Hồ Hoàn Kiếm 8h sáng, đoạn trông sang Tháp Rùa tắc dí dị. Người đi làm dừng xe đạp (ghi đông thường mắc cặp lồng), xe máy nghển nghển vào sảnh nhà 44 Lê Thái Tổ. Ông Nguyễn Văn Thụy (Hoàng Tuấn), phóng viên thể thao của Báo Hànộimới chạy vào ngóng radio rồi ra báo "Vẫn thế!”. Rồi đội Liên Xô yêu dấu của dân Hà Nội thua, đám đông thưa dần...
Đấy là cảnh tượng nghe "Uôn cúp” (World Cup) cách nay chừng bốn chục năm. Đến
Argentina 1978, truyền hình đã có nhưng chưa phổ biến, muốn biết thông tin nóng
thì truyền mồm, truyền tai là chính. Vài trăm người dừng lại hôm đó sẽ báo kết
quả trận đấu sáng sớm đến công sở, trường học, chợ búa, trưa thì coi như cả Hà
Nội biết cả. Nhiều hôm ông Thụy đến sớm nhờ Nguyễn Triều, phóng viên biết tiếng
Nga hỏi bên Thông tấn xã Novosti tỉ số rồi "loa” lại, chả tính thành công cán
gì.
Tiến bộ kỹ thuật đem lại thật lắm thành quả cho nghề báo. Chỉ ít năm sau, Giải
Bóng đá Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa (SKDA) được thiên hạ thông tỏ kịp thời
với bản tin của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), bán rất chạy. Bởi thế, Espana
1982 tại Tây Ban Nha, TTXVN ra luôn bản tin hằng ngày số lượng lớn, bài bản và
cũng chóng hết hơn. Chả gì, lần đầu tiên dân ta biết đến những tài năng lớn ở
ngoài "khối chúng ta”. Tan tầm chiều, nhà số 5 Lý Thường Kiệt (trụ sở TTXVN) lại
ken đặc người chờ mua bản tin 4 trang khổ nhỏ, giấy đen nhưng ảnh đã khá nét.
"Uôn cúp” 1986, tôi hồi hộp mắc dây ngoài mặt nhà ở Lãn Ông treo lên mấy tờ
tin, bắt đầu một sự nghiệp buôn bán văn hóa phẩm, đến bữa có thịt gắp chao ơi
là sướng.
Hiệu ứng xã hội như thế rõ quá. "Uôn cúp” là cuộc chơi toàn cầu, diễn ra chốn nảo
nào, nhưng với từng cơ quan báo chí, là cơ hội để nhân ảnh hưởng của mình lên
và bán được sản phẩm thông tin, điều hiếm hoi trong môi trường bao cấp. Gì chứ
bóng đá thì hấp dẫn quá, lại khách quan, tha hồ thuật, phán, sai hay đúng đều
không bị quy "chính chị, chính em” gì sất.
Bản tin TTXVN nóng thật nhưng thị trường còn mênh mông, nhiều ban biên tập biết
đây là thời điểm làm ăn. Nhưng thấy là một chuyện. Phải có vốn. Và quen "mũ cao
áo dài” cũng không thể (?) ra cái bản tin bóng đá cỏn còn con.
Thời vận của Hànộimới sáng dần khi nhịp làm ăn ngoài xã hội tăng tiến, những
trang quảng cáo cứ tăng lên kéo theo thu nhập, nhuận bút hấp dẫn. Tổng Biên tập
Hồ Xuân Sơn nắm bắt cái mới rất nhạy, muốn làm riêng tờ tin. Không nhớ chính
xác nó ra vào "Uôn cúp” nào, nhưng cũng giữ 4 trang khổ nhỏ, số lượng bản tới
con số vạn. Đây là việc chung của cả tòa soạn nhưng gánh nặng nhất, nội dung và
điều phối, rơi vào Ban Văn hóa - Xã hội. Chạy sang TTXVN, nơi nhiều đồng nghiệp
giỏi tiếng Anh và sẵn tin "nóng” mời cộng tác. Nghĩ tiêu đề, logo, quy hoạch
trang. "Uôn cúp” 1998 diễn ra ở Pháp, chủ nhà bỏ tiền bao một phần cho vài chục
phóng viên Việt Nam qua đấy, nên tờ tin của Hànộimới phân vân giữa tiêu đề
France’98 hay World Cup ’98, cuối cùng tiếng Pháp thua. Đa phần các trận đấu diễn
ra vào tối đến sáng hôm sau, chiều mới là thời khắc phát hành nên phần bài vở,
nhất là in ấn không phải làm ngay trong đêm. Nhưng thức "cày” thì không trốn được,
phải canh truyền hình ở tòa soạn để đỡ ảnh hưởng vợ con, mấy mống đàn ông vừa
xem vừa ghi nhận xét, ngủ vùi được vài tiếng rồi viết. Bài thường ra trang 1 tiếp
trang 4, ngắn và thiên về bình luận, vì diễn biến thiên hạ đã tỏ cả, tất nhiên
viết tay vì thời đó làm gì đã có "meo” (email). Gần trưa "người đại diện” TTXVN
sang đưa "mớ” bài: Chuyện bên lề (tránh đụng hàng với tờ tin Thông tấn xã), tóm
tắt báo nước ngoài - thường vừa nhanh vừa sắc sảo hơn ta… Nói "người đại diện”
vì có anh bên ấy ngại "lộ danh tính” cộng tác, cứ đưa cả cho người ấy, nhuận
bút cũng ủy quyền lĩnh hộ.
Bản tin (có khi gọi là "phụ san”) ra sau trận đấu muộn nhất bên xứ người độ 8
tiếng nên việc vận hành bài vở, trình bày, in không quá cập rập. Trước giờ phát
hành, các đại lý đã tề tựu, mỗi ông vài trăm tờ chạy khắp hang cùng ngõ hẻm. Những
tờ in thử, in hỏng được tận dụng, bán giá mềm hơn. Nhiều đêm khuya, khách gõ cửa
tòa soạn mua, thường trực đành lấy tờ riêng ra biếu. Vui đấy nhưng mệt quá, bèn
nghĩ chiêu gọi cộng tác viên, nội dung có khi chạy sang cả báo ngày. Chuyên mục
"Ý kiến chuyên gia” mời các ông Phan Anh Tú, Nguyễn Lưu, Lê Lành…, hôm nào có
tình huống tranh cãi hỏi trọng tài Đoàn Phú Tấn. Cựu cầu thủ Công an Hà Nội
Nguyễn Ngọc Điệp đặc biệt có duyên với phần dự báo, đến nỗi nhiều anh máu mê cá
cược dựa vào ý ông này mà chơi. Những nghệ sĩ yêu bóng đá như Lê Đức Trung,
Doãn Hoàng Giang cũng góp nhời.
Tin "Uôn cúp” càng làm càng nhiều kinh nghiệm, lắm tình huống hay lặp lại hết bất
ngờ, chuẩn bị ứng phó rồi nên sáng ra không còn nhìn nhau lõ mắt. Nhưng vẫn xảy
chuyện. "Xương máu”, "đau đớn” nhất là ở một cuộc thi. Trước giải vài hôm, báo
ngày xuất hiện ô vuông nhỏ đề "Thi dự báo World Cup…”, bên dưới đề đội vô địch,
tỷ số chung kết, vua phá lưới, bên cạnh bỏ trống để trả lời, rồi họ tên địa chỉ
người thi. Logo tài trợ không thể thiếu rồi. Người dự cắt ô vuông này gửi tới
tòa soạn, tức là phải mua báo. Thời hạn gửi phiếu trả lời thường là vòng tứ kết
kết thúc, nếu gửi thư căn cứ vào thời gian trên dấu bưu điện. Đấy là những ngày
thường trực báo rất bận rộn, nhận phiếu, bó lại bằng chun, hằng ngày bỏ thùng,
trả lời bao câu hỏi hỡi ôi. Hết giải vài hôm, Ban Văn hóa - Xã hội gọi thêm vài
người khác tập trung kiểm. Đầu tiên là loại những anh gửi quá hạn, những anh
đoán hai ba nhà vô địch, vài chục vua phá lưới. Rồi lựa dần, ra những anh chính
xác nhất, chính xác nhì, ba, ghi vào biên bản. Kết quả được công bố, lễ trao giải
diễn ra, nhà tài trợ trịnh trọng, "trạng nguyên” hào hứng phát biểu, báo bạn
đưa tin, báo nhà phấn khởi đóng hòm ngủ bù. Thể nào cũng có đoạn đồng nghiệp cộng
tác bên TTXVN sang lĩnh nhuận bút (cả giải) mời hưởng lạc (luộc) bia hơi.
Nhưng mà đến cái "Uôn cúp” phải gió ấy, công bố giải xong có cú điện "Tôi là
như này ở Bưu điện Hà Nội dự đoán đúng cả sao không được giải?”. Phải huy động
cả ban bệ cũ ra soát lại, trưa mua cơm hộp ăn, bứt rứt sợ mình sai chứ không
hào hứng như "lượt đi”. Kiếm ra phiếu của "tên” nọ thì hắn đoán có đúng đâu,
sau cú điện trời đánh ấy cũng lặn luôn. Tôi tức quá bảo lần sau điền vào điều lệ
khoản "khiếu nại phải nộp 300 nghìn đồng, đúng trả lại sai thời mất”. Nhưng tịnh
yên tĩnh, các lần sau.
Bản tin "Uôn cúp” của Hànộimới "bắn” bốn năm một "phát” ra vài cuộc thì "tạnh”.
Tiến bộ của thông tin khai sinh ra nó, thì cũng khai tử luôn. Truyền hình, mạng
internet ầm ầm như vũ bão, báo in còn bị đè thoi thóp nói gì đến tờ tin cỏn con.
Dẹp rồi thì cái sau như Russia 2018 chỉ việc canh ti vi nếu còn sức.
Được ngủ nghỉ đấy, nhưng lại nhơ nhớ thế nào. Bởi vậy, không thể không tức tối
thấy em xinh như mộng được vào tận sân xem Messi, Ronaldo tươi sống mà mắt cứ để
vào cái điện thoại…