Huyện Lương Sơn đang được đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019 (sớm hơn 1 năm so với kế hoạch). Hành trình hướng tới đích đạt chuẩn NTM quy mô toàn huyện ghi nhận quyết tâm, sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn. Sau gần 10 năm, kể từ năm 2010 đến nay, Lương Sơn đã xuất sắc vượt chỉ tiêu về thời gian hoàn thành xây dựng NTM trên cả quy mô cấp xã và cấp huyện. Cụ thể, đến cuối năm 2019, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; 100% xã đạt chuẩn NTM, bình quân 19 tiêu chí/xã. Cùng với đó, 2 xã Lâm Sơn, Thanh Lương (cũ) được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 6 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 11 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn. Cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,92%. Thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm. Các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hoá tiếp tục được cải thiện. ANTT nông thôn ổn định. Huyện bước đầu thực hiện được mục tiêu là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,86%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng 63,1%; thương mại - dịch vụ 24,8%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 12,1%.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban chỉ đạo các cấp thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở, thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình mới đã, đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác không ngừng tăng lên. Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề chế biến nông sản được hình thành, mở rộng, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao; thu nhập, điều kiện sống của Nhân dân được nâng lên.
Nhiều bài học hay
Về các xã NTM, đi trên những con đường liên thôn, liên xã được mở rộng, đổ bê tông, trồng hoa ven đường cảm nhận rõ nét sự tươi mới, đổi thay. Chặng đường xây dựng NTM 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, người dân hiểu rõ được giá trị của xây dựng NTM, góp sức xây dựng làng quê, nhất là chủ động trong chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng có năng suất cao hơn; ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Tổng kết 10 năm xây dựng NTM, tỉnh đã vinh danh nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc cho huyện Lương Sơn, tặng bằng khen cho 10 tập thể, 5 cá nhân. UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc cho 43 tập thể; tặng bằng khen cho 123 tập thể, 61 cá nhân, hộ gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2011-2020. Đối với Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 27 sản phẩm OCOP, gồm 9 sản phẩm hạng 4 sao, 18 sản phẩm hạng 3 sao...
Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Triển khai chương trình, tỉnh đã biết tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của T.Ư để đạt được những thành tựu trong xây dựng NTM. Bài học kinh nghiệm là quá trình tổ chức thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, Nhân dân, trong đó, vai trò người đứng đầu là nhân tố quyết định, nhất là Ban chỉ đạo xây dựng NTM, đoàn thẩm định NTM tỉnh, Văn phòng điều phối NTM từ tỉnh đến huyện... Phải xây dựng được lộ trình, kế hoạch sát với thực tiễn, ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng NTM. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung xây dựng NTM.
Cùng với đó là việc đa dạng hình thức tuyên truyền, tập huấn. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân, nguồn lực từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn. Phát huy tinh thần yêu nước, tự chủ theo phương châm: "Dân biết, dân làm, dân hưởng thụ", "Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân", đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chú trọng công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào "Chung sức xây dựng NTM"...
Nhiều mục tiêu lớn
Có thể nói, 10 năm xây dựng NTM ở Hòa Bình là quá trình ghi nhiều dấu ấn. Kết quả đạt được trong xây dựng NTM tạo đà vững chắc cho công cuộc CNH - HĐH. Với những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình MTQG xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM trên 65% (khoảng 85 xã). Có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn. Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho Nhân dân. Các xã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khu dân cư phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn hộ phấn đấu đạt chuẩn khu vườn NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến thêm về các chỉ tiêu, cũng như mục tiêu thực hiện xây dựng NTM trong thời gian tới; đặc biệt không được phép chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các địa phương phải đi vào thực chất, chứ không phải đếm số xã đạt chuẩn mà tính. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch NTM tới đây phải dựa trên yếu tố biến đổi khí hậu. Vì vậy, xây dựng NTM trên cơ sở theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, phát triển nông nghiệp bền vững với những cây trồng chủ lực, thu hút đầu tư vào nông thôn, nhất là địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao đời sống của người dân, quan tâm chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng, bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp...
Đinh Thắng