Bài 1 - Đánh thức tiềm năng, phát triển ngành "công nghiệp không khói”

(HBĐT) - Với vị trí thuận lợi, phong cảnh tươi đẹp, hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo, Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch... để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn.




Hòa Bình có tiềm năng, lợi thế về loại hình du lịch thể thao - giải trí. 
Ảnh: Sân golf Phượng Hoàng,
 xã Lâm Sơn (Lương Sơn) thu hút du khách.

Vùng đất tươi đẹp, giàu bản sắc, nhiều tiềm năng

Với vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp. Trên địa bàn tỉnh có 173 điểm di tích, danh thắng được quản lý, bảo vệ, nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng. Tỉnh có 4 khu bảo tồn thiên nhiên (Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò) đa dạng về hệ sinh thái; nguồn nước khoáng nóng tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như hòn ngọc của tỉnh và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia. Công trình thủy điện Hòa Bình huyền thoại gắn với hồ Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn.

Đặc biệt, Hòa Bình có nền văn hóa độc đáo của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông..., trong đó, dân tộc Mường chiếm 63,3%. Cộng đồng các dân tộc còn giữ được bản sắc riêng có. Họ là chủ nhân của những làn điệu dân ca ngọt như mật ong, trong như dòng suối, của những áng mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước”, của gần 10 nghìn chiếc chiêng, các nghề truyền thống và nhiều lễ hội như: chùa Tiên, Khai hạ Mường Bi, đền Bờ, Xên Mường Mai Châu… Văn hóa ẩm thực của các dân tộc cũng rất độc đáo. Với vị trí thuận lợi, cùng những tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, tài nguyên nhân văn độc đáo, hấp dẫn là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao - giải trí, mạo hiểm...

Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch

Với những tiềm năng đó, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định: Dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch khoảng 3,3 triệu lượt. Xây dựng chiến lược phát triển mạnh ngành du lịch. 

Để khai thác tiềm năng du lịch, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch... Đáng chú ý là: Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 30/12/2016 phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 30/8/2016 về xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 về phát triển khu du lịch hồ Hoà Bình thành khu du lịch quốc gia. Chương trình hành động số 15-CTr/TU, ngày 22/9/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đồng thời, triển khai thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: chính sách phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình... 

Từ những nền tảng có tính chất quyết định đó tạo nên những bước tiến quan trọng thay đổi diện mạo du lịch tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở lưu trú đã được thẩm định (6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 238 nhà nghỉ), với 4.200 buồng phòng, 5.419 giường và 157 homestay với gần 2.355 giường; 9 điểm du lịch địa phương được công nhận. Số lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch đều tăng. Du lịch ngày càng khẳng định được tỷ trọng đóng góp trong phát triển kinh tế chung của tỉnh, chiếm trên 3% đóng góp trực tiếp vào GRDP.    

Năm 2016, tỉnh đón 2.274.000 lượt khách (khách quốc tế 227.469 lượt), doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.038,3 tỷ đồng. Đến năm 2019, đón 3,1 triệu lượt khách (khách quốc tế 406.384 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1.152 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách trung bình hàng năm tăng 10,6%. Du lịch tạo việc làm cho trên 14.000 người, trong đó, trực tiếp 5.260 người, gián tiếp theo mùa vụ và cung ứng hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm gần 9.000 người. 

Sống tại TP Hồ Chí Minh, đầu xuân 2020, chị Nguyễn Thị Thoa cùng gia đình chọn Hòa Bình là điểm đến du lịch. Chị Thoa chia sẻ: Hòa Bình phong cảnh rất đẹp, có bản sắc văn hóa độc đáo, nhất là dân tộc Mường. Nơi chúng tôi lưu trú - khu du lịch Serena (Kim Bôi) xứng đáng là điểm nghỉ dưỡng thú vị. Nếu có dịp, nhất định chúng tôi sẽ trở lại.

Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

Đánh giá việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực du lịch, ngành VH-TT&DL cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Mặc dù Hòa Bình là 1 trong 10 địa phương trong nước có lượng khách du lịch nhiều nhất, nhưng doanh thu du lịch chưa cao, mức tăng chậm. Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đến năm 2020, khách du lịch đạt 3,3 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt 2.500 tỷ đồng cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. 6 tháng năm 2019, toàn tỉnh đón 1,52 triệu lượt khách, 6 tháng năm 2020, chỉ đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, doanh thu trên 750 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế 150 nghìn lượt.  
 
Đối với mục tiêu xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, thực hiện theo Luật Du lịch năm 2017 không còn quy định này, Sở VH-TT&DL đã trình UBND tỉnh công nhận huyện Mai Châu là khu du lịch cấp tỉnh. Đối với phát triển khu du lịch hồ Hoà Bình thành khu du lịch quốc gia, đến nay đạt 3/5 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần tiếp tục phấn đấu: kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của du khách; thu gom, xử lý rác thải, nước thải.

Về khó khăn trong phát triển du lịch, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Trường nhìn nhận: Cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu đồng bộ, nhất là tuyến đường kết nối đến điểm du lịch ở các xã vùng cao. Bến thuyền kết nối các điểm trên khu du lịch hồ Hòa Bình chưa được xây dựng; nhiều tàu thuyền chưa đăng kiểm được để phục vụ du khách. Một số dự án du lịch triển khai chậm, không đúng tiến độ cam kết. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, thiếu những sản phẩm có tính canh tranh cao; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu đa dạng của du khách. Tỉnh chưa có khu nghỉ dưỡng tầm khu vực, quốc tế để thu hút khách cao cấp; ít cơ sở vui chơi, giải trí - thể thao, mua sắm, không níu chân được du khách lâu, mức chi tiêu ít, tổng thu từ hoạt động du lịch thấp. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù...  

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc còn những thách thức, đặc biệt tại một số điểm du lịch cộng đồng. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lưu Huy Linh cho rằng, có nơi, không gian văn hóa truyền thống tại điểm du lịch bị phá vỡ, nguy cơ bị phá vỡ, ngay cả tại bản du lịch cộng đồng nổi tiếng như bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu). 

(Còn nữa)

Cẩm Lệ


Các tin khác


Đắm say vẻ đẹp ruộng bậc thang Miền Đồi

(HBĐT) - Nhắc đến ruộng bậc thang ở Hòa Bình không thể không nói đến ruộng bậc thang ở Miền Đồi, một xã vùng 135 của huyện Lạc Sơn. Đây thực sự là một công trình nhân tạo ấn tượng của huyện Lạc Sơn nói riêng và trên vùng đất cửa ngõ Tây Bắc nói chung.

Giữ “hồn Mường” cho vùng đất cổ Mường Bi

(HBĐT) - Những người con sinh ra, lớn lên ở huyện Tân Lạc luôn tự hào về vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi ra đời sự tích núi thiêng trong cuốn sử thi "Đẻ đất, đẻ nước". 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển


Bài 2 - Để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc

(HBĐT) - Bên cạnh nét đẹp văn hóa được giữ gìn, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và tác động của cơ chế thị trường, đô thị hóa..., cùng với những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mai một văn hóa, mờ dần bản sắc. Vì vậy, rất cần những giải pháp để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển

(HBĐT) - Nằm ở cửa ngõ Thủ đô và vùng Tây Bắc, Hòa Bình là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, trung tâm của nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng. Trong tiến trình phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy. 

Bài 1 - Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

Tìm đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

(HBĐT) - Năm 2020, tỉnh phấn đấu tăng tổng điểm số PCI từ 2 - 5 điểm so với năm 2019. Đối với 10 chỉ số thành phần phấn đấu ít nhất bằng mức trung bình của cả nước. Các chỉ số còn lại đều được cải thiện và tăng điểm. 
 
Bài 2 - Vì sự phát triển chung của tỉnh

Tìm đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh

(HBĐT) - Năm 2019, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đạt 63,84 điểm, tăng 2,11 điểm so với năm 2018. Đây là năm có điểm số cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên được xếp vào nhóm điều hành khá. 

Bài 1 - Những "nút thắt" cần được tháo gỡ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục