Lần đầu được đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, với tôi, ấn tượng đầu tiên là nhịp sống thanh bình giữa những "thành phố trẻ” đang từng ngày vươn dậy. Những đồi cao su bạt ngàn, những vạt cà phê, vườn tiêu, điều ôm lấy núi non một màu xanh no ấm. Thật vui khi biết rằng, ở mảnh đất này hiện có những người con đất Mường Hòa Bình sinh sống, họ cũng đã và đang từng ngày đóng góp cho sự phát triển của Tây Nguyên ruột thịt. Chuyến đi thăm cửa khẩu quốc tế Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã cho chúng tôi cơ hội được gặp gỡ những con người như thế.
Những ngày đầu vô cùng gian khó…
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y cách thị xã Plei Cần 14 km, cách thành phố Kon Tum hơn 70 km. Nơi đây có cột mốc biên giới chung của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam Pu chia) nên được gọi là Ngã ba Đông Dương hay Cột mốc ba biên. Ở dưới chân cột mốc này có những bản làng của người Mường Hòa Bình đã vào định cư hơn 30 năm nay. Chúng tôi có dịp thăm thôn Bắc Phong, nơi có 310 hộ dân, trong đó 98% là người Mường từ Hòa Bình vào sinh sống. Sau gần 30 năm rời quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp, bà con không những đã an cư mà cuộc sống ngày một giàu có, sung túc ở quê hương thứ hai này. Thế nhưng: "Để có cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi không thể quên được những ngày đầu vô cùng gian khó. Có những người đã không thể vượt qua được nên phải quay trở về quê cũ”, ông Bùi Văn Linh, Trưởng thôn Bắc Phong chia sẻ.
Tháng 8/2018, Đoàn công tác của Báo Hòa Bình đến thăm cột mốc biên giới Bờ Y, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum).
Theo ông Bùi Văn Linh cho biết, khó khăn đầu tiên mà bà con vấp phải là những thay đổi của khí hậu, thời tiết. Do chưa quen với thời tiết, lại phải sống trong những căn nhà tạm bợ nên nhiều người bị ốm đau.Thôn Bắc Phong lúc ấy có đến cả chục trường hợp bà con qua đời vì bệnh tật. Những ngày đầu đến Tây Nguyên lập nghiệp, trước mắt ông Linh và bà con người Hòa Bình là những dãy núi hoang sơ, lạnh lẽo. Để có lương thực, bà con bắt tay vào khai khẩn ruộng nước, nương rẫy. Cái khó, cái đói, cái nghèo đeo bám mãi nhưng bà con không nản lòng, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn. Và rồi, "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, đất Tây Nguyên đã không phụ những người con Hòa Bình cần cù, chịu khó. Đến những năm 1995 – 1996, với sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, bà con thôn Bắc Phong bắt đầu phát triên trồng cây công nghiệp. Đến nay, thôn có trên 300 ha cà phê, 270 ha cao su và hàng chục ha cây bời lời. "Từ khi phát triển trồng cây công nghiệp, đời sống của bà con đã thay đổi, thôn Bắc Phong đã ngày càng ấm no hơn, nhiều hộ xây được nhà cao, cửa rộng, nuôi dạy con cái thành tài”, ông Bùi Văn Linh chia sẻ.
Tự hào bản Mường ấm no ở vùng biên viễn
Những ngày gian khó đã dần trở thành dĩ vàng, gần 2.000 bà con người Mường ở xã Bờ Y đang từng ngày xây dựng cuộc sống mới no ấm. Ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Bờ Y chia sẻ: "Quả thật, những ngày đầu bà con mới vào định cư, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là bản tính cần cù, chịu khó nên bà con người Mường đã đạt được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế. Hiện nay trong những điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế của xã Bờ Y có nhiều hộ là người dân tộc Mường. Bắc Phong là thôn gần như 100% bà con là người Mường, đây cũng là một trong những thôn phát triển kinh tế ổn định nhất xã, nhờ trồng các cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời”.
Sau hơn 20 năm rời quê vào Tây Nguyên lập nghiệp, gia đình ông Quách Công Kỵ cùng đa số các hộ dân người Mường khác ở thôn Bắc Phong đã xây dựng cuộc sống mới no ấm.
Theo anh Quách Công Hiếm ở thôn Bắc Phong chia sẻ: Nhờ trồng cây cao su, cà phê mà nhiều hộ ở thôn Bắc Phong có thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như hộ ông Đinh Văn Lý, Sa Văn Quê, Quách Công Son, Bùi Văn Linh, Đinh Công Huấn, Đinh Như Hào, mỗi năm các hộ này thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Riêng gia đình anh Quách Công Hiếm, cả hai vợ chồng đều làm giáo viên, ngoài ra, gia đình anh cũng trồng cao su và cà phê, mỗi năm cũng đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh Hiếm chia sẻ: "Những ngày đầu cuộc sống xáo trộn rất nhiều nhưng bà con mình luôn đoàn kết, giúp đỡ, động viên lẫn nhau. So với ở quê nhà huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thì trong này đất đai màu mỡ, rộng rãi hơn nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế”.
Nếu như những ngày rời quê hương Đà Bắc lên đường, nhiều bà con nghĩ rằng chẳng biết đến bao giờ có dịp về quê thăm họ hàng thì ngày hôm nay, giữa những người đi và người ở lại đều nở nụ cười hạnh phúc. Những chuyến xe chở nặng nghĩa tình từ Hòa Bình vào Ngọc Hồi (Kon Tum) lúc nào cũng đông khách. Anh Quách Công Khang, xóm Hào Lý (Đà Bắc) có họ hàng vào Kon Tum sinh sống từ năm 1992, đến nay, sau những lần vào thăm, anh kể về những người anh em của mình trong niềm vui khó tả: "Trước đây, đời sống khó khăn, suốt một quãng thời gian khá dài chúng tôi không có liên lạc được với nhau. Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng tôi đã kết nối được với nhau. Đến nay, tôi đã 4 lần vào thăm bà con ở huyện Ngọc Hồi. Lần đầu vào năm 2010, lần gần đây nhất là năm 2015. Đời sống của bà con đã khá giả hơn trước nhiều, nhà nào cũng có hàng chục ha cao su, cà phê. Điều ấn tượng là bà con đặt tên thôn, xóm theo tên ở quê hương mình và vẫn giữ được những nét văn hóa bản sắc của người Mường Hòa Bình”.
Hẳn rằng, với bất kỳ ai trên mảnh đất hình chữ S, chuyến đi về cửa khẩu quốc tế Bờ Y và thăm cột mốc biên giới chung của ba nước Đông Dương đều là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời. Còn với những người con của Hòa Bình như chúng tôi, chuyến đi càng thêm ý nghĩa hơn khi được đến thăm bản Mường ấm no của những người Hòa Bình vào Tây Nguyên định cư của gần 30 năm về trước. Họ đã và đang từng ngày an cư, lạc nghiệp và viết nên những mùa xuân no ấm ở miền biên viễn xa xôi này.
Viết Đào