CBCS đảo Tiên Nữ tăng gia sản xuât, chủ động nguồn rau xanh phục vụ CBCS trên đảo
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy hỏi thăm, động viên CBCS trên đảo An Bang.
Giữa trùng khơi, đảo Tiên Nữ luôn vững vàng là vị trí tiền tiêu phía Đông của Tổ quốc.
Bình minh trên đảo Tiên Nữ
Chúng tôi đến đảo Tiên Nữ vào đúng ngày 30/4/2018. Đó là một ngày đặc biệt, bởi tại đây, CB,CS trên đảo tổ chức lễ kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa 43 năm về trước.
"Tàu chạy đêm. Hải trình từ đảo Cô Lin đến đảo Tiên Nữ là 65 hải lý. Phải chạy cả đêm. Sáng sớm ngày 30/4 tàu sẽ có mặt tại Tiên Nữ. ở đó có điều đặc biệt đang chờ chúng ta”, thiếu tá Đinh Hữu Đoan, thuyền trưởng tàu Trường Sa 571 úp mở, gợi nên sự tò mò, háo hức đối với chúng tôi.
Thú thực là lần đầu tiên đi biển dài ngày, được đặt chân đến mảnh đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi sóng, với chúng tôi, điểm đến nào cũng là một điều đặc biệt được khắc ghi trong tâm trí.
- Còn có thêm những điều đặc biệt gì đang chờ phía trước?
Câu hỏi của một đồng nghiệp lần đầu tiên đi trên chuyến hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa làm tôi bối rối. Có lẽ phải đợi đến sáng mai. Sáng sớm ngày 30/4/2018, tàu thả neo, những ánh nắng ấm áp xuyên qua ô cửa phòng ngủ trên tàu. Đảo Tiên Nữ bừng sáng trong nắng mai cách đó không xa. Như vậy, tàu đã đến Tiên Nữ.
- Sao bây giờ mới có 4h30’ mà trời đã sáng rõ lại còn có nắng?!
Những người cùng phòng đều bật dậy ngơ ngác hỏi nhau. Thì ra đây là điều đặc biệt mà thuyền trưởng Đinh Hữu Đoan đã nói hôm trước. Đảo Tiên Nữ nằm ở vĩ độ 08051’00’’ Bắc, kinh độ 114038’20’’ Đông. Đây chính là đảo ở xa nhất về phía Đông trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa ở cực Đông trên biển Đông thuộc chủ quyền của nước ta. Do vậy, đây chính là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Mang sự tò mò đầy thú vị này lên đảo hỏi đại úy Tô Văn Thư, được biết: Cái tên Tiên Nữ không phải do lính đảo đặt mà là do ngư dân đặt, gắn với truyền thuyết mà chỉ có những ngư dân từng nhiều năm đánh bắt ở khu vực này mới nắm rõ. Chỉ biết là, ngày xưa, vùng biển này nhiều sóng to gió lớn, tàu bè qua lại nhiều thường hay bị đắm. Có 7 nàng tiên khi đó du ngoạn qua đây, cô tiên út thấy ngư dân vất vả vật lộn với sóng dữ quanh năm nên tự nguyện ở lại đây cứu giúp. Cô hóa thành một khối đá lớn nhô lên từ mặt biển, các loài thủy tộc cũng theo đó tụ lại thành những mũi đá che sóng. Từ đó, mỗi khi có sóng to gió lớn, ngư dân đánh bắt xa bờ thường tìm về nơi này tránh trú an toàn và được gọi là đảo Tiên Nữ.
Đảo Tiên Nữ cách đất liền gần 400 hải lý, là nơi duy nhất của Việt Nam đón nhận tia nắng bình minh đầu tiên. "CB,CS đang làm nhiệm vụ trên hòn đảo này là những người nhìn thấy mặt trời lên trước đất liền gần một tiếng đồng hồ”, đại úy Tô Văn Thư chia sẻ thêm. Đảo đá Tiên Nữ có vị trí rất quan trọng của quần đảo Trường Sa. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản trong khu vực này. Là đảo nằm ngoài cùng của sườn phía Đông quần đảo Trường Sa, Tiên Nữ có vai trò là một vị trí tiền tiêu của quần đảo, là nơi phát hiện mục tiêu từ xa và cùng với các đảo khác trong quần đảo tạo thành lá chắn bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Là nơi xa đất liền nhất nhưng CB,CS đảo Tiên Nữ với tình yêu biển, đảo luôn gắn bó, đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
An Bang đẹp dịu dàng sau những con sóng dữ
Nếu Tiên Nữ là điểm cực Đông thì An Bang chính là điểm cực Nam của quần đảo Trường Sa trong chuyến hải trình mà chúng tôi được đặt chân đến. Rời đảo Thuyền Chài C, con tàu Trường Sa 571 hướng mũi về điểm đảo An Bang nằm ở cực Nam quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. An Bang đón chúng tôi khi những nụ cười của người lính ở đảo Thuyền Chài C vẫn còn nguyên trong tâm trí. Con tàu Trường Sa 571 neo cách đảo An Bang khoảng 2 hải lý. Nhìn từ xa, An Bang hiện lên với vẻ đẹp kỳ vĩ với những con sóng nối tiếp vỗ bờ, tung bọt trắng xóa; của gió, của bãi cát san hô chạy dài sát mép biển và cả màu xanh yên bình của những cây bàng vuông đang hồi sinh sau bão.
Nhìn về phía đảo An Bang, thượng úy Lê Tiến Thông, thủy thủ tàu Trường Sa 571 - người trực tiếp điều khiển xuồng đưa chúng tôi vào đảo dặn dò: Đây là điểm đảo có đặc thù là sóng lớn nên khi đưa các đoàn công tác vào thăm rất khó khăn. Những chuyến trước, do sóng lớn nên nhiều đoàn công tác đã không thể vào thăm đảo được. Hôm nay, trời đẹp, sóng gió cũng bớt dữ dằn nên các anh chị có thể vào đảo được nhưng cũng phải cẩn thận với những con sóng "lừ” bởi những cơn sóng đó có thể đánh lật xuồng chứ chẳng chơi.
Giải thích với chúng tôi về những con sóng dữ lúc nào cũng cồn dưới chân đảo, trung úy Nguyễn Ngọc Tùng quê ở vùng núi Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết: Khó khăn lớn nhất của đảo An Bang so với các đảo khác là do phía chân đảo có các rặng san hô dựng đứng cộng với dòng chảy sâu, nước xiết gần như quanh năm nên đây là điểm đảo tàu, xuồng khó cập bến nhất của quần đảo Trường Sa. Nhiều khi chỉ là những cơn gió cấp 3, cấp 4 thì những chuyến xuồng cập bến vào đảo cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có nhiều lần xuồng không thể cập bến. Cũng là điểm cực Nam của quần đảo Trường Sa nên An Bang là một trong những điểm đảo thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão tố. Điển hình như trong cơn bão số 16 năm 2017, tâm bão đổ bộ trực tiếp vào An Bang. Ngoài mưa gió, những cơn sóng dữ cứ sầm sập trút xuống đảo. Do vậy, toàn bộ cây xanh trồng trên đảo bị sóng, gió vùi dập, gãy đổ ngổn ngang... Dù phải hứng chịu những bất lợi từ thiên nhiên với những trận giông tố, bão bùng nhưng giữa màu xanh của biển cả, của mây trời, An Bang vẫn đẹp dịu dàng với màu xanh tốt tươi của bàng vuông và nhiều loại cây trồng trên đảo. Thêm nữa, ở An Bang cũng có điều đặc biệt. Dưới chân đảo cũng có một bãi cát san hô di chuyển theo mùa chạy vòng quanh đảo. Khi bãi cát chạy hết vòng là cũng vừa tròn một năm...
Rời An Bang trong ráng chiều biển cả bình yên. Không thể quên được nụ cười tươi giòn của những chàng trai nơi biển cả thật rắn rỏi và trẻ trung. Lại chẳng thể quên được đảo nổi An Bang vươn lên từ biển khơi nhuộm vàng nắng, gió. Nơi ấy, suốt bốn mùa ngát xanh màu bàng vuông; vẫn ngạo nghễ dáng đứng người lính biển vững niềm tin, chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trước muôn trùng sóng gió...
Hiện nay đảo Tiên Nữ là một trong số ít đảo trên quần đảo Trường Sa được lắp đặt hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt.
Dù là đảo nổi nhưng để trồng được rau, CB,CS trên đảo An Bang rất vất vả trong việc chăm sóc.
Vạt nắng An Bang!
CBCS đảo An Bang luôn vững tay súng, nêu cao tinh thần cảnh giác SSCĐ không để bị bất ngờ trong mọi tình huống
Mạnh Hùng