Người già ở bản Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) vẫn giữ nghề truyền thống thêu thùa thủ công để phục vụ đời sống hàng ngày.
Đã có mặt và sinh sống tại tỉnh Hoà Bình trên 40 năm, tôi sớm biết thế nào là rừng, làng rừng… tới mức tôi có thể liên tưởng người nông dân đồng bằng Bắc Bộ ra đồng thế nào, người miền núi vào rừng như thế. Nhưng, rồi rừng mất đi, những làng bản hầu hết chỉ còn là những làng bản miền núi, chứ không còn là làng rừng. Tiếp đến tốc độ phát triển của đô thị hoá, nhà bê tông, nhà ống không chỉ phổ biến ở thành phố, thị trấn, mà ầm ầm kéo đến các bản làng miền núi. Những làng rừng còn lại trở lên vô cùng hiếm hoi.
Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc Đinh Công Báo là người Mường sinh ra và lớn lên tại xóm Vầy, xã Vầy Nưa, ngay dưới chân núi Biều phía sông Đà kể cho tôi nghe truyền thuyết về vùng này và có nhắc đến núi Biều. Thực ra tên núi là núi Niều, nhưng do cùng tên với vị tộc trưởng rất uy tín Đinh Công Niều nên người dân gọi chệch đi là núi Biều. Từ xa xưa đã lưu truyền câu ví: "Núi Biều như diều con gà. Núi Trà như mà con cua”.
Trên lưng chừng núi Biều, ở các phía đa số là những bản người Dao Tiền sinh sống (1 trong 2 nhánh người Dao có mặt tại tỉnh Hoà Bình). Đó là các bản: Sưng, Bai, Lanh, Mó Nẻ, Ngù… Và vì ở lưng chừng núi, đi lại khó khăn nên một bộ phận người Dao ở các bản này "hạ sơn” xuống thấp hơn, lập bản mới như bản Tằm - xã Cao Sơn, bản Dướng, bản Thín, bản Lau - xã Vầy Nưa… Tuy nhiên, cùng ở lưng chừng núi Biều, cùng là người Dao Tiền, nhưng những bản Dao khác không giữ được làng rừng như bản Sưng.
Các gia đình người Dao ở bản Sưng đều ở dưới tán rừng, nhà tiếp nhà và hoàn toàn không có bờ rào, dù chỉ là ranh giới tượng trưng. Rừng ngay ở ngõ, rừng vào tận sân… Tất cả những gì có trên mặt đất đều được đặt trong rừng. Thật thú vị khi những cây chò, đa, sâng, muồng, sấu… hàng trăm năm tuổi, cao vút như những cột chống khổng lồ kéo căng tấm thảm xanh làm rợp mát xóm làng. Càng thú vị hơn khi những cây cổ thụ ấy, dù đang đứng trong vườn nhà ai thì cũng là cây của chung, của làng. Dưới tán cổ thụ của chung ấy là tầng tầng, lớp lớp cây ăn quả như nhãn, hồng bì, mít, bưởi… của các gia đình.
Nhìn những người phụ nữ Dao lặng lẽ ngồi thêu váy áo trong nếp nhà gỗ dưới tán rừng, tôi nghĩ đến cảnh trong rừng xe máy, ngột ngạt khói xăng giữa nắng hè oi ả đến ngạt thở nơi đô thị, phố phường. Với giọng bộc trực và tưởng như hơi "ngang ngang”, ông Lý Hồng Si, nguyên trưởng bản Sưng lâu năm cả quyết: Chỉ Kiểm lâm không bao giờ có thể giữ được rừng nếu không có sự tự giác bảo vệ rừng của người dân. Việc bảo vệ rừng ở bản Sưng hoàn toàn do người dân tự giác. Anh nghĩ mà xem, những cây cổ thụ trong bản có tuổi thọ hàng mấy trăm năm. Nếu không do người dân thì ai mới có thể bảo vệ được nó cao xanh cho đến hôm nay.
Trong ngôi nhà lá mát rượi khi hè tới, ấm áp lúc đông về, tôi vừa nhẩn nha bát rượu hoẵng men rừng, vừa nghe chuyện về rừng, về cây, về làng mới thú vị làm sao. Có những chuyện rất thực, nhưng được người dân liên tưởng, ví von và đang đi vào cổ tích. Ví như chuyện về cây đa cổ thụ giữa làng được gọi tên là cây đa "cái”. Đây là cây đa mọc trên chạc của một cây vàng tâm lớn. Do giống đa phát triển nhanh toả rễ xuống. Người dân giữ lại 2 rễ lớn của cây đa cho mọc xuống đất thành cây đa 2 thân như 2 chân người đứng trên đất. Sự phát triển của cây đa trên cây vàng tâm như hình ảnh người phụ nữ, nên được bà con người Dao ở đây gọi là cây đa cái. Đa lớn nhanh đến độ thay thế cây vàng tâm. Khi cây đa thành cổ thụ, nghĩa là cây đã già chứ không còn là cây đa tuổi con gái nữa, nhưng vẫn là cây đa cái.
Phải chăng, cây đa mang bóng mát chở che con người và chính con người lại thổi hồn vào cây, mang cho cây sự "linh thiêng” để trường tồn, để tiếp tục che chở cho các thế hệ người Dao Tiền bản Sưng, xã Cao Sơn này. Tôi tin, những cây chò, cây gội, cây muồng, cây sấu… cổ thụ ở bản Sưng đều đã và đang trở thành cây cổ tích giữa lưng núi Biều hùng vĩ. Và phải chăng, đây cũng chính là một biện pháp bảo vệ cây, bảo vệ rừng độc đáo của người Dao bản Sưng!
Lê Va
(Hội VH-NT tỉnh)