(HBĐT) - Năm 2020, tỉnh phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2 - 5 điểm so với năm 2019. Đối với 10 chỉ số thành phần phấn đấu ít nhất bằng mức trung bình của cả nước. Các chỉ số còn lại đều được cải thiện và tăng điểm.
UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 97/QĐ-UBND, ngày 16/1/2020 về Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2020, định hướng đến năm 2021.
Đặc biệt, đối với Sở KH&ĐT, cần cập nhật, công bố kịp thời, công khai các TTHC liên quan đến điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa và thực thi đúng, đầy đủ; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Chủ trì xây dựng, quản lý dữ liệu về doanh nghiệp (DN), dự án đầu tư; thường xuyên công khai trên các kênh thông tin điện tử để DN biết, theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời, phục vụ kế hoạch SX-KD.
Sở TN&MT tiếp tục thực hiện đơn giản hóa nội dung hồ sơ, thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ), giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai... Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ cho DN. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN vừa và nhỏ trong tiếp cận đất đai. Thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất, chuyển mục đích SDĐ, chuyển nhượng quyền SDĐ đối với những hộ gia đình, cá nhân chưa có giấy chứng nhận QSDĐ...
Sở Tài chính thực hiện thực hiện công khai, minh bạch quy trình cấp phát vốn NSNN. Tiếp tục thực hiện chính sách đơn giản hóa TTHC liên quan đến chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho các hoạt động sự nghiệp...
Để góp phần cùng tỉnh cải thiện chỉ số PCI, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đề nghị: UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện theo hướng DN đến đặt hàng chuyên viên các sở để làm việc, đề xuất thời gian cụ thể hoàn thành công việc. Nếu làm được như vậy thì thời gian thực hiện các TTHC sẽ được rút ngắn. DN cảm nhận, hiện nay, một số chuyên viên ở các sở, ngành năng lực còn hạn chế. Có DN phản ánh khi làm việc còn phải thỏa thuận với cán bộ. Có những cán bộ đảm nhận một công việc trong thời gian quá lâu. Trên thực tế, lãnh đạo các sở, ngành rất quan tâm chỉ đạo công việc liên quan đến DN, nhưng một bộ phận cán bộ, công chức lại gây khó dễ, giải quyết công việc rất mất thời gian. Vì vậy, đối với những sở nhạy cảm, nên có chủ trương luân chuẩn từ lãnh đạo cấp phòng đến các chuyên viên. Ngoài ra, để khắc phục độ trễ của sự phát triển, rất mong lãnh đạo tỉnh quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong cải cách TTHC, để làm sao gỡ khó cho DN, nhất là sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Năm 2020, để không gây khó khăn, phiền hà cho DN trong công tác thanh, kiểm tra và DN không phải mất chi phí không chính thức, UBND tỉnh chỉ đạo, Thanh tra tỉnh phát huy vai trò là "nhạc trưởng" trong các cuộc thanh tra. Đảm bảo thanh, kiểm tra theo kế hoạch không quá 1 lần/DN/năm. Một cuộc có thể thanh tra nhiều nội dung, nếu thanh tra quá mức quy định thì phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Xây dựng đa dạng kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của DN, các tổ chức kinh tế về tố cáo hành vi nhũng nhiễu và có cơ chế kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời biểu hiện gây khó khăn cho DN. "Thanh tra tỉnh sẽ tiếp nhận thông tin đa dạng việc tố cáo cán bộ nhũng nhiễu. Song trước hết, Hiệp hội DN tỉnh cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật, hướng dẫn, khuyến khích doanh nhân, DN sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; không tiếp tay với tiêu cực, tham nhũng, không nên làm những việc để cán bộ có cơ hội gây phiền hà, nhũng nhiễu" - đồng chí Nguyễn Văn Trường, Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị.
Để tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh chỉ rõ: Việc lớn chúng ta phải làm là công tác quy hoạch. Phải xác định quy hoạch là công cụ vô cùng quan trọng, nếu không có công cụ này thì rất khó để thu hút các dự án đầu tư. Để làm tốt vấn đề này thì vai trò của các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và kể cả các nhà đầu tư là rất quan trọng.
Theo đó, về quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; triển khai thực hiện lập quy hoạch đảm bảo tiến độ chung của cả nước. Đối với quy hoạch xây dựng, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt các quy hoạch: Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng hai bên đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình. UBND TP Hòa Bình sớm hoàn thiện thủ tục, triển khai thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. UBND các huyện rà soát quy hoạch chung xây dựng thị trấn, trong trường hợp cần thiết thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của huyện thì báo cáo, đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh.
Về quy hoạch, kế hoạch SDĐ, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT nghiên cứu, đề xuất kinh phí lập kế hoạch SDĐ giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh; quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch SDĐ năm đầu cấp huyện. Sở TN&MT, UBND các huyện, thành phố khi lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ phải đảm bảo chất lượng, cập nhật quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định; phải làm thế nào để chọn được cán bộ có tâm, có tầm, đáp ứng được yêu cầu công việc... Lãnh đạo các sở, ngành phải năng động, trách nhiệm, sáng tạo hơn nữa trong công việc, phải kiểm soát được cán bộ, công chức của mình làm gì và làm như thế nào để bám sát công việc.
Hoàng Nga