(HBĐT) - Phú Yên, mảnh đất vùng biển có những bờ cát mịn màng, quanh năm sóng vỗ. Phú Yên "lên” phim đẹp mê hồn với những khung cảnh làng quê thơ mộng. Chỉ vỏn vẹn được nán lại mảnh đất hoa vàng, cỏ xanh này trong hai ngày nhưng trong chúng tôi, Phú Yên đẹp và cuốn hút hơn những gì tưởng tượng trước khi đặt chân đến mảnh đất miền Trung này.


Tại sao Phú Yên lại được gọi với cái tên là xứ Nẫu? Chị Nguyễn Thị Kim Liên, phóng viên Báo Phú Yên cho hay: Để giải thích cái tên này thì khá dài dòng nhưng nôm na, ngắn gọn, dễ hiểu nhất thì có thể hiểu rằng, "Nẫu” là đại từ xưng hô riêng của người dân Phú Yên và Bình Định. Thay vì xưng hô bằng các ngôi thông thường như cô, dì, chú, bác, anh, chị, em thì người dân nơi đây gọi nhau bằng đại từ xưng hô ngôi thứ ba là "Nẫu”. Xứ Nẫu không chỉ cuốn hút bởi những con người miền biển chất phác, mà nơi đây còn được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh độc, lạ bậc nhất, cùng với đó là những di tích kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Độc đáo ghềnh Đá Đĩa

Trước khi được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của thắng cảnh độc nhất ở nước ta này, qua những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì được biết: Ghềnh Đá Đĩa (hay con gọi là gành Đá Đĩa) ở Phú Yên là một trong năm ghềnh đá đĩa nổi tiếng trên thế giới. Bốn ghềnh đá đĩa khác nằm ở các nước: Ireland, Tây Ban Nha, Scotland và Hàn Quốc. Ghềnh đá đĩa được hình thành do núi lửa phun trào dung nham xuống biển, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng ứng lực khiến khối nham thạch bị rạn nứt tạo nên những khối lăng trụ xếp chồng lên nhau như những chồng đĩa. Với cảnh quan độc đáo, từ lâu, những ghềnh đá đĩa này đã trở thành kỳ quan thu hút du khách đến khám phá. Ở Phú Yên, ghềnh Đá Đĩa cũng đang trở thành điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến thăm xứ Nẫu.


Với cảnh sắc độc đáo, ghềnh Đá Đĩa ngày càng hút khách, là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với xứ Nẫu – Phú Yên.

Thắng cảnh ghềnh Đá Đĩa nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa hơn 30km. Năm 1997, ghềnh này được công nhận là di tích quốc gia, sau này được đánh giá là một trong những điểm đến được mong đợi nhất ở nước ta. Những năm gần đây, lượng du khách đổ về ghềnh Đá Đĩa ngày càng tăng. Nơi đây, hiện được xây dựng thành khu du lịch khá sầm uất. Khác với hầu hết những bãi biển khác là có bãi cát trải dài, bờ biển ở ghềnh Đá Đĩa là những dãy đá, mỏm đá được nước biển quanh năm mài dũa trông khá kỳ vỹ. Dọc bờ biển này có một con đường mòn được xây dựng, với rào chắn được làm bằng những tảng đá lớn. Đây chính là con đường dẫn đến bãi đá đĩa độc đáo.

Ghềnh Đá Đĩa rộng hơn 1.000m2, với hàng nghìn chồng đĩa được xếp chồng lên nhau san sát. Những chồng đĩa hình lăng trụ, màu đen nhám xếp gối lên nhau đều tăm tắp, ngỡ như có bàn tay của con người can thiệp. Thế nên, từ xa xưa người dân nơi đây đã truyền tai nhau giai thoại về một người khổng lồ, vì yêu thích những bãi biển đẹp nơi đây nên ngày ngày ra ngắm biển rồi nhặt các khối đá gọt dũa và xếp lại với nhau thành bãi đá đĩa như ngày nay.

Mằng Lăng – nhà thờ cổ bậc nhất nước ta

Trên hành trình khám phá ghềnh Đá Đĩa, chúng tôi ghé thăm xã An Trạch, nơi có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ công giáo cổ nhất ở nước ta hiện nay. Với tuổi thọ hơn 120 năm, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, hiện nhà thờ Mằng Lăng vẫn giữ nguyên được vẻ vững chãi, cùng với đó là những giá trị kiến trúc độc đáo của thế kỷ trước. Nhà thờ này được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân), vị linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này khởi công xây dựng, với kiến trúc Gô – tích. Những hoa văn, họa tiết trang trí, cửa ra vào hình mái vòm của nhà thờ Mằng Lăng hiện nay chính là những nét đặc trưng của phong cách kiến trúc Gô – tích, được phát triển từ nửa sau thời Trung cổ ở Tây Âu.


Ở Phú Yên có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ công giáo cổ nhất ở nước ta.

Một điểm khá thú vị nữa khi ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng là nơi đây đang lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Đó là cuốn "Phép giảng tám này” của cha Đắc Lộ. Cuốn sách này hiện đang được lưu giữ trong một quả đồi nhân tạo được xây dựng trong khuôn viên của nhà thờ Mằng Lăng. Trong quả đồi này hiện cũng đang lưu giữ những tư liệu quý về sự hình thành, phát triển của nhà thờ, cũng như những tư liệu về thánh Anre Phú Yên, một vị thánh tử vì đạo được sinh ra tại giáo xứ Mằng Lăng. "Hằng năm, vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên, có rất đông bà con giáo dân ở địa phương và các nơi trong, ngoài tỉnh hành hương về nhà thờ Mằng Lăng. Đây không chỉ là nơi hành lễ, mà còn đang lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quý giá”, chị Thanh, một người dân địa phương chia sẻ.

Nếu trong ngày, ghềnh Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng là những điểm đến không thể bỏ qua, thì tháp Nhạn là nơi được người dân lựa chọn để ngắm nhìn thành phố Tuy Hòa lung linh ánh điện về đêm.

Lên tháp Nhạn ngắm Tuy Hòa về đêm

Không quá ồn ào, náo nhiệt như thành phố biển Đà Nẵng, về đêm, TP Tuy Hòa (Phú Yên) khá yên tĩnh, dọc bờ biển thoảng có những quán nhậu hải sản "di động” nho nhỏ. Theo sự gợi ý của anh tài xế taxi, chúng tôi quyết định lên tháp Nhạn, vì nơi đây được coi là nóc nhà của thành phố, từ tháp Nhạn, TP Tuy Hòa nằm trọn trong tầm mắt. Về đêm, dưới ánh đèn điện, tháp Nhạn như được dát một lớp vàng óng ánh. Tháp được xây dựng trên núi Nhạn ở độ cao 64 mét so với mặt nước biển nên từ chân tháp, chúng tôi dễ dàng ngắm cảnh Tuy Hòa về đêm. Về đêm, TP Tuy Hòa bên sông Đà Rằng lung linh trong ánh đèn điện, với những tòa nhà cao tầng đang từng ngày xây dựng, một minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố trẻ này.

Còn về tháp Nhạn, theo những thông tin ghi trên bia đá, được biết: Tháp được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988. Đây là di tích kiến trúc đền tháp Chăm - pa cổ, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Tháp có mặt hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 mét, chiều cao của tháp là 23,5 mét, tỷ lệ cân đối với ba phần: đế, thân và đỉnh tháp. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá, biểu tượng tâm linh của người Chăm -pa. Trải qua hàng thế kỷ, với sự tàn phá của chiến tranh, sự bào mòn của thời gian, tháp Nhạn vẫn đang tồn tại, trở thành một biểu tượng về lịch sử và mang những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo.


Về đêm, tháp Nhạn lung linh như được dát vàng. Đây là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia, nằm ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Rời tháp Nhạn, chúng tôi kịp ghé một quán ăn "di động” ven bờ biển trước khi chủ quán dọn hàng. Ở nơi đây, những quán nhậu nhỏ ven biển chỉ bán hàng đến khoảng 22 giờ. Do đó, sau thời gian này, Tuy Hòa dần chìm vào đêm lặng lẽ, yên tĩnh. Dù chỉ có 2 ngày ở mảnh đất này, thế nhưng phải thừa nhận, Phú Yên có sức lôi cuốn kỳ lạ, không chỉ bởi những thắng cảnh, di tích độc đáo, mà vì "Nẫu” - những con người thật thà, chất phác.


Viết Đào

Các tin khác


Biên cương ngày ấy… (Kỳ 1)

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc diễn ra tháng 2-1979 tới nay tròn 40 năm. Cuộc chiến đấu đó đã trở thành một dấu son trong lịch sử giữ nước của dân tộc, và trong ký ức của những cựu chiến binh đã có mặt trên biên giới ngày ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc, hình ảnh về những tháng ngày hào hùng, gian khổ, nỗi niềm tri ân với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc. Và đó cũng chính là những dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Hòa, xin giới thiệu cùng bạn đọc…

Cuộc sống hồi sinh ở vùng bị lũ bão Đà Bắc

(HBĐT) - Tỉnh lộ 433 đang thi công dang dở nhưng không vì thế mà làm giảm những chuyến hàng mang Tết lên với vùng cao Đà Bắc. Ngay từ đầu tháng chạp, quần áo mới, bánh, mứt, kẹo, nhu yếu phẩm… theo các tiểu thương đã tấp nập ngược lên Đà Bắc. Mưa lũ qua đi, mầm sống hồi sinh; hoa đào, hoa mận bung nở trên rẻo cao để cùng bà con nơi đây đón Tết, vui xuân.

Mùa dổi đưa hương

(HBĐT) - Trong ánh nắng vàng dìu dịu của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Lạc Sơn - nơi sở hữu rừng cây dổi có giá trị lớn. Từng hàng dổi thẳng tắp, cao vút, trước đây được người dân trồng làm hàng rào tựa như những chiếc ô khổng lồ, tỏa bóng mát. Hàng nối hàng, cây nối cây, tạo không gian đặc sắc cho vùng đất Mường Vang.

Người lòng hồ và câu chuyện mưu sinh

(HBĐT) - Ở bản Sạn, xã Phúc Sạn (Mai Châu) có câu chuyện người nhanh dắt người chậm, người sáng chỉ giúp người chưa thông, người có của lo cho người nghèo hơn để cùng no cái bụng, ấm cái thân. Ấy là chuyện nuôi bò "rẽ". Người có bò cho người khác nuôi hộ gọi là nuôi "rẽ", mỗi năm đẻ ra hai con bê thì chia nhau mỗi người một con. Người nhận nuôi "rẽ" khi đã có vài "cặp" lại cho những hộ khác nuôi, cứ thế cặp bò bê lan tỏa ra khắp bản Sạn. Không những thế còn sinh sôi ở những bản khác nữa.

Nhìn lại Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn

Bài 2 - Lồng ghép các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất 
(HBĐT) - Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các thôn, bản khó khăn nhất tỉnh, giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, hạ tầng thiếu thốn, trong khi đó các thôn, bản thường xuyên bị thiên tai, mưa lũ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Các ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện tình trạng khó khăn của các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh.

Bài 1 - Ghi nhận 2 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đến nay đã có 2/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) nhất tỉnh là thôn Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu và thôn Đậu Khụ, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình đã ra khỏi diện ĐBKK.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục