Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới vào rạng sáng 17-2-1979, trên các mặt trận. Quân Trung Quốc dùng hỏa lực, bộ binh, xe tăng nhanh chóng lấn chiếm biên giới các tỉnh. Ác liệt nhất là mặt trận Đồng Đăng, Lạng Sơn, bởi chiếm được Đồng Đăng coi như con đường thọc sâu vào lãnh thổ nước ta của Trung Quốc trở nên thuận lợi. Những chứng tích, nhân chứng còn lại đã minh chứng sự chiến đấu anh dũng để gìn giữ từng tấc đất biên cương Tổ quốc của quân và dân ta.


Ông Nguyễn Văn Bình tại hang Đền Mẫu, Đồng Đăng, Lạng Sơn, nơi mà cách đây 40 năm là nơi trú ẩn  của hơn 500 người dân trước quân địch

Cầm cự để chiến đấu đến cùng

Trong sử sách thị trấn Đồng Đăng ghi rõ: Năm 1979, tình hình biên giới với Trung Quốc diễn biến ngày càng phức tạp. Ngày 15-2-1979, phía Trung Quốc huy động 2 đại đội đánh chiếm một số điểm thuộc thị trấn Đồng Đăng và xã Bảo Lâm. Sáng sớm 17-2, thị trấn Đồng Đăng bị đánh chiếm… Bảo vệ Đồng Đăng, các chiến sĩ Đồn biên phòng 193 đã phối hợp với cảnh sát cơ động, đại đội công binh, Trung đoàn 12 cùng nhân dân xã Bảo Lâm nổ súng đánh trả quyết liệt. Lực lượng phòng thủ tại Đồng Đăng chưa được chi viện kịp, nhưng vẫn bám trụ trận địa cho tới ngày 22-2.

Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, quân Trung Quốc đã phải chở bộc phá đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn vào lỗ thông hơi giết hại nhiều thương binh và dân thường. Nhưng ác liệt nhất, phải kể đến cuộc bám trụ 3 ngày đêm tại hang Đền Mẫu của quân và dân thị trấn Đồng Đăng.

Trong cơn mưa nặng hạt những ngày giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, ông Nguyễn Văn Bình (nguyên là lính trinh sát, tiểu đội trưởng, trong sự kiện ngày 17-2-1979) đang giúp vợ và các con dọn dẹp vài chiếc ghế nhựa cũ kỹ sau buổi bán hàng ăn sáng dưới chân hang Đền Mẫu. Biết chúng tôi tìm đến ông để hỏi về cuộc chiến đấu biên giới cách đây 40 năm, ông Bình như "sống lại” thời khắc oanh liệt đó. 

Cách đây tròn 40 năm, nhiều người cao tuổi ở thị trấn Đồng Đăng không ai không nhớ rạng sáng 17-2, khi mọi người đang ngon giấc thì bất chợt đạn pháo từ bên kia biên giới dội ầm ầm xuống thị trấn, khói mù mịt khiến nhiều người hoảng sợ. Ông Bình nhớ lại, lúc đó ông là tiểu đội trưởng đóng quân tại thị xã Cao Bằng nhưng vì bị ốm, ông Bình được đưa về tuyến dưới điều trị. Sau khi ra viện, ông Bình trở lại đơn vị, trên đường đi từ Hà Nội qua Đồng Đăng để lên Cao Bằng thì không ngờ tới Đồng Đăng (ngày 16-2-1979) cũng là thời điểm chiến sự nổ ra. Lúc 5 giờ sáng 17-2-1979, đạn pháo Trung Quốc bắn vào thị trấn đỏ trời.

Nhà ông Bình cạnh hang Đền Mẫu, pháo bắn cạnh nhà ông, ông hô hoán gia đình và làng xóm chạy lên hang để tránh đạn, vì vội không ai mang theo thứ gì. Lên đến hang thì gặp một đại đội cảnh sát cơ động cũng đang đưa từng tốp người dân địa phương di chuyển lên để tránh đạn pháo của địch. "Lúc tới hang, thấy đại đội toàn tân binh, kinh nghiệm còn ít nên tôi nghĩ không lên Cao Bằng nữa mà ở trong hang cùng bà con. Đã chiến đấu thì ở đâu cũng chiến đấu. Sau đó, tôi xin sáp nhập vào đại đội công an này, lúc đầu các anh chưa chấp nhận, sau khi xem giấy tờ quân nhân và biết tôi là người địa phương nên được chấp nhận cùng đại đội chiến đấu và bảo vệ người dân...”, ông Bình nhớ lại. 

