Thế trận "Bạch Đằng giang” ở Cô Lin
Gọi là đảo, nhưng thực tế Cô Lin chỉ là dải cát san hô dài dăm bảy trăm mét mỗi khi nước cạn. Có dạng một hình tam giác nhưng cạnh hơi cong. Còn khi nước thủy triều dâng thì những dải san hô hoàn toàn mất dấu dưới làn nước biếc xanh thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 9 hải lý, cách Gạc Ma khoảng 4 hải lý và cách Len Đao khoảng 7 hải lý.
Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, cùng với Len Đao, Gạc Ma, Cô Lin là nơi mà Trung Quốc nhắm đến nhằm thực hiện hành vi chiếm đóng. Tuy nhiên với sự mưu trí, dũn cảm, sáng tạo trong chiến đấu, ta đã bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Cô Lin. Sau trận hải chiến năm 1988, chiến sĩ ta phải dựng những chiếc lều để ở tạm. Còn hiện nay, được Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, Cô Lin đã được xây mới. Ngay sát ngôi nhà cũ được xây trên mỏm đá san hô, vừa qua Cô Lin đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa đa năng vững chắc có 3 tầng giữa bốn bề sóng cả. Thượng úy Ngô Văn Bun, Chính trị viên đảo Cô Lin cho chúng tôi biết: Cô Lin là đảo cấp 3 với nhiều bãi đá ngầm nên việc di chuyển để vào đảo rất khó khăn, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cũng hoàn toàn trông chờ vào những trận mưa hoặc là những chuyến tàu chuyển hàng ra đảo.
Thế trận Bạch Đằng giang được tái hiện góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ Cô Lin, chỉ một tầm mắt là trông thấy Gạc Ma. Do vậy, Cô Lin giống như một ngọn hải đăng luôn dõi theo về phía trước. Nơi ấy, những người lính Cô Lin vẫn đang ngày đêm canh giữ biển trời, quyết giữ từng hòn đá mồ côi, từng cánh chim biển, từng rạn san hô trước mưu đồ xâm chiếm của những kẻ tham lam ở ngay phía đối diện với tâm nguyện "còn người, còn đảo, còn Tổ quốc”.
Chỉ tay về phía trước, đại úy Nguyễn Văn Cường, Chỉ huy trưởng đảo Co Lin bảo: các anh thấy không, do nằm cách không xa Gạc Ma - nơi Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép nhưng dã tâm đó vẫn chưa từ bỏ đối với Cô Lin. Thế nên nhiều lần tàu Trung Quốc đã áp sát, thực hiện việc do thám, trinh sát điểm đảo Cô Lin. Tuy nhiên, anh em CBCS trên đảo đã kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi buộc chúng phải trở về phía bên kia. Để ngăn chặn sự nhòm ngó nhằm tiếp tục thực hiện phục vụ cho âm mưu độc chiếm biển đông của phía Trung Quốc, những năm qua Quân chủng Hải Quân đã tổ chức "rào giậu” xung quanh đảo bằng những cột bê tông vững chắc nhằm ngăn chặn tàu địch đến quấy nhiễu cũng như trinh sát từ xa.
Đoàn công tác số 11 cùng quân - dân trên đảo Sinh Tồn
tổ chức chào cờ kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng đảo.
Nhìn theo hướng chỉ tay của đại úy Nguyễn Văn Cường, là những cọc bê tông cốt thép cắm sâu vào lòng biển trên dải đá san hô Cô Lin có một phàn nhô lên mặt nước. Nhìn về hướng những chiếc cọc bê tông thẳng hàng, đều tăp tắp nhô lên khỏi mặt nước, có ai đó đã bảo với tôi rằng: nơi đó sẽ lại là một "Bạch Đằng giang” trên đảo Cô Lin dành cho quân xâm lược nếu chúng dám đến động đến Cô Lin. Không chỉ ở Cô Lin, mà ở hầu hết các điểm đảo chúng tôi đặt chân đến, luôn là một thế trận "Bạch Đằng giang” vững vàng phía trước trên vùng biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng hát Quốc ca trên đảo Sinh Tồn
Đến đảo Sinh Tồn, mọi người đều có chung một cảm nhận, đây chính là một trong những điểm đến đặc biệt nhất trong suốt chuyến hải trình. Bởi giữa trùng khơi, chúng tôi lại được hát Quốc ca trong một lễ chào cờ trang trọng cùng với quân và nhân dân trên đảo; cùng được sống lại ký ức về ngày giải phóng đảo cách đây vừa tròn 43 năm vô cùng ý nghĩa mà không phải ai ra thăm quần đảo Trường Sa cũng có được niềm vinh dự này.
Lần đầu tiên tiếng chiêng cái hồn Mường được gióng lên trên đảo Sinh Tồn.
Lãnh đạo Quân chủng hải quân và đoàn công tác thăm quan khu tăng gia sản xuất của CBCS trên đảo Cô Lin.
CBCS trên đảo xa gửi tình cảm tin yêu, nông ấm, thân thương về với đất liền.
Thú thật, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể quên được giây phút xúc động và tự hào khi 221 người trong đoàn công tác và CBCS cùng nhân dân trên đảo Sinh Tồn cùng hát Quốc ca giữa muôn trùng sóng gió, trên mảnh đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Trong buổi lễ ấy tôi thấy tất cả những đôi măt đều hướng về lá cờ Tổ quốc, hướng về cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn với niềm tự hào về Tổ quốc về những người con anh dũng, hiên ngang sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để cho đất nước trường tồn trong dặm dài của lịch sử. Khi bài hát Quốc ca được cất lên nơi máu thịt thiêng liêng, trái tim ai cũng cùng chung một nhịp.
Tự hào lắm Việt Nam ơi!
(Còn nữa)
Mạnh Hùng