Tết đến, xuân về, đứng dưới tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong khoảng trang nghiêm thoang thoảng khói hương được đọc vần thơ: "Như mơ ngày Tết xuân năm ấy/Nguyễn Huệ oai hùng giữa núi sông/Áo trận thơm nồng xuân Kỷ Dậu/Giáp bào rạng rỡ đất Thăng Long” mà như thấy hào khí Quang Trung vọng về với khát vọng thái bình, thịnh vượng.
Đền thờ và Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Công viên - di tích gò Đống Đa là nơisinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh của nhân dân.
Lịch sử viết rằng: Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống cùng một số đại thần thân cận bỏ chạy lên phía Bắc, cho người sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh từ khi được thành lập luôn rắp tâm xâm lược nước ta. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để thôn tính, vua Thanh sai tướng đem 29 vạn quân tiến sang nước ta với danh nghĩa giúp nhà Lê đánh quân Tây Sơn giành lại chính quyền. Trước tình thế thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ chủ yếu là bọn phong kiến xâm lược phương Bắc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng chỉ huy quân tiến công ra Bắc, trên đường đi dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hóatuyển thêm quân. Ngày 15/1/1789, Nguyễn Huệ cùng đại quân (sau khi đã tăng quân số lên đến 10 vạn người) và một đội tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến đã ra đến Tam Điệp, hội quân với Đại tư mã Ngô Văn Sở, chuẩn bị phản công quân Thanh.
Nắm được kế hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Quang Trung đã chia quân Tây Sơn ra làm 5 đạo chính. Đúng đêm 30 Tết (tức ngày 25/1/1789), quân ta được lệnh tiến công với khí thế từ lời hiểu dụ của vua Quang Trung: Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để răng đen/Đánh cho nó trích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (ngày 28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km), uy hiếp địch và bắt sống hàng vạn quân Thanh. Mùng 4 Tết (ngày 29/1/1789), quân Tây Sơn tiếp cận Ngọc Hồi. Lúc này, đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy cũng tập kết tại phía Tây Nam Ngọc Hồi, cùng chuẩn bị tiến công.
Sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), vua Quang Trung đích thân cưỡi voi chỉ huy quân ta tấn công đồn Ngọc Hồi. Trận đánh vô cùng ác liệt xảy ra. Quân cảm tử bằng mộc ván gỗ và đoản đao đã xông lên tiêu diệt đồn Ngọc Hồi. Cùng lúc ấy, mũi tiến quân của Đô đốc Long tiến đánh địch tại Khương Thượng, Đống Đa bằng rồng lửa và voi chiến. Bị đánh bất ngờ, quân giặc hoảng loạn tan vỡ. Bằng khí thế áp đảo, quân Tây Sơn với đội hình bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại địch, đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của địch.
Di tích gò Đống Đa - nơi ghi dấu chiến công lẫy lừng trong cuộc đại phá quân Thanh Tết Kỷ Dậu 1789.
Trước thế cùng, lực kiệt, tướng giặc Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy. Tiếp tục thế tiến công, đạo quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng thọc sâu vào Thăng Long, đồng thời uy hiếp vào đại bản doanh của tướng giặc Tôn Sĩ Nghị. Trước sức tấn công như vũ bão, Tôn Sĩ Nghị phải bỏ bản doanh chạy trốn về hướng Bắc.
Trưa mồng 5 Tết, nhân dân kinh thành vui mừng chào đón vua Quang Trung và đoàn quân chiến thắng vào Thăng Long vừa được giải phóng. Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa một lần nữa chứng minh cho tài thao lược của nhà quân sự tài ba Quang Trung - Nguyễn Huệ. Như Chỉ thị số 16, ngày 26/1/1989 của BCH T.Ư Đảng đã viết: "Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hai trăm năm qua, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng, tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta”.
Lời hiểu dụ của vua Quang Trung "Đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ" được khắc ghi tại khuôn viên đền thờ vua Quang Trung như lời nhắc nhủ,giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, hàng năm, cứ vào ngày mồng 5 Tết, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lại được tổ chức, thu hút hàng nghìn du khách thập phương trẩy hội. Đặc biệt, vào mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014, UBND TP Hà Nội đã thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Công viên Văn hóa - Di tích gò Đống Đa với các hạng mục chính là đền thờ, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, hai bức phù điêu tái hiện khí thế tiến công thần tốc của quân Tây Sơn, cổng tứ trụ, quảng trường, sân khấu, bậc lên gò... Công viên đã tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh, cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc, xứng tầm với vị thế khu di tích.
Một mùa xuân mới - mùa của lễ hội đã về trên mọi miền đất nước. Với ý nghĩa lịch sử to lớn kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và sự kiện trọng đại đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội gò Đống Đa xuân Kỷ Hợi 2019 hứa hẹn là điểm chiêm bái, du xuân ý nghĩa của người dân đất Việt.