Cho tới giờ, trong tâm trí của người lính năm xưa vẫn không quên hình ảnh gần 500 người dân với 120 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng trú tại hang Đền Mẫu trong 3 ngày (từ sáng 17-2 đến ngày 19-2), không chỉ có cái đói, cái khát bủa vây mà còn là súng đạn của quân địch rình rập, đe dọa. Ban ngày, ông Bình và các chiến sĩ thay nhau canh gác cửa hang để đảm bảo quân Trung Quốc không xâm phạm tới tính mạng người dân. Nói là canh gác nhưng người phải nằm, phải bò từng gang để cảnh giới quân địch. Cầm cự được đến hết ngày 17-2, sang ngày 18-2, ban đêm, ông Bình cùng vài chiến sĩ đã bò ra ngoài, men theo sườn hang xuống nhà dân để tìm thức ăn cho đồng bào. "Gần như tìm được cái gì có thể ăn là ăn, lạc (đậu phộng) sống, su hào sống, cơm nguội… miễn cầm cự càng lâu càng tốt. Trong hang không có nước uống, người cứ khô đi...”, ông Bình xúc động kể.

Sát cánh chiến đấu cùng ông Bình trong những ngày ở hang Đền Mẫu còn có Binh nhì Triệu Quang Điện, thuộc Đại đội cảnh sát cơ động. Trong hàng trăm con người ở trong hang, 2 ông là người thông thạo địa hình, xông xáo trong từng việc. Cách đây 40 năm, Binh nhì Triệu Quang Điện chưa đầy 20 tuổi nhưng vô cùng gan dạ. Chứng kiến quân địch có hỏa lực mạnh, biết mình không bắn xuể, ông Điện nhắc đồng đội phải tiết kiệm đạn để chuyển phương án tác chiến bắn tỉa. "Tới khoảng 11 giờ trưa, tôi và các chiến sĩ nghĩ rằng, phải tính viên đạn nào cho địch, viên nào bảo vệ người dân. Đồng đội tôi có người hy sinh ngay trước cửa hang, lập tức có người khác cầm súng lên thế chỗ. Cho tới ngày 18-2, toàn bộ thị trấn Đồng Đăng bị bao vây, biết tình thế nguy hiểm, anh em bảo nhau bắn tỉa sau lưng địch... Việc bảo vệ đồng bào mình là trên hết, song lúc đó đạn dược rất ít nên việc chọn phương án tác chiến nào vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm đạn được ưu tiên hàng đầu...”, ông Điện nhớ lại.

Mở đường máu cứu đồng bào

Trong ký ức đầy sự kiện của mình, ông Bình vẫn thường kể chuyện cho các con cháu nghe về cuộc "giải cứu” hơn 500 người dân ở hang Đền Mẫu. Ông Bình tâm sự: "Trong chiến tranh, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nếu không đánh giá kỹ, tìm hiểu kỹ đối phương sẽ dẫn đến thương vong rất lớn. Thực tế, sau 3 ngày trong hang, không ánh sáng, không thức ăn, không nước uống, sức lực đã dần cạn kiệt và phải tính phương án đưa đồng bào thoát ra ngoài càng sớm càng tốt. Sau vài ngày tìm hiểu, ông nắm được "điểm yếu” quân Trung Quốc là ban ngày chúng hùng hổ, đi đi lại lại quanh thị trấn với xe tăng yểm trợ, nhưng ban đêm chúng co cụm và thi thoảng chỉ bắn đạn chỉ thiên để dọa nạt”.

Chiều 18-2-1979, đại đội trưởng và chính trị viên đại đội cảnh sát cơ động bàn phương án đưa người dân trong hang ra vùng an toàn. Nhiều phương án được tính tới, trong đó có phương án đưa dân qua các khe núi hiểm trở để tránh quân Trung Quốc phát hiện (ông Bình gọi là yên ngựa). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và một vài lần thăm dò quân Trung Quốc thông qua các lần đi tìm thức ăn, ông Bình ngăn cản phương án đó, bởi nếu đi giữa 2 khe núi ắt sẽ bị phục kích ở hai bên. Đại đội trưởng và chính trị viên thắc mắc thì ông phân tích: "Tôi là người khu vực này, nếu đi qua đó sẽ có 2 khẩu 12 ly 7 đợi sẵn”. Do vậy, phương án rời hang phải thay đổi, buổi tối hôm đó, ông Bình và ông Điện trinh sát lại khu vực để xem chỗ nào không bị phục kích, trước khi quyết định đưa người dân ra ngoài. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhận thấy tình hình yên ả hơn, ông Bình và ông Điện đề xuất đưa đại đội cảnh sát và người dân bắt đầu ra khỏi hang từ chiều ngày 19-2. Lối đi men bờ suối để ra quốc lộ 1B tới huyện Văn Quan. Lúc này, mọi người đã bàn nhau: "Nếu trên đường đi bị địch đánh thì phải chia nhỏ từng tốp để mở đường máu đưa bằng được dân ra khỏi vòng vây”. 

Quả thật, quân Trung Quốc rất đông, hỏa lực mạnh, án ngữ nhiều nơi và đoàn người không tránh khỏi bị phục kích. Ông Điện và ông Bình lúc đó lấy hết sức để cõng những người bị thương ra khỏi vòng vây, một số đồng đội ông hy sinh ngay trước mặt. Nén lại nỗi đau, ông Bình, ông Điện cùng các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu để đưa người dân về vùng an toàn. Trong thời gian từ chiều 19-2 đến sáng ngày 21-2, nhân dân mới đến được huyện Văn Quan. Lúc ra tới huyện Văn Quan, Trưởng ty Công an Đào Đình Bảng vỗ vai tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bình: "May quá, nhờ có đồng chí, nếu không thì đơn vị này không biết như thế nào”. 

Trong cuộc giải vây đó đã có 13 chiến sĩ cảnh sát cơ động hy sinh. Sau này, khi nhắc lại sự kiện đó, Đại tá Triệu Quang Điện (nguyên Trưởng phòng Truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn) nói: "Chúng giết hết dân, phá nhà cửa, lúc đó mình chỉ nghĩ làm sao để cứu được bà con mình ra”. Sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, khi được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông Điện vẫn cho rằng: "Là thanh niên 18, đôi mươi, đi cứu dân, giữ nước là trách nhiệm của người chiến sĩ”.

 

              Theo SGGP

Các tin khác


Vang mãi khúc tráng ca Anh hùng áo vải

(HBĐT) - Sau nhiều lần lỗi hẹn, đầu năm 2019, chúng tôi có dịp đến thăm gò Đống Đa, nơi in dấu chiến công hiển hách của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Xuân này, giữa Hà Thành hoa lệ, náo nhiệt, Công viên Văn hóa - di tích gò Đống Đa cũng náo nức chuẩn bị cho lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày mồng 5 Tết. Và đặc biệt hơn, tại lễ hội Xuân Kỷ Hợi, gò Đống Đa sẽ được đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Một thoáng thu vàng Bắc Kinh

(HBĐT) - Đất nước Trung Hoa kỳ thú, huyền bí là điểm đến mơ ước của du khách muôn phương. Được trải nghiệm ở đất nước rộng lớn, đông dân nhất hành tinh này mới thấy những gì đã biết qua sách, báo, phim ảnh, truyền hình chỉ là một phần so với thực tiễn của một Trung Hoa đương đại. Hãy xách ba lô lên để khám phá, trải nghiệm và lựa chọn điểm đến Bắc Kinh, thăm Vạn Lý Trường Thành vào mùa thu vàng. Bạn sẽ không phải hối tiếc!

Dấu ấn Cù Lao Chàm

(HBĐT) - Tôi đến Cù Lao Chàm lần đầu tiên vào một ngày thu đầy nắng và gió. Ấn tượng đầu tiên với vùng cù lao này là vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên vẫn được giữ gìn trong khi dịch vụ du lịch đã đi vào ổn định. Cùng với đó là sự thân thiện, mến khách của con người và môi trường sạch sẽ. Vì vậy, đảo đặt ra quy định đối với khách du lịch là tuyệt đối không sử dụng túi nilon, không xả rác bừa bãi, đồ gì mang được về đất liền vứt thì mang về, hạn chế tối đa vứt rác ở đảo.

Ấn tượng xứ Nẫu – Phú Yên

(HBĐT) - Phú Yên, mảnh đất vùng biển có những bờ cát mịn màng, quanh năm sóng vỗ. Phú Yên "lên” phim đẹp mê hồn với những khung cảnh làng quê thơ mộng. Chỉ vỏn vẹn được nán lại mảnh đất hoa vàng, cỏ xanh này trong hai ngày nhưng trong chúng tôi, Phú Yên đẹp và cuốn hút hơn những gì tưởng tượng trước khi đặt chân đến mảnh đất miền Trung này.

Rút ngắn “đường bay” Hòa Bình – Mông Cổ

(HBĐT) - Mông Cổ sẽ xuất khẩu sang Việt Nam thịt dê, cừu đông lạnh và nhập khẩu từ Việt Nam máy móc, thiết bị hoặc liên doanh để xây dựng Nhà máy chế biến rau quả, khoai tây tại tỉnh Tuv (Mông Cổ). Tỉnh Tuv tạo điều kiện để tỉnh Hòa Bình tiếp thị, quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm nông sản địa phương, gỗ ép, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… tại thị trường Mông Cổ. Đó là phần "lõi” trong nội dung cuộc hội đàm giữa Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình với Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Tuv (Mông Cổ) diễn ra tại tỉnh ta vào đầu tháng 10/2018. Đây được coi là bước tiến mới trong lộ trình tăng cường mối quan hệ ngoại giao giữa chính quyền và nhân dân hai tỉnh từ hai đất nước khá xa xôi Việt Nam - Mông Cổ.

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa

(HBĐT) - Ngoài những cây bàng vuông, cây phong ba đầy sức sống; những con ốc xà cừ tuyệt đẹp hay cành hoa san hô, ốc biển được chính những người lính chế tác bằng đôi tay khéo léo... thì món quà đặc biệt nhất đối với bất kỳ ai từng một lần đến với Trường Sa đều mang về từ biển một lá cờ Tổ quốc thiêng liêng như một kỷ vật vô giá...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục