Là một trong những cứ điểm quan trọng bảo vệ Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được người Pháp gọi với cái tên mỹ miều Eliane 2, song với chúng ta tên gọi đồi A1 lại gần gũi, thiêng liêng hơn cả. Bởi chỉ ở đồi A1 năm ấy (1954) mới có một tiếng nổ rung trời mà bộ đội ta theo lệnh tổng tấn công.



Du khách về thăm đồi A1.

Đến nay, 66 năm đã trôi qua, song trên đồi A1 ấy vẫn còn đó những hàng dây thép gai, hầm hào công sự, lô cốt cây đa cụt và còn nguyên hố bộc phá là dấu tích của khối nổ nghìn cân năm nào. Bên con đường nhỏ dẫn đến hố bộc phá có hai cây phượng vĩ đã bao hè đơm bông đỏ chói như mời gọi, thúc giục người ở nơi gần hay phương xa về với Điện Biên, thăm đồi A1.

Và tôi, thăm đồi A1 hôm nay lại trào dâng một cảm xúc thật khác. Theo con đường thoai thoải từ cổng chính rồi qua điểm cây đa cụt, tôi bắt đầu hình dung về chuỗi những ngày bộ đội ta khoét đất đào đường hầm; những giờ chiến đấu giành từng tấc đất trên đồi thấm đẫm những hy sinh. Như những trang sử đã ghi: Trong hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất.

Đồi A1 nằm trong hệ thống phòng ngự phía đông của Mường Thanh cùng với C1, C2, D, E tạo thành bức tường thành vững chắc, "cánh cửa” then chốt che chở cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Ngoài ra, A1 lại là cao điểm cuối cùng về phía nam khu đông gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cát. Do vậy, nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, tạo điều kiện để quân ta triển khai tiếp cận làm bàn đạp tiến vào trung tâm.

Để đánh chiếm đồi A1, từ đêm 30-3 đến trưa 1-4-1954, bộ đội ta đã hai lần tấn công quân Pháp và chiếm được nửa đồi A1. Từ đêm ngày 1 đến sáng 3-4, ta tiếp tục áp sát, chiến đấu, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Pháp tổ chức cuộc phản kích lần hai, sử dụng thêm pháo binh và hai phi cơ thả bom nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, các chiến sĩ Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) và Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) của ta đã tập trung hỏa lực tiêu diệt, chặn đứng cuộc phản công, bắn cháy một xe tăng, khiến quân Pháp phải rút lui.

Chuẩn bị để tiếp tục đánh chiếm cứ điểm A1, Đại đoàn 316 tổ chức đào ba đường hào, song vấn đề tìm ra cách đánh hầm ngầm là câu hỏi khó được đặt ra. Sau nhiều phương án được đưa ra bàn bạc, cuối cùng, kế hoạch phối hợp lực lượng công binh Trung đoàn Công binh 151 (Đại đoàn 351) đào một đường hầm từ trận địa ta đến chân hầm địch rồi dùng một lượng thuốc nổ khoảng một tấn, đánh sập hầm được Bộ Chỉ huy đại đoàn nhất trí và báo cáo lên Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bằng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, cuối cùng đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch… Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, tiếng nổ của khối bộc phá gần một tấn trên đồi A1 vang lên như sấm rền cuốn theo phần lớn đại đội dù 2 của quân Pháp.

Mặc dù vậy, những tên lính sống sót của đại đội dù 2 vẫn điên cuồng trút đạn liên thanh về phía ta. Đồng thời, đại đội 3 của quân Pháp đóng trên đỉnh đồi và từ phía hầm ngầm cũng tiến ra phản kích. Cuộc chiến bằng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê lại diễn ra trên từng thước chiến hào, từng ụ súng. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4 giờ ngày 7-5-1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong trận chiến trên đồi A1, địch thất bại hoàn toàn song bộ đội ta thương vong không ít, nhưng vượt lên là tinh thần quyết chiến của các chiến sĩ Điện Biên. Để chiến thắng, hỗ trợ đồng đội có những chiến sĩ đã sẵn sàng ôm bộc phá lao vào ụ súng để mở đường cho đơn vị tiến đánh.

Về thăm đồi A1 hôm nay, tôi đã thấy những đôi mắt cảm thương ngân ngấn lệ, những cựu chiến binh bước chậm như chẳng muốn rời. Nhìn những hàng cây xanh mướt, thảm cỏ lạc phủ kín trên triền đồi, các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa cũng phần nào thấy thỏa lòng hơn. Bởi họ hiểu "đồng đội ở lại được gối trên cỏ mềm cho giấc ngủ bình yên”.

Cũng trong chiều ấy, trên đồi A1 tôi đã được nghe chị Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích Điện Biên cho biết, lý do lựa chọn cây cỏ lạc để trồng là cả một niềm thương: "Rễ cỏ lạc ăn nông không làm các chiến sĩ bị đau”! Và dường như hiểu cả những điều ấy và thuận lòng người nên cả bốn mùa cỏ lạc trên đồi A1 cứ mướt mải xanh và được điểm tô thêm những vạt hoa vàng tươi rực sáng.

Nhằm góp sức nhổ cỏ chăm cây làm sạch thêm cảnh quan trong khuôn viên đồi, mỗi tháng một lần hàng chục chiến sĩ trẻ ở Trung đoàn 82 lại tình nguyện về đây nhổ cỏ dại, nhặt lá khô rồi cẩn thận vun từng ngọn gọn hàng theo lối. Khi được hỏi cảm nghĩ chiến sĩ trẻ thế nào, Cà Văn Thanh ở Trung đoàn 82, đã xúc động nói: "Xưa, các bác đã không tiếc máu xương mà ở lại nơi này để chúng em được sinh ra trong hòa bình, độc lập, ấm no thì ngày nay em chỉ mong góp sức nhỏ làm đẹp thêm trên địa danh từng ghi dấu anh hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng danh”.

Tháng 5 về, đường phố Điện Biên như bừng lên trong sắc thắm cờ hoa khiến ta có cảm giác như mọi con đường đều đổ về thành phố, mọi nẻo đường đều đưa bước du khách về Điện Biên. Thăm những địa danh chỉ riêng ở Điện Biên, như: Hầm Đại tướng, đồi D, đồi A1… rất nhiều cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của Điện Biên ngày mới.

Đi qua 66 mùa hè rực lửa, 66 mùa ban nở trắng đồi, Điện Biên hôm nay đã khoác lên mình sắc mới với màu vàng của lúa trên cánh đồng Mường Thanh, màu xanh của đồi chè, nương ngô trải dài bên những cung đường từ Pha Đin, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Phăng… và đâu đâu ta cũng thấy "màu ấm no” hiện lên trên mỗi khuôn mặt, nụ cười của những con người đã, đang góp sức dựng xây Điện Biên Phủ hôm nay.


Theo Nhandan

Các tin khác


Gia Định gọi - Hòa Bình đáp lời

(HBĐT) - Nghĩa tình Hòa Bình - Gia định đã từng là một mối tình gắn bó keo sơn. Sau nhiều năm câu chuyện về một thời hào hùng đó vẫn còn được kể. Ngã ba Khăm Chỉ, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) hiện vẫn còn cây đa và cây gạo cổ thụ. Cây đa do chính tay đồng chí Hồ Thị Bi, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định trồng, còn cây gạo do đồng chí Bùi Văn Kín, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trồng từ năm 1963, để minh chứng cho nghĩa tình Hòa Bình - Gia Định mãi bền chặt.

Giải phóng thị xã Cà Mau - ngày non sông nối liền một dải

Trên đà chiến thắng giòn giã khắp chiến trường miền Nam, trong tháng 2-3/1975, quân và dân tỉnh Cà Mau đã chiến thắng nhiều trận đánh quan trọng.

Chuyện cô gái trẻ ngồi trên xe tăng dẫn đường cho bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn

Những ngày cuối tháng tư năm 2020, tại căn nhà nhỏ thuộc khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, nhân chứng lịch sử Nguyễn Thị Ngọc Mỹ kể lại câu chuyện năm xưa ngồi trên xe tăng dẫn đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn cách đây 45 năm (30/4/1975 - 30/4/2020).

Những năm tháng không quên của Anh hùng Phạm Minh Giám

(HBĐT) - Trong căn phòng nhỏ đơn sơ chỉ có vài vật dụng thiết yếu, góc trân quý nhất đối với ông Phạm Minh Giám, tổ 25, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) là bức tường treo tấm ảnh đen trắng người lính cầm súng bị hoen mờ được phóng to. Bức ảnh đã được sử dụng trong nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến chiến dịch mùa khô 1971 – 1972, và những chiến công hiển hách của quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào). Bức ảnh đề nội dung: Chiến sỹ Phạm Minh Giám, c24e866 một mình đánh cao điểm 1433 (Đông nam Long Chẹng).

"Tất cả vì miền Nam ruột thịt" - Bài cuối: Non sông một dải

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn bằng những bước chân thần tốc, táo bạo, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới, quyết chiến đã giành lấy toàn thắng. Miền Nam được giải phóng, non sông một dải, Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn và ta nhanh chóng tiếp quản thành phố.

"Tất cả vì miền Nam ruột thịt" - Bài 2: Sống mãi ký ức hào hùng

Tháng Tư lịch sử, bao nhiêu ký ức, kỷ niệm về Ngày giải phóng miền Nam lại xếp lớp dày đặc trong tâm trí những người khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, nhận lấy danh xưng người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục