Một mùa Xuân nữa lại về trên những rẻo cao biên giới của tỉnh Lào Cai. Sự ấm no, hạnh phúc, bình an đã hiển hiện trong từng nếp nhà của đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Hà Nhì... ở địa phương - nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt.


Cầu Hồ Kiều ở thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng thuốc nổ phá sập khi rút lui, cuối tháng 3/1979. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Trải qua 40 năm, mảnh đất Lào Cai đang từng ngày thay da đổi thịt. Hình ảnh về cuộc chiến tháng 2/1979 có lẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người lính già ở miền biên viễn này.

Những trang tư liệu lịch sử còn lưu giữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Lào Cai từ ngày 17/2 đến 4/3/1979 ở các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Mường Khương và thị xã Lào Cai được chia theo ba giai đoạn. 

Sáng sớm 17/2, quân xâm lược bên kia biên giới với hai quân đoàn (13 và 14), một sư đoàn (thuộc Quân đoàn 50), 100 xe tăng và xe bọc thép, 450 khẩu pháo các loại chia làm hai cánh tấn công vào những vị trí phòng ngự của ta. 

Chúng bắc cầu phao qua sông Hồng và sông Nậm Thi để xe tăng, bộ binh tiến đánh thị xã Lào Cai. Lập tức các đơn vị phòng ngự của ta trên tuyến tiền tiêu đồng loạt nổ súng chiến đấu. Quân ta đã giành giật từng ngôi nhà, góc phố, làm thất bại ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh của đối phương. 

Ở hướng Bát Xát và Mường Khương, bộ đội, công an vũ trang (Biên phòng) và dân quân tự vệ đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, kiên cường chống lại quân xâm lược ào ào, lớp lớp theo kiểu "lấy thịt đè người” nhằm chiếm chốt phòng ngự, trận địa của ta. 

Giai đoạn hai, từ ngày 21-25/2, các sư đoàn chủ lực 345 đứng chân ở khu mỏ Apatít Cam Đường, Sư đoàn 316 đứng chân ở Than Uyên, Trung đoàn 254 và 192 cùng 8 tiểu đoàn bộ đội địa phương đã bẻ gãy các mũi tiến công của đối phương ở Phố Mới, Cốc San, Đồng Tuyển…

Giai đoạn ba, từ ngày 26/2 đến ngày 4/3, quân ta được tăng cường thêm Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 118 và Trung đoàn 124 của Sư đoàn 345 đã bao vây, tiêu diệt sinh lực địch tại km31, km7 (đường 70); chặn đứng, làm tan rã các cánh quân của đối phương. Sau gần một tháng chiến đấu, quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đã đánh hơn một nghìn trận lớn nhỏ, bẻ gãy, chặn đứng chiến lược đánh nhanh, tiến nhanh của địch, bảo vệ cho nhân dân kịp rút về tuyến sau. 

Để chi viện cho tiền tuyến, tỉnh Hoàng Liên Sơn đã huy động 550 lượt xe cơ giới, 1.200 lượt ngựa thồ để chuyên chở hơn 3.000 tấn nhu yêu phẩm, vũ khí đạn dược, vượt qua 120.000 km đường phục vụ quân ta chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc.


Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hòa, một trong những nhân chứng của cuộc chiến hiện đang sinh sống tại thành phố Lào Cai, kể cho chúng tôi nghe về nhiều tấm gương quả cảm chiến đấu 40 năm trước. Đó là câu chuyện về hai vợ chồng chị Vũ Thị Chiên và anh Đặng Văn Dương, đều là tự vệ lâm trường, đã xung phong lên vị trí tiền tiêu để chiến đấu. 

Hai vợ chồng chị Chiên sử dụng nhiều loại vũ khí để cùng đồng đội chiến đấu, đánh trả các đợt tấn công của đối phương. Đến ngày thứ tư, anh Dương hy sinh, chị Chiên nén đau thương tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu chặn đứng mũi tấn công của quân địch từ hướng Pha Long đánh vào thị trấn Mường Khương. 

Với thành tích của mình, ngay trong những ngày chiến trường còn vang tiếng súng, chị Chiên vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Bên cạnh đó, nhiều cái tên cũng được nhắc tới về tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường như Đồn trưởng Nguyễn Quang Vinh, Đại đội trưởng Vàng Seo Sáng, chiến sỹ Lê Khắc Xuân, Nguyễn Xuân Chiểu, Phạm Văn Hưởng, Quách Văn Rạng, Hoàng Hiệp…

Bốn thập kỷ đã trôi qua nhưng trong mỗi lần gặp mặt, nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, những cựu chiến binh đã từng tham gia ở mặt trận Lào Cai vẫn nhớ như in từng mỏm núi, con đèo, khe sâu... nơi họ đã chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.


Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. (Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN)


Đại tá Nguyễn Địch Tập, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai bồi hồi nhớ lại trận đánh dữ dội ở cao điểm 518, thuộc xã Bản Phiệt (Bảo Thắng, Lào Cai) chặn đường tiến quân của quân xâm lược hòng tiến nhanh khống chế quốc lộ 70, đánh chiếm huyện lỵ Bảo Thắng. Khi ấy, quân địch rất đông, có hỏa lực mạnh, với chiến thuật "biển người” ào ạt xông lên chiếm chốt của ta. 

Ba trung đội bộ binh của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 118 đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy mũi tiến công của đối phương, bảo vệ hậu cứ phía sau an toàn.

Để ghi nhận những đóng góp của quân và dân tỉnh tỉnh Lào Cai nói riêng và Hoàng Liên Sơn nói chung trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, có 389 đơn vị và cá nhân đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. 

Đồn Biên phòng Pha Long vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Bốn cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sỹ Quách Văn Rạng (Đồn Biên phòng Lào Cai), Liệt sỹ Lê Khắc Xuân (Đồn Biên phòng Pha Long) được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Nhằm tri ân những người có công và thân nhân người có công trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Chỉ riêng dịp chuẩn bị đón Xuân Kỷ Hợi, 707 trường hợp người có công và thân nhân người có công trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 đã được các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong suốt những năm qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, cùng phát triển. 

Với chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, những năm gần đây, việc hợp tác biên giới, đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân và phát triển giao thương trên toàn tuyến biên giới Lào Cai đã có bước phát triển đáng kể, góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất một thời bị khói lửa chiến tranh tàn phá nặng nề. 

Nhìn từng chùm pháo hoa được bắn trong đêm Giao thừa đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019 giữa trung tâm thành phố Lào Cai chắc hẳn người còn sống hay đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 đều có thể mỉm cười bởi sự đóng góp, hy sinh của họ là tiền đề tạo nên những mùa Xuân mới an lành cho quê hương, đất nước./.

 

                      TheoVietnamplus

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục