(HBĐT) - Trung đoàn 52 (Trung đoàn Tây Tiến) đã đi vào lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam bằng những dấu son chiến công đặc biệt. Trung đoàn cũng đi vào thi ca, nhạc họa và tạo nên những giá trị tinh thần bền bỉ cùng thời gian. Ghi nhận những chiến công, sự hy sinh mất mát của người lính Tây Tiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc đã có nhiều tượng đài, con đường, trường học mang tên Tây Tiến. Tượng đài ở Châu Trang (Thượng Cốc - Lạc Sơn), đài tượng niệm ở ngã ba Chăm Mát (thành phố Hòa Bình), tượng đài ở Mường Lát (Thanh Hóa)…
Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật Trung đoàn 52
Tây Tiến (Khu di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến) là "địa chỉ đỏ” của các tầng lớp nhân dân mỗi khi đến
với thị trấn Mộc Châu (Sơn La).
Đặc biệt, tại đồi Nà Bó, tiểu khu 12, thị trấn
Mộc Châu, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), khu di tích lịch sử lưu niệm trung đoàn
52 Tây Tiến được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.
Đầu năm, trở lại Mộc Châu, thắp nén hương thơm tại khu
di tích lịch sử, bỗng thấy bao điều thiêng liêng, lớn lao ùa về. Đã hơn 70 năm
rồi… kể từ ngày Trung đoàn trung dũng được thành lập và đi vào lịch sử, đi vào
lòng người bằng những nét son chói sáng,
Một điều tình
cờ, khi trong buổi chiều này lại có cả đoàn các cựu sinh viên ở Hà Nội, các em
nhỏ trường tiểu học Tây Tiến (Mộc Châu) và cả một nhóm các bạn trẻ đi "phượt”
cùng tụ hội. Trong làn khói hương cùng với giai điệu nhạc sâu lắng và giọng nói
truyền cảm của hướng dẫn viên khu di tích…đã thấy nơi khóe mắt ai lấp lánh giọt
nước mắt….
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đầu năm 1947,
mặt trận miền Tây được thành lập và Trung đoàn Tây Tiến đã hòa sức mình cùng
toàn quân, toàn dân Tây Bắc làm nên nhiều chiến tích nơi miền Tây Tổ quốc.
Không chỉ đánh giặc bảo vệ vùng biên viễn Tây Bắc,
Trung đoàn còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với
cách mạng Lào. Mỗi nơi Trung đoàn đi qua đều để lại tình quân, dân đậm tình
nghĩa.
Cùng với những trang lịch sử của Trung đoàn ghi lại
những chiến công, sự gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ Tây Tiến trên những
ngọn núi, cánh rừng Việt-Lào, lịch sử Trung đoàn còn được khắc họa trong bài
thơ nổi tiếng "Tây Tiến” của nhà thơ tài danh Quang Dũng - cũng là một trong
các chiến sĩ Tây Tiến oai hùng, lãng mạn năm nào.
Cũng vì thế mà những địa danh trong bài thơ "Tây Tiến”
cũng là một "địa chỉ đỏ” cho mỗi du khách mỗi khi đến thăm như: Mai Châu, Mai
Hịch (Hòa Bình), Châu Mộc, Pha Luông (Sơn La), sông Mã, Sài Khao, Mường Lát
(Thanh Hóa), Sầm Nưa, Viên Chăn(Lào)…
Từ năm 2006, tại đồi Nà Bó (thị trấn Mộc Châu) đã hình
thành di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến cấp tỉnh (Sơn
La) với một số hạng mục khá đơn giản. Năm 2015, từ ý nguyện của các tầng lớp
nhân dân và nhất là các chiến sĩ Tây Tiến năm nào, khu di tích đã được trùng
tu, tôn tạo với những sáng tạo về kiến trúc, ý tưởng độc đáo.
Khu di tích được thiết kế dựa theo ý tưởng của bài thơ
"Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng với không gian Tây Bắc hùng vĩ, gian khổ,
khắc nghiệt năm nào cùng hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa, lãng
mạn. Cuối năm 2017, khu di tích đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích
quốc gia.
Trên diện tích 5.000 m2, toàn bộ di tích có 7 hạng mục
chính (3 khu vực) mà mỗi hạng mục đều từng xuất hiện thấp thoáng trong bài thơ.
Có thể bắt gặp ở đây hình ảnh người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân -
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hình ảnh, tư liệu, bức thư gửi Trung đoàn Tây Tiến…),
bức tượng Quang Dũng, các gương mặt tiêu biểu-chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến…
Những chàng trai Hà Nội năm nào đã gác bút nghiên và khoác trên vai ba lô, khẩu
súng lên Hòa Bình, vượt dốc Thung Khe, Mai Châu lên Mộc Châu, qua đỉnh Pha
Luông, qua sông Mã anh dũng chiến đấu suốt dải biên giới Việt - Lào; chia lửa
cùng các chiến sĩ cách mạng Lào ở Sầm Nưa (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng, Viên Chăn…
Cho nên cũng dễ thấy những bông lau, cây hoa Chăm pa (loài hoa biểu tượng của
nước Lào anh em), Thạt Luổng-biểu tượng của tinh thần nước Lào (do tỉnh Hủa
Phăn-tỉnh kết nghĩa với Hòa Bình xây tặng) hiện diện tại khu di tích…
Góc tài hoa Tây Tiến
Mỗi công trình được xây dựng đều mang ý nghĩa, diễn tả
lại không khí, cuộc sống chiến đấu hào hùng mà gian khổ của Trung đoàn Tây Tiến
trong tình cảm quân dân Lào - Việt, tình cảm quân dân Tây Bắc…
Nhà truyền thống, khu văn bia, khu ghi danh, đài vọng
tưởng… cho nên cũng dễ thấy ai ai cũng muốn lưu lại, nán lại thật lâu bên khối
phù điêu: núi Pha Luông, Đài tưởng niệm đặt văn bia (được thiết kế theo hình
tượng cụm lưỡi lê, biểu tượng của hình ảnh: "Heo hút cồn mây súng ngửi trời”…
Chị Lê Khánh (Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: Đọc
nhiều sách về Trung đoàn Tây Tiến, nghe và đọc bao lần thi phẩm Tây Tiến của
nhà thơ Quang Dũng rồi vậy mà khi chạm vào mỗi hình ảnh, kỷ vật nơi đây tôi lại
thấy bao điều tươi mới, thiêng liêng.
Mỗi địa danh ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa gắn bó với
đoàn quân Tây Tiến đều khiến tôi xúc động”.
Anh Nguyễn Thế, một "phượt thủ” nhiều lần đi Mộc Châu
(Sơn La) bộc bạch: Tôi từng có ý tưởng là sẽ đến các địa danh từng xuất hiện
trong bài thơ Tây Tiến. Lần đi Sơn La dịp này, chúng tôi cũng có sự chuẩn bị
các điều kiện để một lần lên đỉnh Pha Luông - ngọn núi biên giới Việt - Lào để
mong hiểu, cảm nhận phần nào sự gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ Tây Tiến
cũng như thấm hết được câu thơ "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha
Luông mưa xa khơi”.
Giữa không gian thiêng liêng này, những lời nói của
anh thật xúc động, đầy sự quyết tâm. Tây Tiến vẫn luôn trong lòng bao thế hệ
trẻ hôm nay.
Bùi Huy
(HBĐT) - Thời gian, tuổi tác, bệnh tật không xóa nhòa ký ức của một chiến sỹ đặc công ngày nào dầm mình trong mưa bom, bão đạn góp phần làm nên những ngày tháng tư lịch sử. Cả tuổi trẻ gắn với chiến tranh, cả cuộc đời ông là những trang binh nghiệp oai hùng.
(HBĐT) - Mảnh ruộng gần 1.000 m2 trồng ngô, lạc của gia đình anh Bùi Văn Chiến ở xóm Đình, xã Phú Lai (Yên Thủy) dù ở ngay cạnh kênh dẫn nước nhưng vẫn phải đối mặt với "cơn khát” dai dẳng. Bởi ngay cả con kênh dài hàng km có nhiệm vụ dẫn nước tưới cho vùng đất này cũng đang trong tình trạng khô cháy...
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Khe Sanh (1968-2018), Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy kể lại cuộc đối thoại thú vị giữa ông với viên tướng nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 3 thủy quân Lục chiến Mỹ ở chiến trường Khe Sanh và câu chuyện quanh tấm ảnh ông bắt tay lãnh tụ Fidel castro khi lãnh tụ Fidel vào thăm Quảng Trị cách đây 40 năm.
(HBĐT) - Ngày 24/4 tới đây tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) tại vùng đất cố đô Hoa Lư. Đây là hoạt động mang ý nghĩa, tầm vóc lớn lao, ghi đậm dấu ấn về ý chí vươn lên, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sánh ngang hàng với các triều đại Trung Hoa. Từ đây mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, tự tôn mới của dân tộc sau nghìn năm đêm đen Bắc thuộc...
"Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng”. Ông Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nói chân thành như vậy khi nhìn lại cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp của mình. Ông Nhương đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và 54 tên địch, trong đó có chiến công tại sân bay Tà Cơn, góp công vào chiến thắng Khe Sanh lịch sử.
(HBĐT) - "Đến với đền Trần, bạn sẽ được thấy từng dấu vết rêu phong cũ kỹ và hít từng hơi của lịch sử, của ký ức. Để được sống trong không khí hào hùng ngày vua Trần mở tiệc khao quân sau chiến thắng quân Mông – Nguyên. Để thêm tự hào và không bao giờ quên lịch sử hào hùng của đất Việt.” Lời mời chân tình và đầy ý nghĩa của các bạn đồng nghiệp Báo Thái Bình đã đưa chúng tôi đến với Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).