(HBĐT) - Đảo Trường Sa lớn sừng sững, hiên ngang hiện ra trước sự háo hức của chúng tôi sau nhiều ngày lênh đênh trên biển. Ba hồi còi tàu vang lên chào đảo hòa chung với tiếng nói tự hào từ trong tim: Chào Trường Sa!


Đoàn công tác của tỉnh chụp ảnh bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn


Đoàn công tác của tỉnh động viên cán bộ, chiến sĩ người Hòa Bình đang công tác tại đảo Trường Sa.

Hiên ngang Trường Sa

Trường Sa lớn là điểm đảo cuối cùng trong 10 điểm đảo chúng tôi đến thăm trong chuyến hải trình hơn 900 hải lý (gần 2.000 km). Khi con tàu Trường Sa 571 vừa cập cảng, cùng với tiếng sóng vỗ bờ, Trường Sa lớn đón chúng tôi bằng những nụ cười thân thiện. "Để sống và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những người lính chúng tôi ngày đêm đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên; sự thiếu thốn về tình cảm và vật chất. Nhưng lòng yêu nước, sự kiên cường, đồng lòng của CB,CS và người dân trên đảo đã tạo nên tầm thế hiên ngang của Trường Sa” - đứng trên cầu tàu nhìn về phía đại dương bao la, đại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân kiêm Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa chia sẻ.

Đến Trường Sa lớn, một lần nữa trái tim chúng tôi cùng chung một nhịp khi hướng đôi mắt về phía lá cờ Tổ quốc, cùng hát Quốc ca với tư thế hiên ngang, tự hào. Thật khó có thể diễn tả bằng lời về những người lính biển hiên ngang, vững vàng nơi sóng gió biển khơi. Điều này, nói như đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình, Trưởng đoàn công tác số 11 thì: Đến với quần đảo Trường Sa, ở đâu chúng tôi cũng nhìn thấy sự hiên ngang của người lính đảo. Sự hiên ngang không chỉ thể hiện ở những điều to tát mà bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé, những giọt mồ hôi trong lao động, khổ luyện giữa nắng biển gay gắt; trong phong ba, bão tố và cả trong âm thầm chịu đựng những khát khao...

Đảo Trường Sa lớn được mệnh danh là thủ đô của huyện đảo Trường Sa. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và quyên góp, ủng hộ của đồng bào cả nước, bộ mặt của Trường Sa lớn đổi thay từng ngày. Nơi chúng tôi đặt chân lên đảo đầu tiên là chiếc cầu cảng được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay trần vạm vỡ, vững chắc vươn ra đón nhận những con tàu có trọng tải hàng nghìn tấn đến với đảo. Trường Sa lớn bây giờ như một khu phố trên biển. Bước qua cầu cảng là con đường thẳng tắp, hai bên phủ đầy cây xanh chạy thẳng vào cột mốc chủ quyền. Theo trung tá Lê Đại Thành, Chính trị viên phó đảo Trường Sa lớn thì: Trước đây, đảo Trường Sa là hòn đảo nổi tiếng nắng gió, khắc nghiệt nhưng đến nay đã hoàn toàn thay đổi. Nếu như xưa, đảo chỉ có cát, san hô và nước mặn, thì nay, những tầng cây xanh ngắt; tiếng chuông chùa vang vọng mỗi khi chiều tà bình yên; những âm thanh tíu tít vui đùa của lũ trẻ sau giờ tan học; những trận bóng chuyền sôi nổi... đã làm cho Trường Sa lớn giống như một làng quê yên bình mà chúng tôi gặp trên khắp đất nước Việt Nam.

Chính cảm giác thân thuộc, bình yên đó đã làm cho Trường Sa trở nên gần hơn với đất liền. Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ: Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, còn gì hơn khi được đặt chân lên những hòn đảo yêu dấu, được chạm tay vào cột mốc chủ quyền của đất nước nơi đầu sóng. Đến với Trường Sa, được gặp gỡ những người lính biển kiên cường, đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi càng thấy thiết tha yêu quê hương, Tổ quốc mình. Những ngày đến với quần đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến những người lính chịu cảnh thiếu thốn, khó khăn đủ bề nhưng vẫn kiên cường gìn giữ từng tấc đảo, sải biển quê hương, tôi vô cùng cảm phục về sự hy sinh cao cả của họ. Vượt lên trên tất cả đó chính là tinh thần lạc quan, luôn vững vàng trước mọi sóng gió, sẵn sàng hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với tôi, Trường Sa giờ đây không đơn giản chỉ là những chấm nhỏ trên bản đồ đất nước mà đã thành hình cụ thể những khuôn mặt, nụ cười đầy hào sảng; một thế đứng hiên ngang của người lính biển - thế đứng của Tổ quốc nơi đảo xa.

Trường Sa - nơi gửi lại "hồn Mường”

"Khi nghe thấy "giọng” chiêng được cất lên trầm hùng, em đã không cầm được lòng mình, chạy vội ra nơi tiếng chiêng vọng lại như ngày ở nơi quê nhà mỗi khi nghe tiếng chiêng giục giã trong những ngày hội làng”, thượng úy Bùi Văn Hải quê xóm Vó Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) - người Mường Hòa Bình chúng tôi gặp ở đảo Trường Sa lớn chia sẻ.

Hải kể: ở Trường Sa lớn có 2 anh em người Hòa Bình và 2 anh là rể Hòa Bình. Do cùng thực hiện nhiệm vụ nơi hải đảo xa xôi nên anh em thường xuyên gặp gỡ, thân thiết như anh em một nhà. Khi nghe tiếng chiêng Mường cất lên, mấy anh em chẳng ai bảo ai cứ theo tiếng vọng ấy mà chạy thật nhanh về phía trước.

Còn thiếu úy Nguyễn Xuân Sang, người con ở thôn Quèn Chương, xã Cao Thắng (Lương Sơn) không giấu được sự xúc động trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi: Khi tiếng chiêng được cất lên nơi quần đảo Trường Sa, em cảm nhận rõ trong đó là sự yên bình ở quê hương mình. Em thấy trong đó đầy ắp sự thân thương, như góp thêm hơi ấm, âm vang của hồn Mường với những người lính chúng em ở nơi đảo xa.

Cùng chung cảm xúc đó, đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn chia sẻ: Thú thực, khi nghe tiếng chiêng được gióng lên nơi đảo xa mình có cảm giác tự hào, phấn khởi. Bởi tiếng chiêng như một thông điệp về sự yêu thương, tình yêu quê hương, góp thêm hơi ấm của quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình gửi đến Trường Sa.

Nói như đồng chí Bùi Văn Tỉnh thì: 13 chiếc chiêng được đoàn công tác thay mặt nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tặng CB,CS trên quần đảo Trường Sa cùng với vật phẩm văn hóa của 54 dân tộc anh em đang được lưu giữ, hiện hữu nơi đây đã thêm khẳng định vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, nơi biển, đảo, máu thịt thiêng liêng mà muôn triệu con tim người Việt cùng hướng về.

Vâng! xin gửi lại "hồn” Mường nơi đảo xa...

Thay lời kết

Rời xa Trường Sa. Trở về đất liền sau nhiều ngày, tôi vẫn không thể quên những cánh tay dang rộng chào đón; những gương mặt đầy lạc quan và nước da rám nắng ánh lên sự tươi trẻ, dạn dày sương gió; không thể quên những giậu mùng tơi, luống rau xanh mát tình làng quê và những thế hệ người lính vẫn hiên ngang trước biển để làm nên một Trường Sa vĩ đại mà thân thương. Nơi đó đã là "Trường Sa đất - một phần thân thể/Trường Sa hồn - Tổ quốc ở Trường Sa”; Dù chỉ một lần đến, xin gửi lại trái tim nơi đảo xa, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc...

 


Giữa trùng khơi, lá cờ Tổ quốc vẫn hiên ngang trước sóng gió.


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn


Hiên ngang người lính biển - người lính Trường Sa


Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy gióng chiêng, gửi lại  hồn Mường nơi đảo xa


Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng huyện đảo Trường Sa số tiền 2 tỷ đồng.

Mạnh Hùng

Các tin khác


Bài 4 – Cuộc hành trình đi về phía mặt trời

(HBĐT) - Cho đến bây giờ, trong chuyến hải trình cùng con tàu Trường Sa 571, tôi mới hiểu tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua, anh bạn học cùng Đại học, hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí trung ương(vốn là một người lính Trường Sa sau khi hết nghĩa vụ quân sự mới về đất liền thi đại học), trong tất cả bài viết của mình đều lấy bút danh Phương Đông. Bởi, phía mặt trời mọc ấy cũng là Trường Sa...

Khoảng lặng bên Tượng đài Tây Tiến Mộc Châu

(HBĐT) - Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến) đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam bằng những dấu son chiến công đặc biệt. Trung đoàn cũng đi vào thi ca, nhạc họa và tạo nên những giá trị tinh thần bền bỉ cùng thời gian. Ghi nhận những chiến công, sự hy sinh mất mát của người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc đã có nhiều tượng đài, con đường, trường học mang tên Tây Tiến. Tượng đài ở Châu Trang (Thượng Cốc - Lạc Sơn), đài tượng niệm ở ngã ba Chăm Mát (thành phố Hòa Bình), tượng đài ở Mường Lát (Thanh Hóa)…

Xông lên chỉ với cây súng trường trong tay

(HBĐT) - 64 năm đã trôi qua nhưng tinh thần chiến đấu quyết tử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người chiến sĩ Điện Biên Phủ. Những chàng thanh niên tuổi đôi mươi quê hương đồng bằng đã tình nguyện nhập ngũ, hành quân ngược núi vượt đèo lên đến Điện Biên Phủ. Thức ăn là củ sắn củ mài, doanh trại là núi rừng và hang đá nhưng họ đã dũng cảm, vững tay súng xông lên, cùng trải qua 3 đợt chiến đấu gay go và gian khổ liên tục trong 56 ngày đêm để làm nên thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Bài 3: Tháng tư - những “đứa con” Trường Sa trở về đất “mẹ”

(HBĐT) - 3 năm, hay dù có lâu hơn nữa thì cuộc chiến đấu giành lại Trường Sa về với đất mẹ của những người lính trong "mùa xuân đại thắng” vẫn luôn là một dấu son lịch sử không bao giờ phai nhóa trong tâm trí người dân Việt Nam.

Bài 2 - Chuyện của những chàng “Sơn Tinh” giữ đảo

(HBĐT) - Với đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Thuỷ; thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, Chánh thanh tra quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh hay thương tá Mai Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm kỹ thuật - Bộ CHQS tỉnh - những người đã từng cầm súng giữ đảo thì Trường sa gần lắm. Vì Trường Sa đã ở trong tim rồi...

Ký Sự Trường Sa

(HBĐT) - Tháng 4 - mùa biển lặng chúng tôi theo những con tàu hướng về Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Đi theo dấu chân của những vị "hùng binh” thủa trước trần mình đạp sóng vươn khơi giữ đảo, giữ biển cho đến lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh tiếp bước trở thành những "hùng binh” nơi Trường Sa suốt bốn mùa sóng vỗ...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục