Trung Quốc - quốc gia kỳ thú
"Trung Hoa cẩm tú” là cách người Trung Quốc tự hào nói về đất nước của mình. Quả vậy, đây là một quốc gia với rất nhiều thành phố nổi tiếng và vô vàn danh lam thắng cảnh. Ví như Thượng Hải được biết đến như một thành phố trẻ, giàu có bậc nhất và là trung tâm kinh tế - tài chính. Thẩm Quyến là biểu tượng cho sự thành công của đổi mới, mở cửa của chính phủ Trung Quốc. Thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang có Tây Hồ được ví như hòn ngọc gắn với những bài thơnổi tiếng của Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị… Tây Hồ có Đoạn Kiều, Trường Kiều gắn với chuyện tình buồn của Bạch Nương - Hứa Tiên và của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài làm xúc động bao du khách. Với thiên nhiên tươi đẹp, những hàng cây Ngô Đồng rợp lá vàng thu, có trà Long Tỉnh "nhất kỳ, nhất thương” được coi là cực phẩm nên Hàng Châu luôn tấp nập du khách đến thưởng ngoạn. Trung Quốc còn có thành phố Tô Châu nổi tiếng là nơi học hành, đỗ đạt và những mỹ nữ. Đến Tô Châu, không thể không đến Hàn Sơn Tự - ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng, là quê hương, xuất xứ bài thơ nổi tiếng "Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế đời Đường… Dẫu vậy, nhưng ai đó chưa đến Bắc Kinh ngắm thu vàng, chưa tới Vạn Lý Trường Thành "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (theo cách nói của người Hán) thì coi như chưa đến Trung Quốc.
Một thoáng thu vàng Bắc Kinh.
Từ Tô Châu tới Thủ đô Bắc Kinh khoảng 1.400 km nhưng chỉ sau 5 giờ ngồi tàu siêu tốc êm ái, chúng tôi vẫn đủ năng lượng để khám phá Thủ đô của Trung Quốc trong tua: Thượng Hải - Hàng Châu - Tô Châu - Bắc Kinh.
Mùa thu vàng Bắc Kinh
Bắc Kinh là thành phố rộng lớn, đông đúc, hiện đại nhưng được "trang điểm” bằng những hàng cây, cánh rừng. Chúng tôi khá ngạc nhiên, tại sao thành phố này lại được thiên nhiên ban tặng một mùa thu vàng đẹp và vô giá như vậy! Từ tháng 9, không chỉ các địa danh nổi tiếng như Dĩ Hòa Viên, Điếu Ngư Đài, công viên Địa Đàn, khu liên hợp sân vận động Tổ Chim, Cố Cung, dinh thự Hòa Thân hay rời xa trung tâm Bắc Kinh một chút tới núi Baiwang hay Vạn Lý Trường Thành (khu Bát Đạt Lĩnh), đến từng con đường, góc phố… bạn có thể say đắm ngắm nhìn những chiếc lá như dát vàng của cây ngân hạnh, màu đỏ rực của lá sồi… Lá trên cây, trên đường, lá trải trên thảm cỏ đẹp mê hồn. Ai ai cũng muốn chụp ảnh, lưu lại khoảng khắc đáng nhớ trong chuyến đi. Đây đó, thấp thoáng những vườn táo, vườn hồng đang vào mùa thu hoạch, quả vàng, quả đỏ trĩu cành. Bạn cũng đừng quên ghé vào những nông trang để tự tay hái những quả táo tươi, sạch, thưởng thức và mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Cây ngân hạnh hay còn gọi là cây bạch quả, cây rẻ quạt là cây biểu tượng của mùa thu Bắc Kinh. Vốn loại cây này sinh trưởng ở châu Âu, Bắc Mỹ nhưng vài trăm năm lại đây, chúng được mang về trồng ở Nhật Bản và Trung Quốc, tạo nên nét đặc trưng của hai xứ này mỗi dịp mùa thu về. Tôi cũng băn khoăn, có thể lắm chứ, nếu các loại cây này được đem về trồng cũng sẽ mang lại mùa thu vàng đâu đó trên đất nước Việt Nam…
"Bất đáo Trường Thành phi hảo hán"
Từ trung tâm Bắc Kinh đến điểm thăm quan Vạn Lý Trường Thành khoảng 80 km. Ngồi trên xe, chúng tôi mải mê ngắm nhìn cảnh quan hai bên đường. Những công trình kiến trúc hiện đại, cổ kính đan xen chìm trong sắc thu vàng. Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi chuẩn bị đủ áo ấm và háo hức để chinh phục kỳ quan. Ngay từ điểm đầu tiên dẫn lên Trường Thành có tấm bia đá tạc dòng chữ "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, có nghĩa chưa đến Vạn Lý Trường Thành chưa phải là hảo hán. Điều này càng khiến chúng tôi háo hức.
Trường Thành sừng sững, chúng tôi phấn khích khi khởi động những bước chân đầu tiên. Song, mới leo được khoảng 50 m thấy rằng chinh phục kỳ quan này quả không dễ. Những bậc đá vuông vắn với chiều cao từ 10 cm - 40 cm khiến chúng tôi nhiều lúc cảm thấy chân run run, thở hổn hển. Một số người trong đoàn dù cũng khá mệt nhưng vẫn phấn đấu leo được 3 chặng, đánh dấu bằng 3 đoạn tháp canh.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình và du khách chụp ảnh lưu niệm trước bia đá điểm đầu dẫn lên Vạn Lý Trường Thành.
Đứng trên lầu gác lộng gió, phóng tầm mắt ra xa ngắm Trường Thành như một con rồng khổng lồ vươn lên, trồi xuống, ngoắt mình vươn người theo triền núi xa tắp mới thấy công trình kỳ quan thế giới thật vĩ đại. Theo tư liệu, Trường Thành có chiều dài hơn 8.851 km với 3 phần cơ bản, mỗi đoạn dài khoảng 5.000 km (xấp xỉ 10.000 lý theo đơn vị đo của người Trung Quốc). Do đó được gọi "thành dài vạn lý”. Công trình được xây dựng trong khoảng 2.000 năm, từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ XVII, qua nhiều đời vua. Phần đầu được Tần Thủy Hoàng xây dựng bằng sức lực của 500.000 nhân công, trong khi dân số toàn Trung Quốc lúc đó khoảng 20 triệu người. Các tháp canh được xây dựng trên từng đoạn của Trường Thành và được bố trí sao cho nằm trong khu vực quan sát của hai tháp canh bên cạnh. Nơi rộng nhất của Trường Thành là 30 m, nơi cao nhất 3,65 m, đỉnh tháp canh cao nhất là 7,9 m. Vạn Lý Trường Thành được xây dựng nhằm ngăn chặn người và ngựa của đối phương tràn sang nên có vị trí chiến lược. Trước kia, Trường Thành đã có nhiều tên gọi khác nhau như "rào chắn”, "pháo đài” hay "rồng đất”... Ước tính số người tham gia xây dựng công trình lên tới hàng triệu người, phần lớn là phu nghèo và nô lệ. Vạn Lý Trường Thành còn được mệnh danh là "nghĩa trang dài nhất thế giới” vì hàng trăm ngàn người đã chết trong quá trình xây dựng.
Là một phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là điểm thăm quan nổi tiếng và đông khách nhất Trung Quốc với hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Cũng như nhiều du khách khác, đoàn chúng tôi không quên chụp ảnh cạnh khối đá trắng với dòng chữ "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Ghi lại khoảng khắc, ai cũng phấn khởi với ý nghĩ mình như một hảo hán, không phải hối hận khi trong đời được đặt bước chân chinh phục dù chỉ là một đoạn của công trình vĩ đại.
Thay lời kết