(HBĐT) - Hòa Bình là cửa ngõ của vùng Tây Bắc và cũng là tỉnh thuộc ven Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trước thời cơ và thách thức, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo sự bứt phá trên một số lĩnh vực, góp phần tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KT-XH, để Hòa Bình sớm thoát khỏi ngưỡng "bình bình”. 
Bài 1 - Thắp sáng lộ trình giảm nghèo bền vững

Bài 2 - Tập trung cải cách hành chính để thu hút đầu tư



Người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi) giới thiệu mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đem lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo kết quả điều tra đầu năm 2016, tỉnh có 50.959 hộ nghèo, tương ứng với 24,38% hộ, 24.586 hộ cận nghèo, chiếm 11,76% hộ dân trong toàn tỉnh. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao gồm: Đà Bắc 51,75%; Lạc Sơn 38,5%, Kim Bôi 35,04%... Tình hình kinh tế ở vùng sâu, xa nói chung, vùng 135 nói riêng chậm phát triển. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (GNBV).

Hệ thống chính trị vào cuộc

Để có "kim chỉ nam” cho các hoạt động giảm nghèo, tháng 4/2013, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) GNBV tỉnh giai đoạn 2012-2020. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế, tham mưu cho tỉnh đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy lộ trình GNBV. Tiếp đó, tỉnh ban hành Chương trình khung giúp đỡ các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh, phân công từng cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã thuộc vùng 135.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháng 3/2017, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 319, thành lập Văn phòng Giảm nghèo tỉnh làm nhiệm vụ giúp việc, tham mưu BCĐ cấp tỉnh về lĩnh vực GNBV. Văn phòng có chức năng điều phối các hoạt động về giảm nghèo, tư vấn giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, chỉ ra tồn tại, nguyên nhân để kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tháng 12/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 105/NQ-HĐND, về "Tăng cường công tác quản lý, thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnhHòa Bình”. Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách, dự án về giảm nghèo đã được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo luôn được quan tâm. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp các hộ nghèo nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời, giúp họ tiếp cận và áp dụng hiệu quả KH-KT vào sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Thắp sáng ước mơ thoát nghèo

Có dịp thăm các mô hình điển hình tiên tiến ở cơ sở, tôi thấy rõ hơn động lực vượt khó, thắng nghèo trong Nhân dân.

Đưa chúng tôi đến thăm các hộ kinh doanh du lịch, chị Bùi Thị Nhềm, xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chia sẻ: Đá Bia - Đức Phong hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, tất cả là nhờ sự kết nối, bắc cầu của tỉnh, của huyện, để tổ chức AOP (Action on Poverty) tại Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ mang sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng nghèo và dễ tổn thương ở một số quốc gia tại châu Phi, châu Á định hướng, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng. Đá Bia là một xóm nhỏ với vài chục hộ dân. Khi chưa có đường, nơi đây là một ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng cây ngô, cây luồng trên nương, con cá dưới sông Đà nên đời sống khó khăn. Sống trong điều kiện đó, khát vọng thoát nghèo ở mỗi người dân thực sự mãnh liệt. Bởi vậy, khi có sự định hướng, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và cả kinh phí, một nhóm những người trẻ đã sẵn sàng nhập cuộc để phát triển du lịch cộng đồng. Sau 5 năm, Đá Bia đã trở thành điểm du lịch homestay hấp dẫn với những du khách thích trải nghiệm, khám phá. Theo đó, 2/3 số hộ dân trong xóm đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, một số hộ cuộc sống khấm khá.

Cùng anh Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi dạo một vòng qua các xóm của xã Đú Sáng (Kim Bôi), tôi hoàn toàn bị hút mắt bởi màu xanh của cây trái, ẩn hiện những nếp nhà khang trang, bề thế. Vẫn biết Đú Sáng là xã đặc biệt khó khăn, nhưng hôm nay diện mạo đã hoàn toàn đổi khác. Anh Sơn chia sẻ: Nguồn sống chủ yếu của người dân Đú Sáng là sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, với sự bắc cầu của huyện, của xã, người dân đã tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, liên kết với doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Hiện tại, trên địa bàn xã có 4 công ty tham gia đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, với các loại cây trồng chủ yếu là lặc lày, mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, bí xanh. Hiệu quả trồng cây màu, cây rau theo mô hình liên kết cao gấp 5-6 lần trồng lúa, nếu canh tác tốt có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Anh Sơn cho biết: Với sự giúp đỡ từ các chương trình, dự án, hàng trăm hộ dân xã Đú Sáng đã nắm bắt thời cơ để phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Đó là lý do Đú Sáng hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới.

Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao từ cấp tỉnh, công tác giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả. Các chính sách đặc thù được tỉnh ban hành như đề án 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh được lồng ghép với Chương trình 135 mang lại kết quả tích cực. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, đến hết năm 2019 có 1 huyện, 6 xã, 73 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, dự kiến hết năm 2020 phấn đấu thêm 10 xã, 7 thôn sẽ hoàn thành Chương trình 135. Kết quả này góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề ra kế hoạch giảm 3% hộ nghèo/năm, kết quả thực hiện giảm được 3,16%/năm. Theo kế hoạch, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,56%. Đời sống của người dân được nâng lên tầm cao mới.

  (Còn nữa)

Thúy Hằng

Các tin khác


Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, khẳng định kết quả phong trào xây dựng NTM trong những năm qua là rất quan trọng trong phát triển KT-XH, được xác định là chương trình trọng tâm giai đoạn 2010 - 2020. 

Bài 2 - Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới

Dấu ấn 10 năm xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) -Sau 10 năm thực hiện (2010-2020), chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn của tỉnh. 

Bài 1 - Thành công từ sự đồng thuận

Đắm say vẻ đẹp ruộng bậc thang Miền Đồi

(HBĐT) - Nhắc đến ruộng bậc thang ở Hòa Bình không thể không nói đến ruộng bậc thang ở Miền Đồi, một xã vùng 135 của huyện Lạc Sơn. Đây thực sự là một công trình nhân tạo ấn tượng của huyện Lạc Sơn nói riêng và trên vùng đất cửa ngõ Tây Bắc nói chung.

Giữ “hồn Mường” cho vùng đất cổ Mường Bi

(HBĐT) - Những người con sinh ra, lớn lên ở huyện Tân Lạc luôn tự hào về vùng đất cổ Mường Bi, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi ra đời sự tích núi thiêng trong cuốn sử thi "Đẻ đất, đẻ nước". 

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển


Bài 2 - Để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc

(HBĐT) - Bên cạnh nét đẹp văn hóa được giữ gìn, trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và tác động của cơ chế thị trường, đô thị hóa..., cùng với những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mai một văn hóa, mờ dần bản sắc. Vì vậy, rất cần những giải pháp để bản sắc văn hóa mãi trường tồn cùng dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển

(HBĐT) - Nằm ở cửa ngõ Thủ đô và vùng Tây Bắc, Hòa Bình là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, trung tâm của nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng. Trong tiến trình phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống luôn được gìn giữ và phát huy. 

Bài 1 - Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục