suốt bốn mùa sóng vỗ...

Tuổi trẻ rực lửa trong ký ức của người lính đặc công

(HBĐT) - Thời gian, tuổi tác, bệnh tật không xóa nhòa ký ức của một chiến sỹ đặc công ngày nào dầm mình trong mưa bom, bão đạn góp phần làm nên những ngày tháng tư lịch sử. Cả tuổi trẻ gắn với chiến tranh, cả cuộc đời ông là những trang binh nghiệp oai hùng.

Mùa khát ở Mường âm

(HBĐT) - Mảnh ruộng gần 1.000 m2 trồng ngô, lạc của gia đình anh Bùi Văn Chiến ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy) dù ở ngay cạnh kênh dẫn nước nhưng vẫn phải đối mặt với "cơn khát” dai dẳng. Bởi ngay cả con kênh dài hàng km có nhiệm vụ dẫn nước tưới cho vùng đất này cũng đang trong tình trạng khô cháy...

Cuộc đối thoại thú vị của hai vị tướng ở hai chiến tuyến

Kỷ niệm 50 năm giải phóng Khe Sanh (1968-2018), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể lại cuộc đối thoại thú vị giữa ông với viên tướng nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy quân Lục chiến Mỹ ở chiến trường Khe Sanh và câu chuyện quanh tấm ảnh ông bắt tay lãnh tụ Fidel castro khi lãnh tụ Fidel vào thăm Quảng Trị cách đây 40 năm.

Hoa Lư - nơi nghìn năm ghi dấu khai quốc đất Việt

(HBĐT) - Ngày 24/4 tới đây tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) tại vùng đất cố đô Hoa Lư. Đây là hoạt động mang ý nghĩa, tầm vóc lớn lao, ghi đậm dấu ấn về ý chí vươn lên, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sánh ngang hàng với các triều đại Trung Hoa. Từ đây mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, tự tôn mới của dân tộc sau nghìn năm đêm đen Bắc thuộc...

Về một người anh hùng của trận đánh Khe Sanh

"Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng”. Ông Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nói chân thành như vậy khi nhìn lại cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp của mình. Ông Nhương đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và 54 tên địch, trong đó có chiến công tại sân bay Tà Cơn, góp công vào chiến thắng Khe Sanh lịch sử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục