(HBĐT) - Những người con sinh ra, lớn lên ở huyện Tân Lạc luôn tự hào về vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi ra đời sự tích núi thiêng trong cuốn sử thi "Đẻ đất, đẻ nước".
Tuy nhiên, đã có lúc cùng với dòng chảy nhịp sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cứ thế mà mai một. Bằng nhiều nỗ lực, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây đã gìn giữ, phát huy để "hồn" Mường không bị thay thế, phai nhạt...
Những lễ hội truyền thống được quan tâm khôi phục
Lễ hội truyền thống chính là nơi phô diễn, giúp hình dung được những giá trị văn hóa một cách chân thực, sống động. Kể từ năm 2000, lễ hội Khai hạ (Khuống mùa) - lễ hội truyền thống cổ, đáng chú ý nhất ở địa phương đã được khôi phục lại.
Đồng chí Bùi Thị Niềm, người con của đất Mường Bi, hiện là Giám đốc Sở VH-TT&DL bày tỏ: Khai hạ chính là lễ hội phổ biến nhất của người Mường Bi xưa để tỏ lòng tôn kính với các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu và những điều tốt đẹp đến với dân làng. Được duy trì tổ chức thường niên đúng vào ngày 7 - 8 tháng Giêng âm lịch tại xã Phong Phú, lễ hội Khai hạ là sự kiện lớn được người dân vùng Mường luôn đón đợi, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống được tái hiện một cách đầy đủ (lễ cúng tại miếu thờ xóm Lũy, lễ rước bóng Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, lễ xuống đồng với đường cày đầu tiên...) là phần hội của lễ hội Khai hạ luôn cuốn hút bởi màn trình tấu chiêng, đồng diễn chiêng Mường trầm hùng, độc đáo. Tiếp nối là những tiết mục văn nghệ hát, múa dân ca Mường, các hoạt động tạo không khí rộn rã, tưng bừng như trò chơi dân gian, hội thi các môn thể thao dân tộc, thi ẩm thực truyền thống...
Sau lễ hội Khai hạ, huyện phục dựng các lễ hội truyền thống cổ đặc sắc như: lễ hội đánh cá suối Lỗ Sơn; lễ hội chùa Kè - xã Phú Vinh... Các lễ hội tạo sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần. Kéo theo đó, các giá trị văn hóa phi vật thể chiêng Mường, mo Mường, các làn điệu dân ca, sắc bùa, phong tục tập quán, trang phục, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống... cũng được bảo tồn, phát huy.
Phát triển du lịch song hành với bảo tồn giá trị văn hóa
Cuộc sống mưu sinh của người dân làng Mường cổ Lũy Ải, xã Phong Phú từng nhiều vất vả, khó khăn. Dẫu vậy, cộng đồng, làng xóm lại rất đồng lòng giữ gìn những nét đẹp văn hóa từ đời ông bà lưu lại. Ở đây, nếp nhà truyền thống của bà con vẫn giữ được hình thái kiến trúc nhà sàn cổ. Nếp ăn, nếp ở, phong tục tập quán được giữ nguyên... Đây cũng là cơ sở để năm 2014, làng Mường Ải được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ), đồng thời được Bộ VH-TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người, được đưa vào dự án "Cải tạo, bảo tồn làng Mường cổ" do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư. Hiện tại, xóm Lũy Ải đã trở thành một điểm du lịch chính nằm trong tuyến du lịch quốc lộ 6, tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc, mà đặc trưng là sản phẩm văn hóa độc đáo.
Trên những bản làng khác như xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Chiến - xã Vân Sơn, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường cũng có những đổi khác kể từ khi làm DLCĐ. Bà con có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa từ lời ăn tiếng nói, trang phục cho đến phong tục, tập quán... giúp du khách có được những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp.
Theo đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, giá trị văn hóa là nguồn của cải vô giá mà vùng đất cổ Mường Bi có được. Nhờ sự trân quý, phát huy những giá trị này mà Mường Bi giờ đây trở thành điếm đến văn hóa - du lịch nổi tiếng, hấp dẫn du khách muôn phương tìm đến trải nghiệm, khám phá. Trong đó, DLCĐ là điểm nhấn, lợi thế được huyện Tân Lạc xác định phát triển song hành với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Bên cạnh nguồn tài nguyên tự nhiên gồm cảnh quan, môi trường, hệ thống hang động, di tích khảo cổ học, hồ nước, núi đá..., huyện quan tâm khơi dậy những nét văn hóa truyền thống làm điều kiện quan trọng để phát triển DLCĐ. Đổi lại, loại hình này mang lại lợi ích KT-XH cho người dân tham gia vào công tác bảo tồn. Trên địa bàn đang khai thác 4 điểm DLCĐ thuộc các xã: Phong Phú, Phú Cường, Suối Hoa, Vân Sơn. Các sản phẩm du lịch trọn gói, lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch làng nghề từng bước được tạo dựng. Huyện cũng đã triển khai kế hoạch trồng đào ven các tuyến đường vùng cao, lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích danh thắng, để tạo thêm các sản phẩm thu hút khách du lịch. Xây dựng đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của địa phương; đề án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển DLCĐ cho các điểm DLCĐ.
Nhờ giữ được "hồn Mường" mà các điểm DLCĐ trên địa bàn thu hút du khách trong nước, quốc tế, giúp thúc đẩy, tạo điểm nhấn diện mạo nông thôn, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch nổi bật của Mường Bi, đó là DLCĐ, du lịch văn hóa - lễ hội.
Bùi Minh