(HBĐT) - Sống giữa núi rừng Tây Bắc, người dân bản Mông vẫn luôn mạnh mẽ, kiên cường, với khát vọng vươn lên trở thành bản, làng văn minh dựa trên nền tảng truyền thống, là điểm đến hấp dẫn bạn bè phương xa. Bản Mông hôm nay đã khác, đã có những thứ tạo nên sợi dây níu chân người ở lại.
Bài 2 - Hiện thực hóa khát vọng "nảy mầm xanh trên đá”

>> Bài 1: "Sinh ra từ làng, phải góp sức cho làng!”



Từ trên điểm cao nhìn xuống, thung lũng bản Mông đẹp và bình yên, tạo nên sợi dây níu chân những ai đã từng đến thăm nơi này

Có một bản Mông tươi đẹp như thế!

Được ví như Sapa bởi ở bản Mông Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu) có thời tiết 4 mùa trong 1 ngày. Hai ngày sống cùng người dân bản là chưa đủ cho tôi thấy hết, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được phần nào cái sảng khoái mà thiên nhiên ban tặng cho thung lũng này. Sáng tinh mơ ngày Chủ nhật, chợ Pà Cò đã tấp nập người mua,bán đủ những mặt hàng thiết yếu cho đến nông sản sạch từ vườn nhà mỗi gia đình. Tôi ấn tượng nhất với giấy bạt, loại hàng mà có lẽ không tìm thấy ở nơi khác, sản phẩm giấy do chính người Mông tự làm ra dùng vào nhiều việc trong nhà, đặc biệt dịp lễ, Tết. Những cung đường đèo dốc buổi sáng sớm đưa tôi đi qua từng vườn đào nhìn mà "đã mắt”,làm tôi liên tưởng đến cảnh tượng khi đào nở, thung lũng càng trở nên rực rỡ hơn. Trước đó, chúng tôi có một chuyến tình nguyện đến với bà con bản Mông,tôi đã được thấy sự hồn nhiên trong mắt những đứa trẻ, những điệu múa đặc trưng của người Mông và quan trọng hơn là sự mến khách của họ.

Gia đình em Khà Y Hoa, xóm Thung Mài, xã Hang Kia có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mặc dù mới học lớp 8 nhưng em đã phải tự lo cho cuộc sống của mình và các em nhỏ trong nhà vì không có bố mẹ bên cạnh. Trong chuyến tình nguyện đó, tôi được thấy nét đẹp ở bản Mông, đó là tình làng nghĩa xóm, bà con trong bản đeo từng gùi vật liệu cát, sỏi trên lưng đưa vào trong khu vực xây dựng nhà tình nghĩa cho em. Họ đều mệt nhưng ai nấy vẫn luôn nở nụ cười vì làm được việc có ý nghĩa, giúp bản làng tươi đẹp hơn. Bản Mông quả thực không chỉ đẹp, mà tình người ở đó cũng đẹp như vậy!

Dạo quanh các bản, làng, có thể thấy những dấu ấn mà Đề án 03 của BTV Tỉnh ủy đem lại cho người Mông. Trong năm nay, bản Mông liên tục có nhiều niềm vui, hưởng lợi từ đề án này. Như việc được đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho 2 xã trên 78 tỷ đồng. Ban Dân tộc tỉnh đầu tư công trình đường giao thông nội thôn và đường vào khu sản xuất điểm định canh, định cư tập trung ở bản Cang, xã Pà Cò. UBND huyện Mai Châu triển khai xây dựng một số công trình quan trọng ở 2 xã. Trong đó, tại xã Hang Kia là công trình đường xóm Thung Mài; cứng hóa đường giao thông xóm Thung Mặn dài 1,8 km; xây dựng điểm tập kết rác tại xã Hang Kia; hiện đang lập hồ sơ xây dựng, cải tạo sân thể thao xóm Pà Khôm và xóm Hang Kia. Tại xã Pà Cò như công trình phụ trợ nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Pà Cò Lớn, xóm Pà Cò 1; sửa chữa nhà văn hóa của 6 xóm; xây dựng điểm tập kết rác tại xã Pà Cò; công trình nhà học bộ môn và hạng mục phụ trợ trường THCS xã Pà Cò…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được thực hiện. Như việc công bố làng nghề dệt thổ cẩm xóm Pà Cò 1 với khoảng 20 hộ dân đang duy trì hiệu quả. Hỗ trợ các giống xoài, mận hậu, phân bón cho 100 hộ dân xã Hang Kia; giống cây đào cho 59 hộ xã Pà Cò, duy trì mô hình trồng chè Shan tuyết tại xã Pà Cò với 33 hộ tham gia. UBND huyện có nhiều hoạt động thiết thực như mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng su su,cà chua cho 48 người dân xã Pà Cò; giải ngân một dự án vay vốn số tiền 120 triệu đồng tại xã Pà Cò với mô hình trồng rau an toàn gắn với du lịch cộng đồng…

Từ những sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước, bản Mông đang dần "sáng” lên xứng với tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Đồng chí Khà A Váu, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Hang Kia phấn khởi: "Từ sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước cho bà con bản Mông đã giúp cuộc sống của người dân vơi đi nỗi vất vả, cơ cực. Trẻ em có trường lớp khang trang để học, người dân có điện lưới để sử dụng,sân bãi để vui chơi,trạm y tế để chăm sóc sức khỏe,đường đi được bê tông hóa… Đó là những động lực để bà con củng cố niềm tin và thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. 

Ước mong của già làng

Được biết đến là điểm phức tạp về buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Thế nhưng, có một bản làng nhiều năm nay không có người vướng vào ma túy, đó là bản Chà Đáy, xã Pà Cò. Già làng Sùng A Vờ, người có uy tín của bản cho hay: "Người dân trong bản hiểu rõ cái hại mà ma túy gây nên, hơn nữa, mỗi gia đình, dòng họ đều có ý thức bảo vệ người thân tránh xa khỏi ma túy. Tôi và nhiều đồng chí công an, bộ đội đã trực tiếp đi tuyên truyền, vận động bà con. Lần một không được thì lần hai, lần hai không được thì lần ba, lần bốn... đến khi nào làm "thông” tư tưởng của người dân mới thôi”. Trước đây, bản Chà Đáy nói riêng, 2 xã nói chung đâu đã được như bây giờ. Già làng Sùng A Vờ nhớ lại thời điểm 10 năm trước, vẫn còn những con đường đất lởm chởm, nhỏ hẹp; nhà cửa chưa được đẹp và khang trang, quy hoạch chưa thành hàng, thành lối; thanh niên ít việc làm... "Hồi đó, tôi chỉ ước có đường, có điện, có trạm xá, lớp học là hạnh phúc lắm rồi”- già làng Sùng A Vờ chia sẻ.

Đến nay, ước nguyện đó đã được hiện thực hóa, không những vậy còn đem lại cho bản Mông cơ hội để phát triển điểm du lịch cộng đồng. Một trong những người trẻ tiên phong làm homestay của bản là Phàng A Páo với thương hiệu A Páo homestay được nhiều người biết đến. Theo A Páo, khách đến đây thăm quan, ăn uống và nghỉ lại đông nhất vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, Tết. Đến với bản Mông hôm nay, A Páo đã biết tạo cho du khách hành trình thăm bản như vườn đào, đồi chè, những điểm cao ngắm nhìn toàn cảnh bản Mông, hay đi chợ phiên, thưởng thức những món ăn đặc trưng do chính người Mông chế biến.

Nhìn lại bản Mông hôm nay, với những đổi thay và con đường phía trước, già làng Sùng A Vờ và Hàng A Dê đều ước muốn người Mông tránh xa ma túy, phát huy truyền thống đoàn kết, cùng chung tay xây dựng bản làng ngày một phát triển, lấy cái đẹp để dẹp đi cái xấu. Và quan trọng hơn, những thế hệ con em bản Mông sau này sẽ gìn giữ được truyền thống bản sắc tốt đẹp của dân tộc, tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương. Sau những tuần nâng chén rượu vòng theo phong tục của người Mông khi tiếp khách quý, tôi thật sự hy vọng những ước muốn của họ sẽ sớm thành hiện thực, viết nên những trang mới của bản Mông đầm ấm.


Thanh Sơn

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục