(HBĐT) - Với người Mường Hòa Bình, chiêng giữ vị trí đặc biệt linh
thiêng. Chiêng có mặt mọi lúc, mọi nơi, trong lễ nghi, tín ngưỡng và suốt cuộc
đời của mỗi người. Hội nào thiếu tiếng chiêng, hội đó không to. Tết nào vắng
tiếng chiêng, Tết đấy không sung túc. Ngày vui đôi lứa mà không có cồng chiêng,
ngày cưới mất vui. Người về với tổ tiên, ông bà có chiêng đưa tiễn...
Trong cuộc sống hôm nay, cộng đồng người Mường Hòa Bình - chủ nhân của chiêng Mường đang tiếp tục bảo vệ, kế thừa, phát triển, để tiếng chiêng Mường vang xa, lan tỏa, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa phi vật thể đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hình, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) bên dàn chiêng quý.
Đau đáu nỗi niềm bảo tồn chiêng của những người con xứ Mường
Giai đoạn những năm 80, 90 của thế kỷ trước, do đời sống khó khăn, một số lượng chiêng cổ đã bị người dân bán mất. Có lẽ đây là nốt trầm buồn nhất trong bản nhạc "chiêng Mường”. Ngậm ngùi nhớ lại ký ức buồn này, nghệ nhân Nguyễn Thị Hình, xóm Rổng Tằm, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) trăn trở: Là người con của xứ Mường, từ nhỏ tôi đã được xem, nghe biểu diễn chiêng Mường. Càng nghe càng thấy hay, thấy say. 17 tuổi, tôi được người lớn cho tham gia đội chiêng. Cảm giác được đứng trong dàn chiêng, góp một nốt chiêng vào cả bài chiêng trầm hùng của dân tộc mình khiến tôi rất xúc động, tự hào. Nhưng tôi cũng rất buồn, trăn trở là giai đoạn này kinh tế đất nước, địa phương còn khó khăn, chiêng Mường chưa được coi trọng. Trong nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tôi đã đề xuất ý kiến với ngành chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm bảo tồn, khôi phục chiêng Mường. Với tình yêu chiêng Mường, bản thân tôi đã lưu giữ được 2 chiếc chiêng cổ, sau này mua thêm được 4 chiếc chiêng nữa để đủ bộ chiêng 6 chiếc theo truyền thống của vùng Mường Lương Sơn.
Cùng chung nỗi niềm đau đáu với nghệ nhân Nguyễn Thị Hình, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, tổ 7, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) ngậm ngùi: "Những năm 90, nhiều gia đình túng đói đã bán chiêng đi, văn hóa chiêng Mường mai một. Vì tình yêu chiêng Mường, tôi đã thắt lưng buộc bụng, giành dụm tiền, quyết tâm sưu tầm những chiếc chiêng quý để mang về lưu giữ. Tôi rất sợ mất đi những nét đặc sắc của văn hóa Mường. Tôi muốn gìn giữ lại cho con cháu sau này, hết đời tôi đến đời các con sẽ vẫn còn”. Và hơn 20 năm qua, bước chân ông Thực đã rong ruổi khắp 4 xứ Mường để sưu tầm. Tiền làm ra, ông đều dành cho những cuộc băng rừng, vượt núi tìm mua chiêng. Đến nay, ông Thực đã có gần 30 chiếc chiêng, trong đó có chiếc đúc nguyên. Sau khi đúc xong là âm thanh chuẩn luôn. Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 2 chiếc quý nhất. Một chiếc là chiêng cái. Còn chiêng ông Thực có được là chiêng liền. Chỉ cần xoa vào vú chiêng là âm thanh ngân vang.
Cũng là người yêu chiêng, trân trọng chiêng và khắc khoải lo sợ chiêng mai một, nghệ nhân Bùi Tiến Xô, thôn 168, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đã sưu tầm, sở hữu 55 chiếc chiêng; trong đó có 18 chiêng cổ, 28 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Đau đáu nỗi niềm với chiêng Mường thì không thể không kể đến ông Bùi Thanh Bình, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đang sở hữu tới 5.000 cổ vật văn hóa Mường, trong đó có hơn 100 chiếc chiêng quý…
Xót xa, trăn trở trước thực tế chiêng Mường giảm dần về số lượng, văn hóa chiêng Mường mai một, những nghệ nhân xứ Mường yêu chiêng, say chiêng đã tích cực sưu tầm, lưu giữ chiêng cổ. Đặc biệt kiên trì không biết mỏi mệt trong việc truyền dạy, truyền lửa để từ bếp tro tưởng đã nguội lạnh thắp lên ngọn lửa đầy sức sống cho chiêng Mường, góp phần trong việc lưu giữ, phục hồi lại nền văn hóa chiêng Mường hôm nay.
Phục dựng chiêng Mường
Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm BCH T.Ư (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 10 nhiệm vụ trọng tâm thì có một nhiệm vụ quan trọng là "bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”. Đây được xem như một bước ngoặt, một dấu mốc quan trọng đối với sự "sống lại” của chiêng Mường.
Để đưa Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đi vào cuộc sống, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dần được phục hồi. Riêng đối với dân tộc Mường, cùng với sự xuất hiện trở lại ngày càng rầm rộ trang phục váy áo phụ nữ Mường, xây dựng nhà sàn thay vì xây nhà hiện đại, ẩm thực truyền thống của người Mường được ưa chuộng, thì chiêng Mường cũng đã có sự hồi sinh mạnh mẽ. Hiện nay, ở các vùng Mường lớn của tỉnh như Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi), chỉ cần huy động một xóm cũng đủ đội cồng chiêng 20 - 30 người.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) nhận định: Dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 lễ hội lớn, thì có tới 90% lễ hội sử dụng âm nhạc chiêng. Gần đây, nghệ thuật chiêng Mường còn được đưa vào các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh một cách hoành tráng và độc đáo, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân, du khách trong, ngoài nước. Chiêng được sử dụng phổ biến, ngày càng nhiều trong các lễ hội, đón bằng công nhận, ngày hội xuân… Nhiều gia đình có điều kiện đã mua từ 1 - 2 bộ chiêng về để sử dụng, treo ở những vị trí trang trọng trong nhà như một minh chứng cho tình yêu, niềm tự hào đối với bản sắc văn hóa dân tộc. Những chiếc chiêng cổ đã thực sự trở thành vật quý và được trao truyền qua các thế hệ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 12.000 chiếc chiêng, tập trung ở một số huyện như: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi. Trong đó có nhiều bộ cồng chiêng cổ, quý giá. Đồng chí Bùi Tiến Dũng, Trưởng phòng VH - TT huyện Cao Phong cho biết: Tại huyện Cao Phong, xã nào cũng có đội trình tấu chiêng Mường. Sau những giờ lao động vất vả, mọi người lại hội tụ về nhà văn hóa xóm, xã để tập luyện những bài chiêng truyền thống. Người già dạy người trẻ, bố mẹ dạy lại con. Cứ vậy, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, chiêng tồn tại tự nhiên trong mạch nguồn cuộc sống mỗi gia đình, dòng họ, bản làng, xứ Mường. Huyện có nhiều cuộc trình diễn chiêng Mường tại các lễ hội lên tới hàng trăm tay chiêng. Toàn huyện có khoảng 3.000 chiếc chiêng. Hợp Phong, Dũng Phong là 2 xã có số lượng chiêng nhiều nhất. Số lượng tay chiêng đánh được các bài chiêng cổ ngày càng nhiều.
Dòng chảy lịch sử hàng trăm năm qua đã cho thấy chiêng Mường có lúc thăng, lúc trầm, lúc xót xa, lo sợ trước nguy cơ biến mất. Nhưng điều đáng mừng là sau những nốt trầm, giờ đây, chiêng Mường đang ở nốt bổng, tự hào gióng lên những âm thanh trầm hùng vang vọng khắp 4 Mường. Chiêng Mường đã sống lại, khẳng định vị thế tâm linh, văn hóa không thể thay thế trong văn hóa dân tộc Mường. Năm 2016, chiêng Mường đã có mốc son đặc biệt với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
(Còn nữa)
Nhóm P.V Phòng VH-XH